Hà Giang

Quan điểm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội

16:28, 18/10/2017

BHG - Nói đến Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ đến người sáng lập ra Nhà nước và chế độ Cộng hòa dân chủ đầu tiên của Việt Nam; không những vậy, Hồ Chí Minh còn sáng lập ra Đảng cách mạng chân chính, quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể... Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tư tưởng độc lập dân tộc là một tư tưởng lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt di sản của Người.

Chúng ta cần nhấn mạnh Tư tưởng của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là hai quá trình cách mạng khác nhau, cách mạng giải phóng dân tộc chống thực dân đế quốc phong kiến để giành độc lập, thì đó là độc lập dân tộc. Còn chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa xã hội mà không qua chủ nghĩa Tư bản. Điều quan trọng hơn là Bác hành động như thế nào, để thực hiện khát vọng hoài bão đó?.

Việc đầu tiên mà chúng ta ai cũng biết và thực hiện đó là mỗi lần viết công văn, giấy tờ luôn gắn liền với 6 từ thiêng liêng “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”; trong những ngày đầu cách mạng, bên thềm cách mạng tháng 8, ở giữa căn cứ cách mạng Việt Bắc, căn cứ Pác Bó (Cao Bằng)... Bác ốm nặng tưởng chừng như không qua khỏi, Bác căn dặn đồng chí Võ Nguyễn Giáp, bây giờ thời cơ cần kíp, dù có phải đốt cháy dãy Trường sơn, cũng phải quyết giành cho được độc lập dân tộc; trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác nói, một dân tộc đã gan góc chống đế quốc thực dân và đã giành được độc lập, đã trở thành một nước độc lập thì dân tộc đó quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để quyết giữ nền độc lập; khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, trong Lời kêu gọi đồng bảo cả nước đứng dậy kháng chiến để giành độc lập tự do, Bác nói: “Thà hi sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ”; lúc 76 tuổi, Bác đã ra Lời kêu gọi cứu quốc, trong đó nổi bật chân lý lớn của thời đại, đó là 9 chữ vàng của lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; trong Di chúc, Người mong muốn cuối cùng là: Một nước Việt Nam độc lập thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới. Đó là những mốc son vàng mà Hồ Chí Minh đã cố gắng, hi sinh lợi ích cá nhân để thực hiện lý tưởng, hoài bão đó.

Với tầm nhìn xa, chiến lược, Bác muốn đất nước ta hiện đại, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nên từ khi khai sinh ra đất nước Việt Nam, Bác đã có chủ trương hội nhập, mở cửa, thể hiện bằng việc Bác gửi thư cho Tổng thống các nước phương Tây, trong thư Bác nói: “Việt Nam không thù oán với một ai, mong muốn làm bạn bè với tất cả các nước trên thế giới, để xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc”.

Hiện nay, Đảng ta đã nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XII, sau khi chúng ta đã tổng kết 30 năm đổi mới, đó là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ quyền Quốc gia”. Đúng như lời Bác căn dặn chúng ta là Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, cho nên giữ gìn được hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia lúc này là mệnh lệnh tối cao, thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân. Chúng ta phải vận dụng tư tưởng của Bác để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ bằng chính sức mạnh của mình cũng như sự đồng thuận của cộng đồng thế giới. Theo quan điểm của Bác, trước đây chúng ta chỉ có rừng và bóng đêm, bây giờ cách mạng thành công ta có trời, có đất, có biển, có ánh sáng, chính vì vậy một tấc đất ông cha ta để lại cũng không được mất. Để bảo vệ và phát triển nền độc lập dân tộc, chúng ta phải phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, vì có thực lực thì mới khẳng định được với thế giới. Cùng với đó, chúng ta cần mở mang mối quan hệ với các nước trên thế giới mà Đảng ta nói là hợp tác đa phương và hợp tác song phương. Một điều quan trọng và mấu chốt là Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh, Nhà nước phải do dân và vì dân và nhân dân các dân tộc Việt Nam phải đoàn kết một lòng dưới lá cờ Đảng để thực hiện ý niệm mà Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo kể; Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc