Cải tạo và áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị kinh tế vườn hộ
BHG - Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, triển khai cụ thể một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh: Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Gia đình anh Lù Sen Khón, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) cải tạo vườn tạp trồng Ổi. Ảnh: Duy Tuấn |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2020, Hà Giang vẫn là tỉnh nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Và kinh tế vườn hộ là một bộ phận cấu thành kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế vườn trong những năm qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; người dân vẫn để vườn tạp nhiều, chưa thực sự tạo sinh kế và chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhập hàng năm của hộ dân.
Kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn cũng cho thấy: Về quy mô, diện tích vườn hộ có sự khác nhau giữa các vùng; về cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều chủng loại, nhưng giá trị kinh tế không cao; tập quán canh tác của đồng bào dân tộc mỗi vùng có nét riêng; giá trị thu nhập từ kinh tế vườn hộ còn thấp. Tại các huyện vùng thấp như, thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê - đây là vùng có diện tích vườn hộ lớn, tương đối bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, có nguồn nước, quy mô vườn lớn hơn so với các vùng khác. Tuy nhiên, vườn hộ chưa được quy hoạch bài bản, còn để vườn tạp, cơ cấu cây trồng nhiều loại, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và thu nhập để giảm nghèo cho các hộ dân. 5 huyện, thành phố trên có 93.458 hộ; trong đó, còn 10.452 hộ nghèo, chiếm 11,2%, 10.699 hộ cận nghèo, chiếm 8,5%.
Hai huyện phía Tây của tỉnh gồm, Hoàng Su Phì, Xín Mần là vùng canh tác có đặc điểm riêng, chủ yếu là ruộng bậc thang; do tập quán sinh hoạt, các hộ dân thường làm nhà ở quanh khu vực ruộng của mình, do vậy tỷ lệ hộ có vườn ít hơn so với các vùng khác. Cây trồng chủ yếu là cây ăn quả như lê, hồng, mận và trồng rau xanh, hiệu quả kinh tế rất thấp; chưa đáp ứng được nhu cầu thực phẩm phục vụ sinh hoạt thường ngày. Trong tổng số 28.260 hộ dân của 2 huyện, hiện vẫn còn 8.735 hộ nghèo, chiếm 30,9%, 5.225 hộ cận nghèo, chiếm 18,5%.
Các huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, điển hình vườn tạp của vùng này diện tích chủ yếu là đá. Cây trồng trong vườn chủ yếu là cây ăn quả ôn đới, rau cải, đậu đỗ, bí đỏ. Điều kiện canh tác đặc biệt khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất. Các sản phẩm từ vườn hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực phẩm sinh hoạt hàng ngày. 4 huyện này có 64.322 hộ, trong đó có 22.291 hộ nghèo, chiếm 34,7%; cận nghèo 12.589 hộ, chiếm 19,6%.
Qua phân tích cho thấy, kinh tế vườn hộ chưa được phát huy, còn để vườn tạp; việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý; tập quán canh tác còn truyền thống, năng suất thấp nhưng chưa được lãnh, chỉ đạo; chưa chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên giá trị kinh tế từ vườn hộ rất thấp, chưa tạo thu nhập bền vững cho người dân… Khi cải tạo lại, áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào diện tích vườn hộ sẽ đem lại thêm nguồn thu nhập ổn định, cũng như đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình một cách bền vững.
Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc