"Đảng ta là một cơ thể sống vì vậy cần xây dựng, chỉnh đốn để phát triển" (tiếp theo và hết)
BHG - Đảng cũng là con người chứ không phải siêu nhân, thần thánh, mà đã là con người thì có tốt, xấu, hay, dở, có khuyết điểm, ưu điểm, vì vậy chúng ta càng phải chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh. Trước việc cán bộ lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, Bác chỉ trích rất sớm, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Bác chỉ ra: Ông Ủy viên đi ô tô đã đành, bà ủy viên (vợ) cũng đi ô tô, các cô, các cậu (con, cháu) cũng đi ô tô thì Chính phủ lấy đâu mà lắm ô tô vậy. Đây là Bác chỉ trích biểu hiện lợi dụng chức quyền, không xứng đáng với niềm tin của dân. Bác cũng rất lo vấn đề mất đoàn kết trong Đảng. Khi đã có chức, có quyền thì sẽ có danh, có lợi nếu chúng ta không vượt qua được thử thách thì rất dễ hư hỏng. Theo Bác, trong Đảng có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, nhưng từ ý kiến khác nhau đó chúng ta phải xem xét, phân tích và giúp đỡ để cùng thống nhất quan điểm, thống nhất hành động. Chứ không vì thế mà chia rẽ, mất đoàn kết, làm tổn thương các đồng chí của mình. Mà Bác phê bình rất có lý, có tình. Bác muốn giúp nhau để sửa chữa, phát huy ưu điểm, phục vụ tốt hơn cho cách mạng… chứ không phải vì mưu lợi cá nhân. Vì Bác là tấm gương suốt đời đứng ngoài vòng danh lợi.
Có lần Bác gọi thư ký Vũ Kỳ dặn nhà bếp cứ đến thứ 7 tuần cuối tháng thì làm bánh ngọt; Bác còn dặn làm 2 loại, 1 loại ăn ngay trong lúc làm việc, 1 loại các chú mang về làm quà cho các cháu. Vì Bác coi tất cả các lãnh đạo như một gia đình. Chính vì vậy, ai có chuyện gì thắc mắc, không phải với nhau thì cứ thẳng thắn nói với Bác chứ đừng để bụng, đừng để tình trạng trong Đảng thì ít nói mà ngoài Đảng thì nói nhiều. Và không được để xảy ra mất đoàn kết sẽ có tội với dân, với nước. Chính vì vậy, trong Di chúc Bác nhấn mạnh “giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ con ngươi của mắt mình”. Và bài hát “Đoàn kết” Bác cho là có ý nghĩa nhất, nên lúc Bác lâm chung, bài hát này được phát trên loa rất cảm động.
Bác bao dung như trời biển, nhưng nghiêm khắc và quyết liệt khi cần thiết để bảo vệ dân, giữ trong sạch, vững mạnh trong Đảng. Có câu chuyện Bác nghiêm khắc trừng trị Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, vì có chức, có quyền, hám danh, hám lợi, hưởng thụ cá nhân nên rơi vào sa đọa, ăn chơi trong khi lính ngoài mặt trận rất khổ. Chuyện vỡ lở nên Tòa án binh của Quân đội xét xử, kết án tử hình. Đến khi phê chuẩn thì Bác y án, không cho ân xá. Chuyện này sau này chúng ta có vở kịch “Đêm trắng” (Bác thức trắng đêm để đưa ra quyết định này). Không chỉ riêng Đại tá Trần Dụ Châu, đời Bác còn một vị nữa là Thứ trưởng Bộ Canh nông, ông này mắc tội đáng chết vì đạo đức, đó là có tình ý riêng với người khác mà giết vợ, sau đó cũng vỡ lở, tòa án xét tử hình. Đến Bác phê chuẩn tử hình. Bác còn nói phải thi hành bản án ngay, không chậm trễ, đau đớn mấy cũng phải chấp nhận để giữ cho chế độ, giữ cho Đảng trong sạch. Và sâu xa nhất là bảo vệ dân. Theo Bác dân là cái thiện lớn nhất vì bảo vệ dân mà phải trừng trị cái ác, cái tham nhũng…
Di chúc của Bác để lại, trong đó có đoạn viết về Đảng cầm quyền chỉ có mấy dòng mà 4 lần Bác nhắc đến chữ “thật”: Thật sự đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính; thật sự chí công vô tư; thật sự lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân. Bác dặn chúng ta như vậy vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Bác viết Di chúc trong nhiều năm, năm nào Bác cũng sửa. Năm 1968 là lần sửa cuối cùng của Di chúc. Bản sửa năm 1968 có một ý rất quan trọng, đó là Bác dặn chúng ta sau khi giải phóng miền Nam, khi cách mạng đã toàn thắng, việc đầu tiên phải làm là tập trung chỉnh đốn Đảng, vì cách mạng đã chuyển sang một thời kỳ mới nên Đảng cũng phải chỉnh đốn lại cho phù hợp để đoàn kết và có sức chiến đấu cao hơn. Đến bây giờ Đảng ta vẫn quyết liệt chỉnh đốn, nhằm thực hiện cho được Di chúc của Bác, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc