"Đồng bào Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số khác đều là con một nhà"
BHG - Đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bác Hồ rất chú trọng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc, xem các dân tộc đều như con một nhà. Việc quan tâm, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, đầu năm 1946 chúng ta đã tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số tại Playcu (Gia Lai). Tại Đại hội này, vì công việc của đất nước, đường sá đi lại khó khăn nên Bác không đến dự được mà gửi Đại hội bức thư vô cùng cảm động: Tôi vì bận nhiều công việc của Chính phủ, đường sá lại xa xôi, cách trở, tôi không vào được với các vị nên có mấy lời này mong các vị hiểu được tấm lòng của Chính phủ. Bác không nói bằng sách vở mà Bác nói bằng cả tấm lòng của mình nên bức thư đã để lại sự cảm động sâu sắc với những người dự Đại hội năm đó. Nổi tiếng hơn cả là luận điểm của Bác với đồng bào dân tộc, đó là: Chúng ta là con một nhà, dân tộc Việt Nam là đại gia đình, chúng ta no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, hạnh phúc cùng nhau hưởng, hoạn nạn gian nan cùng nhau chia sẻ, giang sơn là giang sơn chung, Chính phủ là Chính phủ chung, những điều như vậy đã gắn kết đồng bào dân tộc Kinh với các đồng bào dân tộc thiểu số khác trên cả nước.
Tình cảm của đồng bào dân tộc với cách mạng, với bộ đội và với Bác Hồ cũng đã để lại một ấn tượng sâu lắng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, an toàn khu của Đảng và Chính phủ nằm trên đất của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có Hà Giang và các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cũng như sau này cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp xâm lược trở lại, với thắng lợi vẻ vang và hào hùng, trong đó chính là nhờ tình cảm, công sức, đức hy sinh của đồng bào dân tộc thiểu số đã che chở cho bộ đội và các cơ quan đầu não của Trung ương. Chính vì vậy mà tình cảm của Bác với đồng bào dân tộc thiểu số lại càng sâu nặng.
Tình cảm đó, được Bác thể hiện bằng hành động, lời nói và sự quan tâm sâu sát với đồng bào. Bác thường quan tâm nhất là cái ăn, cái mặc và chỗ ở của dân, Bác nói với Đảng và Chính phủ là chúng ta phải làm ngay những việc cần thiết để cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học để nâng cao nhận thức. Tình cảm của Bác còn được thể hiện khi vừa trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm bôn ba thế giới tìm đường cứu nước, tại Cao Bằng, Bác đã đặt tên núi Các Mác, suối Lê – Nin, Bác vẽ tượng phật trên vách núi cho đồng bào dân tộc thiểu số thờ tượng phật. Bác vào làng, bản hướng dẫn bà con phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để tránh bệnh tật, sốt rét… Bác còn đóng vai thầy mo, thầy cúng viết văn tế cho dân nhưng thực tế là để gần dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, đồng thời đây cũng là việc để vận động dân tham gia cách mạng.
Bác còn rất chú trọng, quan tâm đến giữ gìn bản sắc của các dân tộc, Bác vận động và đưa con em các dân tộc thiểu số đi đào tạo, học hành, Bác dặn dò các cháu hãy học chữ viết và văn hóa của dân tộc mình chớ để mai một. Khi đến thăm nơi ở và học tập của các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, Bác hỏi các cháu gái sao không mặc quần áo của dân tộc mình, mà mặc như người Kinh vậy?. Bên cạnh đó, Bác thuyết phục và vận động đồng bào bỏ mê tín dị đoan, sống văn minh, hiện đại. Trong Di chúc của Bác, trước lúc đi xa, Bác nói hãy quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, từ miền núi xuống đồng bằng. Để đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi. Bác đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, Bác còn dặn cán bộ người Kinh công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc để hòa đồng cùng với người dân xây dựng đời sống mới.
Đánh giá về việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo cho biết, văn hóa rất quan trọng, bởi mất tiền có thể đền bù được chứ mất văn hóa là mất hết. Với các dân tộc thiểu số giữ bản sắc văn hóa là rất quan trọng, nó như sức mạnh bên trong của đồng bào, nên đồng bào cần phải giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp, nhất là chữ viết và tiếng nói… Cùng với đó, cần phải đoàn kết giữ đồng bào Kinh với các đồng bào dân tộc thiểu số, và đoàn kết giữa các đồng bào thiểu số với nhau để tạo nên sức mạnh, cùng phát triển, đây cũng là tâm nguyện của Bác khi còn sinh thời. Tỉnh Hà Giang nói riêng, các tỉnh khác có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cần có chính sách đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn nâng cao văn hóa, phát triển đào tạo con em dân tộc thiểu số để hình thành đội ngũ trí thức phục vụ tại chỗ, xây dựng quê hương.
Gs, Ts: Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc