Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng
BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, Khuôn Lùng đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn các loại giống cây phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, rà soát, phân tích những thuận lợi, khó khăn hiện tại của từng gia đình để thực hiện một cách khoa học, hiệu quả nhất. Ngoài ra, phân công cán bộ, công chức các tổ chức chính trị - xã hội gắn với từng hộ dân, định hướng và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp.
Chủ tịch UBND xã Khuôn Lùng, Nguyễn Thế Hệ cho biết: Đưa nghị quyết vào cuộc sống, xã chủ động xây dựng phương án, tổ chức tuyên truyền cơ chế, chính sách đến với từng hộ dân; từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong cải tạo vườn tạp.
Khuôn Lùng có hơn 600 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc Tày. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn hơn 5%. Để thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã đã linh hoạt trong việc hỗ trợ các gia đình; ngoài chính sách hỗ trợ về vốn vay, xã phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân làm đất, quy hoạch vùng trồng cây tại vườn nhà. Đặc biệt, xã đã chủ động đưa những cây trồng có giá trị thiết thực như: Bí thơm, củ Mài sơn… gắn với định hướng phát triển sản phẩm OCOP của địa phương. Mặt khác, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của người dân, xã chủ động liên kết với các trường học trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thế Hệ cho biết thêm: Trước hết, các hộ dân thực hiện phát triển kinh tế nhằm đáp ứng đủ nhu cầu “tự cung, tự cấp” hàng ngày. Sau đó, những sản phẩm từ các loại rau, đậu sẽ được bán ra thị trường và liên kết, tiêu thụ tại các trường học, quán ăn trên địa bàn. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học, quán ăn, vừa đảm bảo người dân có thêm thu nhập từ cây trồng vườn nhà. Qua đó, giúp cho người dân có điểm tựa trong quá trình thực hiện, nhất là những hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc