Vai trò của con người trong sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội
BHG - Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ, trong cuộc hành trình 30 năm tìm chân lý cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đi qua hơn 40 nước trên thế giới, chính vì vậy Bác đã tích lũy cho mình một vốn sống và kinh nghiệm vô cùng phong phú. Trong tất cả những kinh nghiệm và tri thức ấy, Hồ Chí Minh nổi bật là tri thức về vai trò của con người. Bác đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng thấm thía về vai trò của con người trong sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng.
Theo Bác, con người là vốn quý, công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng, cán bộ là tài sản của Quốc gia, vì vậy rèn luyện cán bộ phải bắt đầu từ những nền tảng căn bản nhất. Cho nên Bác chú trọng vào thế hệ tương lai, Bác dạy dỗ, chăm sóc các cháu từ thủa còn thơ. Điều này được minh chứng cho việc, ngay sau khi nước nhà độc lập, bên thềm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 sắp bắt đầu, Bác đã có 5 điều khuyên đối với các cháu (sau này là 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng). Trong đó Bác dạy các cháu phải siêng học, giữ gìn kỷ luật, khuyên các cháu tập sống theo đời sống mới, đặc biệt là có tình thương yêu cha mẹ, anh em vì đây là tình cảm gốc rễ của đạo đức làm người. Theo Bác, đức là gốc, tài cũng quan trọng, có đức phải có tài, có tài phải có đức, muốn phát huy vai trò của con người trong sự phát triển xã hội và cách mạng, trước hết phải rèn con người về đạo đức, cùng với đó là phát triển về các năng lực.
Bên cạnh đó, Bác luôn chú trọng đến vấn đề giải phóng phụ nữ, vì nói đến con người, phụ nữ là một nửa của xã hội. Theo Bác, nếu không giải phóng phụ nữ, không bình đẳng nam - nữ thì mới đạt một nửa của xã hội chủ nghĩa. Nên phát huy vai trò của con người thì phải chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ. Trước khi tìm đường cứu nước, bản thân Bác cũng là một thầy giáo, chính vì vậy Bác đặc biệt quan tâm đến việc “trồng người” để phát triển đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Có nhiều câu chuyện cảm động, ý nghĩa của Bác xung quan việc coi trọng con người. Những ngày cuối đời Bác, chiến tranh còn rất khốc liệt nhưng Bác thường xuyên về thành phố cảng Hải Phòng, tại sao vậy - vì ở đây có trường học cho các cháu miền Nam tập kết. Có một lần Bác đến thăm học sinh Trường miền Nam tại Hải Phòng, Bác nghe hiệu trưởng báo cáo tình hình học tập của các cháu, trong đó đa phần các cháu rất chăm ngoan, học tập tốt, nhưng cũng có một phần các cháu lêu lổng, ham chơi. Nghe điều này Bác rất lo lắng, nên bảo cô hiệu trưởng tập trung học sinh của trường để Bác phát quà. Xung quanh Bác là các cháu học sinh, Bác tâm sự: Hôm nay Bác đến thăm các cháu, nghe các thầy, cô giáo cho biết các cháu có nhiều thành tích trong học tập Bác rất vui. Bây giờ Bác thưởng quà cho các cháu, cháu nào ngoan Bác thưởng 2 cái kẹo, cháu nào chưa ngoan Bác thưởng 1 cái, rồi lúc nào ngoan Bác thưởng thêm. Bác đưa ra tiêu chuẩn như vậy để các cháu tự đánh giá. Lúc lấy kẹo, nhiều cháu ngoan nên nghĩ mình sẽ được lấy 2 cái, đến một cháu trai khuôn mặt sáng sủa, mắt long lanh nhưng đầu tóc rối bời có vẻ nghịch ngợm. Lúc lấy kẹo, cậu bé chần chừ lấy một cái. Bác hỏi sao cháu chỉ lấy một cái? – Cháu bé òa lên khóc và nói: Cháu chưa ngoan nên cháu chỉ lấy một cái thôi. Bác xoa đầu cháu bé và chìu mến nói: Cháu biết mình chưa ngoan tức là cháu đã ngoan rồi. Qua đây, ta thấy Bác là một nhà sư phạm vô cùng tinh tế, tôn trọng con người, có niềm tin vào con người và luôn luôn nghĩ cách động viên con người. Đây là điểm sâu xa của Bác từ câu chuyện nhỏ mà toát lên cả tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh.
Một câu chuyện khác, đó là ba tháng trước khi mất, Bác gửi thư cho một trường tiểu học cũng ở thành phố Hải Phòng, đó là Trường Vĩnh Niệm, mà hiện nay nhà trường vẫn còn giữ lá thư Bác gửi năm xưa như là một kỷ vật thiêng liêng. Bác dặn, dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt, mà nhất là những tấm gương của các thầy giáo, cô giáo. Câu chuyện này muốn nói đến việc học tập phong cách Hồ Chí Minh cho chúng ta những bài học sâu sắc về lòng tin ở sự tốt đẹp của con người.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc