Vinh dự và trách nhiệm
BHG - Ai cũng biết không phải công dân nào cũng có thể được lựa chọn làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chỉ những người tiêu biểu có trình độ nhận thức và có khả năng thực hiện nhiệm vụ do nhân dân giao phó, lại phải có khả năng ăn nói thì mới được các tổ chức tín nhiệm, giới thiệu, hiệp thương (lựa chọn) làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Người nào được hội nghị hiệp thương giới thiệu làm ứng cử viên đã là một vinh dự lớn, vì mình là người được tập thể các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể xem xét, lựa chọn theo tiêu chuẩn và cơ cấu của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
ảnh minh họa |
Bước được các tổ chức xem xét, lựa chọn làm ứng cử viên đã là một vinh dự lớn, khi được toàn thể cử tri cân nhắc bầu bằng lá phiếu đầy trách nhiệm thì vinh dự càng lớn hơn nhiều. Đến khi chính thức tham gia hoạt động tại Quốc hội hoặc HĐND cấp mình là đại biểu thì vinh dự của các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được nhân lên cấp bội, nhờ sự tín nhiệm của dân mà mình được đại diện cho nhân dân, cho dân tộc làm nhiệm vụ vinh dự, cao cả do nhân dân và dân tộc giao phó. Vinh dự luôn đi liền với trách nhiệm, vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao. Vinh dự chỉ có và được duy trì khi hoàn thành trách nhiệm của đại biểu. Vậy trách nhiệm của người đại diện nhân dân ở đâu, lúc nào?
Trước hết nghe ngóng, xem xét ý kiến của cử tri (của dân) để phản ánh với tập thể Quốc hội, HĐND cấp mình.
Thứ hai, nghiên cứu kỹ các văn bản trình ra Quốc hội, HĐND để có ý kiếm tham gia, thảo luận để nhất trí thông qua các nghị quyết của Quốc hội hoặc HĐND. Đó là các Nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, cấp ủy địa phương thành nghị quyết của nhân dân.
Thứ ba, nghiên cứu, tìm hiểu và nắm chắc hiến pháp và pháp luật của Nhà nước để bản thân thực hiện và tuyên truyền phổ biến cho toàn dân biết thực hiện, để chính đại biểu là người mẫu mực về sống và làm theo pháp luật.
Thứ tư, tích cực tuyên truyền và vận động mọi người thực hiện nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp, nhất là nghị quyết của cấp mình là đại biểu.
Thứ năm, làm tốt nhiệm vụ giám sát của Quốc hội và HĐND thông qua các hình thức:
- Giám sát bằng tập thể (các ủy ban, các ban của Quốc hội, HĐND và các đoàn, tổ đại biểu).
- Giám sát bằng trách nhiệm cá nhân đại biểu tại nơi cư trú và nơi hoạt động của mình về những nội dung nghị quyết của Quốc hội, HĐND và các chương trình, dự án, công trình có ở nơi mình cư trú hoặc hoạt động.
Trong những trách nhiệm trên, trách nhiệm nào cũng cần thiết và quan trọng, nhưng trước hết phải coi trọng trách nhiệm nghe dân nói và nói cho dân nghe.
Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc