Chuyện tác nghiệp giữa trùng khơi
BHG - Những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, tôi được Ban Biên tập Báo Hà Giang cử tham gia chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cùng những người làm báo từ các tỉnh thành trong cả nước đến thăm và chúc Tết các Nhà giàn DK1 và huyện Côn Đảo.
Tác nghiệp trên tàu KN263, bên Nhà giàn DK1/15. Ảnh CTV |
Chiều ấy ở Quân cảng Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), con tàu KN 263 (thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2) hú lên ba tiếng dài, rồi hướng ra biển lớn, đưa đoàn chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Đây cũng là mùa biển động, đi được vài hải lý tàu lắc lư chao đảo bởi những con sóng. Trên tàu đã có những phóng viên bị say sóng. Cũng may cho tôi trong chuyến đi Trường Sa và nhà giàn đều không bị say sóng, đồng thời có chút kinh nghiệm từ lần đi Trường Sa nên việc tác nghiệp lần này thuận lợi hơn các đồng nghiệp nữ.
Sau hơn 2 ngày vượt biển, con tàu đưa chúng tôi đến Nhà giàn DK1/15. Lúc có thông báo sắp tới Nhà giàn DK1/15 và những ngày sau đó khi đến các Nhà giàn DK1/11, DK1/14, DK1/12 và DK1/10, mỗi khi nhà giàn hiện lên, mọi người trên tàu đều ùa lên boong, ra mạn tàu, không ai còn có cảm giác say sóng nữa. Tất cả cùng hướng về ngôi nhà nổi lên giữa Đại dương mênh mông, nơi những người lính đang ngày đêm trụ vững giữa trùng khơi, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác giả bài viết cùng các đồng nghiệp và cán bộ Nhà giàn DK1/10. Ảnh CTV |
Vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi nước biển mặn, bên cạnh việc phải chống chọi với những cơn say sóng, việc quan trọng nhất đối với mỗi phóng viên là phải lo bảo quản thiết bị hành nghề như máy ảnh, máy ghi âm, camera... bởi nếu sơ ý để nước biển ngấm vào sẽ không hoạt động được.
Trong hải trình, tuy ở mỗi tỉnh khác nhau nhưng mỗi chúng tôi nhanh chóng làm quen, bắt nhịp, chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm tác nghiệp khi sóng to, gió lớn. Các đồng chí trong đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân và Tàu KN 263 luôn động viên, khích lệ, tạo điều kiện để tác nghiệp khiến chúng tôi rất xúc động.
Con tàu KN 263 tiếp tục đưa chúng tôi đến Nhà giàn DK1/10 thuộc bãi cạn Cà Mau. Để đưa được chúng tôi lên những tầng giàn cao hơn chục mét so với mực nước biển, các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn phải dùng dây thừng thông qua hệ thống ròng rọc và kéo bằng tay để đưa từng người trong đoàn công tác lên, tiếp đó hàng, quà cũng được kéo lên bằng dây ròng rọc. Khoảng cách giữa tàu và nhà giàn, độ cao từ mặt nước biển và sóng lớn, người chơi vơi giữa không trung, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống biển sâu. Tàu lắc lư, dù trên nhà giàn và tàu đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm kéo ròng rọc, đón đỡ từng người, nhưng để lên được nhà giàn và quay xuống tàu cũng rất gian nan và đầy thử thách. Biết vậy nhưng toàn bộ phóng viên vẫn rất quyết tâm để lên nhà giàn.
Đứng ở mạn tàu chờ đu dây lên nhà giàn, Quang Tiến - phóng viên Báo Hải Quân động viên chúng tôi: Có bộ đội hỗ trợ, các anh chị cứ yên tâm theo hướng dẫn mà đu dây lên nhà giàn. Cứ quyết tâm lên, không phải ai cũng được lên nhà giàn như thế này đâu.
Từ sự trợ giúp, phối hợp của các thủy thủ tàu KN 263 và nhà giàn, từng người trong đoàn công tác đã tiếp cận một cách nhanh chóng.
Vừa đặt chân lên nhà giàn, Tiểu Bình - nữ phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên, người say tàu nhất trong chuyến hải trình, tâm sự: “Em rất hạnh phúc khi được đặt chân lên Nhà giàn DK1/10. Mặc dù có một chút lo sợ, lên đây rồi em thấy không còn sợ và mệt nữa. Em sẽ cố gắng lấy nhiều tư liệu và hình ảnh để về viết bài”.
Ấn tượng ở Nhà giàn DK1/10 là được sự tiếp đón nồng hậu, ấm áp, chân tình của các chiến sỹ. Chúng tôi được nghe chuyện về cuộc sống ở nhà giàn, về tình đồng chí, đồng đội cùng đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy. Chúng tôi cũng được tham quan mô hình trồng rau, chăn nuôi ở nhà giàn, cùng hát những ca khúc về Tổ quốc, biển đảo. Dù thời gian ngắn ngủi, nên ai cũng tận dụng tối đa để tác nghiệp, ghi chép lại những câu chuyện đầy xúc động trên nhà giàn. Tác nghiệp ở nhà giàn, ngoài phát hiện đề tài mới lạ thì việc làm sao ghi lại được những tấm ảnh, cảnh quay, khoảnh khắc sống động, độc đáo cũng là cả một vấn đề lớn. Khoảng thời gian trên nhà giàn đều rất quý, sự kiện diễn ra không dễ có lại nên phóng viên phải tranh thủ tối đa thời gian để tác nghiệp, lấy tư liệu.
Tạm biệt Nhà giàn DK1/10, đoàn chúng tôi đến chúc Tết quân, dân huyện Côn Đảo rồi trở về đất liền. Giờ phút chia tay thật bịn rịn. Hải trình tới các Nhà giàn DK1 và Côn Đảo giúp cho tôi hiểu hơn về cuộc sống, bản lĩnh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trước muôn vàn khó khăn, gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió. Đây cũng là trải nghiệm, kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của tôi.
Đặng Thị Phương Hoa