Ngành nông nghiệp dồn lực "về đích" sớm
BHG - Năm 2019 tất cả các ngành đều dồn lực để “về đích” sớm các chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đến thời điểm này, tín hiệu vui đối với kinh tế tỉnh nhà là nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã đạt và dự báo đạt mục tiêu NQ. Toàn ngành đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu NQ trước 1 năm.
Anh Phan Thanh Khiệm, thôn Nà Khà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) chăm sóc đàn trâu của gia đình. |
Nhiệm kỳ này, ngành Nông nghiệp được giao thực hiện 6 chỉ tiêu tổng hợp và 1 chương trình trọng tâm. Sau hơn 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện NQ, ngành đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2018, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 40,52 vạn tấn, đạt 96,5% NQ; giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác cây hàng năm đạt 44,47 triệu đồng, đạt 88,9% NQ; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 30,17%, đạt 100,7% NQ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,5%, đạt 97,4% NQ; tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81,5%, đạt 94,8% NQ; có 33 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 110% NQ.
Đối với mục tiêu Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, ngành tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất cam, chè theo hướng an toàn, VietGAP. Đến nay, có trên 3.650 ha cam và trên 9.430 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, GAP; thành lập 69 tổ sản xuất, HTX tham gia sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng chứng nhận; đồng thời quản lý sản phẩm theo tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay đã phát triển được 176 gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò qui mô từ 15 con trở lên; phát triển, duy trì hoạt động 15 chợ gia súc trên địa bàn; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Dui Xín Mần; xây dựng và phê duyệt 10 chuỗi giá trị sản phẩm gồm: Chuỗi giá trị sản phẩm trâu, bò, lợn, ong, cá đặc sản, cam, chè, Thảo quả, lạc, gỗ, gạo.
Tại buổi làm việc của Thường trực UBND tỉnh với ngành Nông nghiệp đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu NQ đại hội vừa được UBND tỉnh tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt và đề ra giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đại hội. Theo đó, ngành tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện khung thời vụ khép kín; khuyến cáo đưa các bộ giống mới cho năng suất cao vào sản xuất; thực hiện các chương trình: Cánh đồng mẫu gắn với thâm canh; đầu tư có thu hồi – tái đầu tư; dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi diện tích không chủ động nước sang trồng các cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; sản xuất hàng hóa để tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Đối với ngành chăn nuôi, tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc thông qua chính sách Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh để chuyển hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tập trung chỉ đạo giao khoán bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất; khoanh nuôi phục hồi xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với trạng thái đất có cây gỗ tái sinh của rừng đặc dụng, phòng hộ; thực hiện tốt các chỉ tiêu về quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tập trung lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng Nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm; triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển cây, con chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Thời điểm này, ngành Nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: Nguy cơ cao lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn; một số diện tích lúa Xuân đang xuất hiện bệnh đạo ôn, rầy nâu; nguy cơ xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu nên thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Để ngành nông nghiệp “về đích” các chỉ tiêu NQ Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh trước 1 năm, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và người dân.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc