"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
BHG - Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc là một tư tưởng cốt lõi trong đường lối chính trị của Bác. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, trên đường về Thủ đô Hà Nội, Bác nói một câu rất nổi tiếng ở Đền Hùng: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đây được coi là thông điệp chắc nịch mà Bác muốn gửi đến chúng ta phải bảo vệ và xây dựng đất nước, mà mục tiêu cao nhất là giữ được độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Tìm hiểu những điểm cơ bản, cốt lõi của Hồ Chí Minh về bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta lưu ý những điểm căn bản sau: Sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc đó là toàn dân, cho nên “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là sức mạnh bền vững nhất để giữ được độc lập cho Tổ quốc, đoàn kết ở đây là đoàn kết quân dân, đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Đại đoàn kết đã thấm sâu trong đường lối chính trị và trong cả phương pháp của Bác, cho nên để bảo vệ Tổ quốc phải gắn liền với xây dựng, dựng nước đi liền với giữ nước. Muốn bảo vệ Tổ quốc phải xây dựng đất nước phát triển hùng mạnh cả về kinh tế, chính trị và văn hóa, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến con người Việt Nam qua các thế hệ; lực lượng để bảo vệ Tổ quốc chính là quân đội và công an. Quân đội nhân dân trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua và kẻ thù nào cũng đánh thắng. Còn công an, theo Bác nói là bạn của dân để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.
Bác đã đi xa, nhưng chúng ta luôn luôn nhớ lời Bác đó là, nhân dân ủng hộ ít thì thắng lợi ít; nhân dân ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều; nhân dân ủng hộ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Cho nên chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân mà Đảng ta nhấn mạnh hiện nay chính là bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa từ tư tưởng bảo vệ Tổ quốc của Hồ Chí Minh. Ngoài ra, theo Bác Hồ, muốn bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì Đảng ta phải thực sự trong sạch, vững mạnh, Nhà nước phải dân chủ, tất cả do dân và vì dân, được dân ủng hộ, dân bảo vệ… Vậy nên khi chúng ta hỏi Bác, bây giờ Đảng ta cầm quyền rồi thì có gì đáng sợ không? Bác trả lời rất thấm thía, “Đảng vì nước, vì dân, Đảng quang minh chính đại chỉ làm tốt cho dân, được dân tin, dân ủng hộ, dân bảo vệ thì đó là sức mạnh mà không phải sợ gì hết”. Nhưng Bác lại trầm ngâm suy nghĩ và nhìn thẳng về chúng ta, Bác nói, “Có một điều làm Bác rất sợ” - thưa Bác, điều gì làm Bác lo nghĩ, một lúc sau Bác nói: “Bác sợ đó chính là các chú. Không phải sợ con người các chú đâu mà sợ các chú hư hỏng, mất lòng dân, không được dân tin thì mất sức mạnh đoàn kết, sức mạnh nền tảng của cách mạng”. Chính vì vậy, mấu chốt của vấn đề bây giờ là xây dựng đội ngũ cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính”, đặt việc dân, việc nước lên trên hết. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được Tổ quốc, thực hiện được ước nguyện cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, đất nước đã thống nhất, non sông thu về một dải, hòa bình, thống nhất là cơ sở để chúng ta phát triển, đưa đất nước tiến lên. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn luôn nhớ lời Bác, không bao giờ được chủ quan và mất cảnh giác, vì kẻ thù bên ngoài luôn luôn dòm ngó và có ý định phá hoại đất nước ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải củng cố sức mạnh trong lòng dân, trong đó “ý Đảng, lòng dân, phép nước” là một tổng kết rất sâu sắc về sự nghiệp đổi mới của chúng ta; muốn được dân tin, dân ủng hộ, dân bảo vệ thì từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trước mắt đến lâu dài phải làm cho dân được hưởng lợi ích trong công bằng, dân chủ. Thực hiện cho được quyền làm chủ của nhân dân, vì thế giữ được sự ổn định tích cực, phát triển được kinh tế phồn vinh, xây dựng nền văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, lại có được sự đồng thuận, ủng hộ của bạn bè thế giới thì đó là sức mạnh để chúng ta bảo vệ Tổ quốc, đấy là những việc chúng ta cần làm hiện nay. Và nóng bỏng hơn, chúng ta cần phải đấu tranh, loại bỏ được căn bệnh quan liêu, tham nhũng mà Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh, phải đẩy lùi quốc nạn này.
Gs, Ts: Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc