Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ

09:26, 31/01/2018

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, khi Bác mới 40 tuổi. Cách đó 10 năm (1920) Bác là đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Trong suốt cuộc đời Bác, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan tâm thường trực của Bác. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải đáp ứng rất nhiều nguyên tắc, mà Hồ Chí Minh là người lý giải những nguyên tắc này rất sâu sắc bằng chính việc làm thiết thực, cụ thể. Nguyên tắc chủ chốt nhất đó là tập trung dân chủ được Bác và Đảng ta cụ thể hóa thành những quy định cụ thể, như: Thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên; toàn Đảng phục tùng T.Ư… là người đứng đầu Đảng, Bác cũng chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Một ví dụ về nguyên tắc tập trung dân chủ của Bác: Thời kỳ năm 1966 – 1967 chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt, khi ấy Bác đi dự Hội nghị quan trọng của quốc tế để củng cố khối đoàn kết của các Đảng Cộng sản, trong thời gian Bác đi họp, vì biết tính Bác không đòi hỏi gì cho bản thân nên Trung ương Đảng đã làm hầm tránh bom cho Bác, dưới ngôi nhà 67 (bây giờ gọi là Nhà 67), với mong muốn khi trở về nước Bác sẽ không nỡ từ chối. Khi về, mời Bác vào ở nhà này để đảm bảo an toàn, Bác bảo “Bác ở nhà sàn rồi, chú nào làm thì chú ấy ở” – đồng chí Lê Duẩn trả lời, thưa Bác, đây là Nghị quyết của T.Ư Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính trị để bảo vệ Bác, mong Bác chấp hành. Bác trả lời, nếu là Nghị quyết của T.Ư Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính trị thì Bác xin nghe, nhưng Bác cũng không ở đó, mà hãy làm nơi đó là phòng họp của T.Ư và nơi tiếp đón khách quốc tế, nhất là để đón đồng bào miền Nam. Sau này Bác chỉ ở ngôi nhà 67 đó 21 ngày cuối đời, khi các bác sỹ yêu cầu T.Ư không nên để Bác ở nhà sàn, vì ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác.

 

 Nguyên tắc tập trung dân chủ của Bác còn được thể hiện qua tác phẩm cuối cùng, rất quan trọng của Bác, đó là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Khi đó, Bác cho mời đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư, Chánh Văn phòng T.Ư đến, Bác nói: “Nhân dịp kỷ niệm Đảng ta tròn 39 tuổi, Bác muốn có một tài liệu học tập trong toàn Đảng, đầu đề Bác đã định sẵn là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. "Các chú về chuẩn bị cho Bác theo đề cương Bác đã vạch sẵn, xây cái gì, chống cái gì nêu rõ giải pháp, biện pháp cụ thể, Bác cho các chú 1 tuần để thể hiện rồi nộp bài cho Bác”. Một tuần sau đến nộp bài, Bác xem qua và trả lại, dặn các chú hãy nhân thành nhiều bản, gửi các đồng chí lãnh đạo để các đồng chí ấy cho ý kiến rồi tổng hợp lại bản mới, sau 3 ngày đưa Bác duyệt lần cuối cùng. Sau 3 ngày các đồng chí đã hoàn thành và mang đến đưa cho Bác duyệt. Sau khi xem, Bác nói: “Các chú đã hoàn thành nhiệm vụ, đến lượt Bác, Bác xin các chú 1 ngày để duyệt”. Ngày sau đến lấy bài của Bác, thì bản thảo chỉ giữ nguyên đầu đề còn nội dung Bác đều sửa. Thấy ái ngại vì tuổi cao, sức yếu mà để Bác sửa nhiều như vậy, đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn nói: Thưa Bác, Bác sửa hết như thế này rồi thì còn gì nữa. Bác cười và nói – Bác sửa nhiều vậy nhưng vẫn cố giữ ý của các chú đấy, đó là đầu đề, bởi vì khi thảo luận với Bác, các chú đã tán thành đầu đề này. Hai đồng chí được Bác giao nhiệm vụ mới hội ý và xin Bác đổi tên bài viết, đó là:  "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Bác ngạc nhiên và hỏi, sao các chú lại đề nghị đổi như vậy?- Hai đồng chí trả lời Bác – Thưa Bác, trong Đảng ta đa số là tốt, số hư hỏng, xấu xa ít thôi nên xin phép Bác cho đổi ngược lại là “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước để làm điều kiện chống chủ nghĩa cá nhân. Vì Bác là người có tính dân chủ, không áp đặt cá nhân nên ngẫm nghĩ một lúc rồi Bác nói: "Ý của các chú cũng có lý, ở đây các chú có 2 người, các chú là đa số, Bác là thiểu số, mà thiểu số phục tùng đa số. Đó là quy định trong nguyên tắc của Đảng nên Bác đồng ý cho đổi. Tuy nhiên, Bác hỏi lại các chú, giả sử các chú mua sắm được bộ bàn ghế mới, các chú có kê ngay vào nhà không? Hay trước hết hãy quét sạch rác rồi mới cho vào?". Qua câu hỏi chúng ta biết được ý Bác, một mặt đồng ý với chúng ta nhưng Bác vẫn băn khoăn, bảo lưu ý kiến của mình. Chưa kịp trả lời, Bác đã căn dặn: "Bác hỏi vậy thôi, các chú hãy về làm việc với Báo Nhân Dân đăng ngay cho kịp thời, Bác nhờ các chú nhắc Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trong nội dung của tác phẩm cho in đậm dòng chữ “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”cho Bác".

