Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếp theo kỳ trước)
BHG - Có nhiều câu chuyện cảm động về Bác với Đảng để chúng ta noi gương. Là lãnh tụ của Đảng nhưng Bác sinh hoạt chi bộ rất đều đặn, trong thực tế hiện nay nhiều khi vì công việc bận rộn mà ta ít để ý chuyện sinh hoạt chi bộ cơ sở. Bác sinh hoạt chi bộ với những đảng viên rất bình thường như lái xe, phục vụ, bảo vệ… mà Bác biết trình độ anh em còn hạn chế nhưng Bác luôn hòa mình vào quần chúng.
Một câu chuyện khác mà Bác xây dựng nguyên tắc của Đảng, trong kháng chiến chi bộ Đảng của Bác họp, anh em mới bàn với nhau đưa thành “nghị quyết”, đó là cử một đảng viên trẻ, khỏe và tin cậy theo Bác, giúp và chăm sóc Bác, cõng Bác khi qua suối (gọi là nghị quyết cõng Bác)… Đồng chí đảng viên trẻ, khỏe, người dân tộc thiểu số có vinh dự được chi bộ giao nhưng chưa bao giờ Bác cho cõng, cứ qua suối Bác bảo Bác đi được, chú cứ tự đi, rồi Bác sắn quần lội qua. Chẳng may có một lần hòn đá dưới suối có rêu trơn, Bác bị ngã trầy da nhẹ, vậy mà đến hôm họp chi bộ, đồng chí đảng viên trẻ đã phê bình Bác không chấp hành “nghị quyết”. Cấp ủy chi bộ rất bất ngờ, không biết chuyện Bác bị ngã như vậy, vì thế mà khi đồng chí đảng viên phê bình Bác nên rất lúng túng, ai cũng tái mặt. Bác bình thản cười và nói với đảng viên trẻ: Cái “nghị quyết” chú nói có phải là vì Bác không cho chú cõng đúng không? Cả chi bộ mới thở phào nhẹ nhõm. Bác nói tiếp: Đồng chí nói đúng, Bác nhận khuyết điểm, lần sau Bác sẽ chấp hành “nghị quyết” (để cho chú cõng). Chuyện chỉ có vậy thôi, nhưng vì có Bác nên chi bộ họp rất đều đặn thường xuyên. Đến kỳ họp chi bộ sau không có chuyện gì kể cả đồng chí đảng viên trẻ vẫn hồn nhiên, thật thà và hay quan trọng hóa vấn đề lại đem chuyện đó ra phê bình Bác. Lần này Bác im lặng và không vui vẻ nữa. Đến lần họp thứ ba lại tiếp tục như vậy thì Bác gọi riêng đồng chí đảng viên trẻ ra nói: Việc chỉ có thế thôi, Bác đã có lời xin lỗi rồi, sao chú cứ đay nghiến Bác nhiều thế. Từ đó, Bác bàn với cấp ủy mở các lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên để nâng cao trình độ, đáp ứng công việc, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bác rất tôn trọng và không định kiến, không tự ái, luôn luôn cầu thị, có khuyết điểm thì nhận, có lỗi thì sửa lỗi. Trong Đảng người đứng đầu như vậy thì không khí dân chủ mới phát huy.
Sau này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Bác có một câu nổi tiếng: Dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu như thế nào thì dân chủ trong cơ quan, đơn vị sẽ như thế. Trong Di chúc, Bác dặn: Trước hết nói về Đảng, mà trong Đảng trước hết nói về đoàn kết, muốn đoàn kết phải thật thà, tự phê bình và phê bình, nhưng phải có tình đồng chí, thương yêu nhau. Đây là điều rất cảm động về Bác mà trong rất nhiều điều quan trọng được Bác dặn trong Di chúc.
Một sự kiện mà chúng ta phải nghiên cứu lịch sử Đảng mới hiểu, đó là tại sao ngày 2.9.1945 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, khi ấy Đảng ta thực sự là Đảng cầm quyền. Vậy tại sao 2 tháng sau đọc Tuyên ngôn, Bác và T.Ư lại quyết định giải tán Đảng. Hóa ra đây là một sách lược, rút lui Đảng vào bên trong để bảo toàn lực lượng của Đảng và hoạt động bí mật. Vì lúc bấy giờ, xã hội còn bất ổn, thù trong giặc ngoài lẫn lộn nên bảo toàn lực lượng trong Đảng là cực kỳ quan trọng. Vì đã giải tán Đảng nên trước dân chúng, Bác không thể nói Đảng nữa mà dùng từ Đoàn thể. Đến tháng 2.1951, Đảng ta mới ra công khai trở lại và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Quyết định giải tán Đảng của Bác đã kịp thời, đúng đắn để giữ được lực lượng của Đảng với mục tiêu và sự nghiệp lâu dài; cũng thể hiện sự sáng suốt, linh hoạt, mưu lược trước tình hình khó khăn thời bấy giờ. Vì vậy, bây giờ Đảng ta phải ra sức thực hiện ý chỉ của Bác để xây dựng Đảng thực là một Đảng đạo đức và văn minh; Đảng chân chính cách mạng xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc