"Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi"
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Hồ Chí Minh còn là một Nhà văn hóa lớn được cả thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong di sản của Người để lại về tư tưởng văn hóa, Bác cho biết “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”, văn hóa không ở bên ngoài mà tồn tại trong kinh tế, chính trị của nhân loại.
Cốt lõi của văn hóa chính là con người, vì vậy Bác đã đề ra nhiều chính sách để đào tạo, phát triển thế hệ trẻ. Cũng chính vì giá trị của văn hóa nên ngay sau khi Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ, Bác đã đặt ngay vấn đề diệt “giặc dốt”. Theo Bác, học vấn là nền tảng của văn hóa, sau gần 1 thế kỷ nô lệ, dân ta có đến 95% mù chữ, nước nhà độc lập bên cạnh diệt “giặc đói”, giặc ngoại xâm Bác đặt vất đề diệt “giặc dốt”. Cho nên Sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ lâm thời là thành lập Nha Bình dân học vụ để dạy chữ cho dân. Cảm động nhất là mặc dù bận công việc nhưng buổi tối Bác thường xuyên xuống các xóm nghèo dạy chữ cho các cụ già, thanh niên và các em nhỏ bằng cách “cầm tay chỉ việc” để tối thiểu mỗi người là biết đọc, biết viết. Bác còn dự giờ buổi học tiếng Anh ở Trường THCS Trưng Vương - Hà Nội, tại đây Bác chỉ 1 cháu gái học sinh đứng dậy phát âm tiếng Anh. Sau khi nghe, Bác chỉ ra những lỗi phát âm của học sinh này. Chúng ta có ngờ đâu, học sinh đó sau này là Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính, người phụ nữ đầu tiên của nước ta đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ Toán học ở Pháp.
Trong phiên họp đặc biệt của Chính phủ lâm thời, Bác còn đề nghị các Bộ trưởng ủng hộ Bác 1 chủ trương là 10 ngày nhịn một bữa, mỗi bữa là một bơ gạo góp cứu dân nghèo và Bác xin làm trước tiên. Đây là một đạo đức cao quý của Bác, cũng chính là một thể loại văn hóa. Chưa kể là Bác luôn thấu hiểu đạo đức văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, đi đến đâu Bác cũng căn dặn nhân dân các dân tộc hãy giữ gìn phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong xây dựng đời sống văn hóa mới, Bác đặc biệt chú trọng đến vấn đề kế thừa truyền thống, học tập các nước văn minh trên thế giới, “học cái tốt cốt là để làm giầu trí tuệ của mình, để xây dựng đất nước văn minh, hiện đại”, chứ không phải học là sao chép, bắt chước. Tất cả những tư tưởng của Bác như vậy cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Nhà Văn hóa mẫu mực, kiệt xuất của dân tộc và thế giới nhân loại.
Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa là mục tiêu và động lực của đổi mới, cũng là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là lời dạy sâu sắc của Bác, đó là “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”. Những bài học rút ra từ Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa được chúng ta ghi nhớ: Phải giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc, đừng đánh mất những giá trị thiêng liêng đó khi chúng ta hội nhập, mở cửa với thế giới; cốt lõi của văn hóa là đạo đức, cho nên cuộc đời Bác luôn thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; văn hóa đòi hỏi phải có trí tuệ cao, cho nên Bác nói “khoa học kỹ thuật chính là sức mạnh để phát triển dân tộc”; văn hóa là do chính nhân dân sáng tạo ra, nhân dân là chủ thể của văn hóa cũng là người thụ hưởng những giá trị văn hóa đó, chính vì vậy phải mang những giá trị văn hóa vào phục vụ cuộc sống của nhân dân để nhân dân không chỉ ấm no về vật chất mà còn hạnh phúc về mặt tinh thần.
GS, TS Hoàng Chí Bảo (kể) Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc