Nơi ấy… Trường Sa - Kỳ cuối: Ươm những "mầm xanh" trên đảo
BHG - Khi mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã bị thu hút và có cảm giác thân thuộc, gần gũi bởi được nghe tiếng trống trường; giữa bốn bề sóng biển, tiếng trẻ bi bô đánh vần thực sự xúc động.
Lớp học ở Song Tử Tây. Ảnh: PHƯƠNG HOA |
Ở đảo có các gia đình trẻ từ đất liền ra lập nghiệp, tạo thành tổ dân phố nhỏ xinh xinh. Để trẻ em không bị thiệt thòi so với đất liền và các hộ dân yên tâm bám đảo, bám biển, Trường Tiểu học Song Tử Tây được thành lập. Việc dạy và học theo chương trình chung của Bộ Giáo dục. Nhiều năm qua, có những thầy, cô giáo đã hy sinh tuổi trẻ, ngày ngày lặng thầm “gieo chữ” cho các em nhỏ trên đảo. Họ vừa là giáo viên, vừa như người mẹ, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo. Khác với đất liền, ở Trường Sa học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đều chung một lớp. Lớp mầm non cũng học ghép (5 em) từ 3 - 5 tuổi, do thầy Nguyễn Bá Ngọc (26 tuổi), quê Ninh Bình dạy. Lớp tiểu học học ghép 5 em từ lớp 1 đến lớp 4, do thầy Nguyễn Hữu Phú (37 tuổi), quê Khánh Hòa dạy. Cơ sở vật chất của trường khá đầy đủ, trường học được xây dựng kiên cố 2 tầng (gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 thư viện). Nhiều đồ dùng học tập được chế tác từ những vỏ ốc biển và quả Bàng vuông trên đảo… Lớp học ghép, trò lứa tuổi khác nhau, nên giáo viên phải linh hoạt và vất vả hơn trong mỗi giờ dạy. Xa đất liền, xa sự chỉ đạo của ngành, để có những giờ học hấp dẫn, phần lớn các thầy giáo phải tự nghiên cứu tài liệu. Những năm qua, Trường Tiểu học Song Tử Tây đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, được Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa tặng Giấy khen.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (bên phải) và Nguyễn Bá Ngọc với học sinh Trường Tiểu học Song Tử Tây. |
Chưa đến giờ, nhưng học sinh của trường đã tề tựu đông đủ, các cháu đều khoe “Chúng con rất thích đến lớp vì được thầy dạy viết chữ, tập vẽ, kể chuyện, chơi các trò vui lắm”.
Thầy Nguyễn Hữu Phú, giáo viên lớp tiểu học, cho biết: “Dù học ghép nhưng các em đều thông minh, ham học. Phụ huynh luôn gần gũi, động viên thầy giáo, quan tâm đến việc học của con mình.
Ở đảo không có nhiều hoạt động xã hội như trong đất liền. Bù lại, các em được học nhiều về kỹ năng sống trong môi trường biển, kể chuyện truyền thống. Học lực của các em hệ Tiểu học không thua kém các bạn ở trong đất liền. Đặc biệt, các em thuộc rất nhiều bài hát, bài thơ về Đảng, Bác Hồ, quê hương và Trường Sa. Đêm văn nghệ của quân và dân trên đảo, các em cũng tham gia những tiết mục đầy ấn tượng.
Học sinh của trường tích cực tham chương trình văn nghệ ở đảo. |
Về riêng tư, 2 thầy vẫn chưa lập gia đình riêng. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú còn là hội viên tích cực của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Những bài thơ của thầy sáng tác tại đảo đều in đậm Trường Sa. Thầy Nguyễn Bá Ngọc cũng là một giáo viên tràn đầy nhiệt huyết. Điều thú vị là thầy Ngọc đã có thời gian là sinh viên thực tập ở 1 trường tiểu học huyện Bắc Quang (Hà Giang). Khi 2 thầy xung phong ra đảo dạy học, gia đình và không ít bạn bè đã khuyên can vì sợ vất vả, thiệt thòi.
Thiếu tình cảm đất liền, song thầy và trò luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của chính quyền xã đảo, của quân và dân trên đảo, đặc biệt là các phụ huynh, đã tạo thêm động lực cho các thầy yên tâm cống hiến, yêu nghề, mến trẻ hơn.
Chuyên môn là dạy tiểu học, nhưng khi ra đảo lại dạy lớp mầm non, thầy đã tự học, tự tìm hiểu và hoàn thiện chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ. Được dự giờ thầy Ngọc dạy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thầy tổ chức cho các cháu múa hát, dậy học sinh vẽ, tô mầu… cực kỳ khéo léo. Để khắc phục việc thiếu đồ chơi, đồ dùng học tập của học sinh, từ những vỏ ốc biển, chai nhựa và đặc biệt là từ những quả Bàng vuông trên đảo, 2 thầy cùng với phụ huynh sáng tạo ra nhiều đồ chơi hữu ích. Thầy Ngọc tâm sự: Sau mỗi ngày, tôi luôn hạnh phúc bởi được góp sức “trồng người” ở một trong những nơi xa xôi, đặc biệt nhất của Tổ quốc Việt Nam.
Chia tay thầy và trò cùng ngôi trường đặc biệt này với nhiều ấn tượng khó quên, chúng tôi mang theo sự khâm phục những người thầy đầy nhiệt huyết, đang từng ngày kiên trì ươm “mầm xanh” trên đảo xa; hình ảnh những cô bé, cậu bé ngày ngày đi học, vui đùa, cười nói dưới tán lá Bàng vuông như tiếp thêm sức sống cho mảnh đất ở khơi xa.
Hoa Sim
[links()]
Ý kiến bạn đọc