Đây có thể nói, Bác đã để lại cho chúng ta một bài học thực hành mẫu về tập trung dân chủ, vừa tôn trọng ý kiến tập thể nhưng vẫn giữ được ý kiến riêng của mình. Nguyên tắc này biểu hiện thành tự phê bình và phê bình, tôn trọng, bảo lưu ý kiến thiểu số trong biểu quyết các vấn đề. Trong các cuộc họp T.Ư khi biểu quyết các vấn đề, nhiều lần Bác cũng là thiểu số. Bác nói, nếu là ý của Bác, Bác nói khác, nhưng vì T.Ư đã quyết định thì Bác chấp hành. Một Đảng cách mạng mà không giữ được nguyên tắc tổ chức thì sẽ không còn sức chiến đấu. Bài học cho sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây chính là nguyên tắc tập trung dân chủ bị phá vỡ. Chính vì vậy nguyên tắc này càng được thể hiện trong Đảng ta hiện nay để chúng ta giữ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính.

Gs, Ts: Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người yêu nước, thương dân, thiết tha với độc lập dân tộc, mà Người còn là chiến sỹ cộng sản chân chính. Bước ngoặt trong 10 năm đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Bác tiếp cận tư tưởng của Lê-nin và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). 

30/10/2017
"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"

BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ.

29/11/2017
"Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi"

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Hồ Chí Minh còn là một Nhà văn hóa lớn được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong di sản của Người để lại về tư tưởng văn hóa, Bác cho biết "Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi", văn hóa không ở bên ngoài mà tồn tại trong kinh tế, chính trị của nhân loại. 

24/10/2017
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"

BHG - Trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh có thể nói chữ "dân" có giá trị thiêng liêng và bền vững. Đời Bác chỉ xoay quanh chữ "dân" và chữ "nước". Ta bắt đầu từ tên của Bác, Bác sống 79 mùa Xuân mà Bác dùng 175 tên, Bác lấy tên Nguyễn Ái Quốc từ thời ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua 30 năm tìm đường cứu nước, đi vòng quanh thế giới gần 40 nước khác nhau để rồi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác lấy tên Nguyễn Ái Dân. Ái Quốc nghĩa là yêu nước, Ái Dân là yêu dân, "yêu nước là phải yêu dân", đấy chính là triết lý sâu xa mà Bác đã truyền lại cho chúng ta ngày nay như một lẽ sống. 

23/01/2018