Những kỷ niệm khó quên
BHG - Sau khi Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp với Đảng ủy Quân chủng Hải quân tổ chức ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo; đầu năm 2019, tôi có dịp cùng Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đến thăm và chúc Tết tại tuyến đảo Trần, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh. Chuyến tác nghiệp đầu tiên ở nơi “đầu sóng” ấy là dấu ấn không thể nào quên trong tôi, bởi những cảm xúc đặc biệt, vừa thiêng liêng, vừa trân trọng, vừa da diết nỗi nhớ thương!
Giờ học của học sinh trên đảo Trần. |
Trong chuyến hải trình mang Xuân từ đất liền ra đảo, tôi nhớ mãi chuyến tàu mang số hiệu HQ-285, xuất phát từ thành phố Hạ Long, rẽ sóng trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của đợt gió mùa đông bắc, chở theo hơn 10 phóng viên của các cơ quan báo chí các tỉnh đến những vùng đảo thân thương. Gần 5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, những con sóng vỗ rì rào bên mạn tàu khiến nhiều cây bút trẻ say sóng. Nhưng khi những hồi còi tàu vừa vang lên, báo hiệu chuẩn bị cập bến thì các phóng viên ai nấy tác phong đều vô cùng nhanh nhẹn, khẩn trương chuẩn bị máy ảnh, máy quay, sổ ghi chép để sẵn sàng ghi lại những hình ảnh đầu tiên khi đến với những tuyến đảo của quê hương.
Đảo Trần (huyện Cô Tô) là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi thăm, chúc Tết của đoàn công tác. Đó là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tại các xã đảo dù không nhộn nhịp chợ hoa hoặc trang hoàng lộng lẫy như đất liền nhưng không khí Xuân cũng đang lan tỏa khắp mọi nơi. Cành đào phai tại Trạm rada 480 nở đỏ thắm, những loài cây rừng không tên nở bông trắng, vàng tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cho đảo Trần. Tàu vừa vào cầu cảng, cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ và bà con nhân dân sinh sống trên đảo ùa xuống bắt tay, vui mừng hỏi thăm. Những thùng quà Tết từ đất liền nhanh chóng được vận chuyển lên bờ trong tiếng reo vui hồ hởi của các chiến sỹ. Những cái nắm tay thật chặt, những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt dạn dày gió biển của các chiến sỹ Hải quân khiến chúng tôi cảm nhận Xuân mới đã thật sự về nơi đây - mùa Xuân của ấm no, hạnh phúc, mùa Xuân của hy vọng và yêu thương!
Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. |
Tại đảo Trần, đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết một số đơn vị như: Tiểu đoàn đảo Trần, Đồn Biên phòng đảo Trần, trường học liên cấp, Trạm ra đa 480 và một số hộ dân sinh sống trên đảo. Qua lời kể của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, chúng tôi được biết, đảo Trần trước đây không có dân cư sinh sống. Vài năm trở lại đây, trên đảo đã xuất hiện những ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi cùng tiếng cười đùa rộn rã của đàn em nhỏ, đem đến sức sống mới cho hòn đảo này. Nơi đầu sóng, ngọn gió, có quân và dân cùng gắn bó, cùng đoàn kết để lao động và chiến đấu, quyết tâm giữ vững lãnh hải thiêng liêng của vùng biển Đông Bắc thân thương. Tâm sự với chúng tôi, những người dân trên đảo đều chia sẻ, sống ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng thế, dù đất liền hay hải đảo cũng đều là Tổ quốc. Niềm tự hào đó hiện hữu trên những lá cờ đỏ sao vàng luôn kiêu hãnh tung bay trước mỗi hiên nhà nơi đảo nhỏ này. Những mặn mòi, ngọt đắng, bao khó khăn, vất vả của cuộc sống dường như đã hòa vào sóng biển rồi cuốn đi thật xa giữa trùng khơi, chỉ còn lại niềm vui, niềm tin và lòng tự hào dân tộc in trên gương mặt quân và dân nơi đây.
Rời đảo Trần trong ánh mắt bịn rịn của các chiến sỹ Trạm rada 480, chúng tôi tiếp tục hải trình đến đảo Trà Bản (huyện Vân Đồn). Thăm, chúc Tết các chiến sỹ ở Trạm rada 485 cùng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã đảo Bản Sen, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những ngôi nhà mọc san sát với một bên là cánh đồng cùng lũy tre làng yên ả, không khác gì một vùng quê ở đất liền. Những rặng cây trái um tùm với những con đường bê tông phẳng phiu cùng nhiều ngôi nhà xây mới khang trang đã nói lên sự “thay da đổi thịt” của xã đảo khó khăn này.
Tôi nhớ mãi tâm sự của chị Nguyễn Thị Bích Thùy, thôn Đồng Gianh: “Nhiều năm trước, Bản Sen khó khăn lắm, bốn bề sóng nước, rừng núi hoang vu nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm, kiên trì bám đảo. Cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Hải quân, Biên phòng và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, đến nay cuộc sống ở Bản Sen đã thực sự đổi khác. Đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp, điện lưới Quốc gia đã về với đảo, trường học, trạm y tế cũng được xây dựng khang trang. Thấy quê hương đổi mới từng ngày, chúng tôi phấn khởi lắm”. Chính những đôi bàn tay cần cù lao động của người dân, cùng ý chí kiên cường, quyết tâm giữ biển, đảo của những người lính Hải quân đã đem đến một diện mạo ấm no và thanh bình cho các xã đảo trên khắp vùng lãnh hải thân yêu của Tổ quốc. Giữa trùng khơi, sức sống của con người thật mãnh liệt. Chúng tôi càng thêm cảm phục và thấm thía hơn sự hy sinh, vất vả của các chiến sỹ cùng nhân dân đang sinh sống, lao động và sẵn sàng chiến đấu nơi đầu sóng, ngọn gió để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chuyến tàu HQ-285 đưa chúng tôi trở về đất liền trong ánh mắt luyến lưu, bịn rịn cùng những cái nắm tay thật chặt của cán bộ, chiến sỹ Hải quân và nhân dân trên các xã đảo. Tôi mang về mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc hành trang đầy ắp những hình ảnh, tư liệu cùng những tình cảm thân thương dành cho biển, đảo quê hương. Tròn 2 năm đã trôi qua kể từ chuyến hải trình đặc biệt đến với vùng biển Đông Bắc, tôi vẫn nghe thấy tiếng rì rào của sóng biển và vị mặn mòi của biển cả quê hương. Với tôi, chuyến đi đó có một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ mang theo những tình cảm thương mến, gắn bó, sẻ chia của đất liền theo con sóng ra đảo mà còn chuyển tải niềm tin về hậu phương rằng: Nơi đầu sóng, ngọn gió, các chiến sỹ Hải quân của ta luôn ngày đêm chắc tay súng, canh giữ cho lá cờ Tổ quốc mãi tung bay trong mặn mòi gió biển…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc