Ngành Ngoại giao thực hiện "nhiệm vụ kép"
BHG - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, công tác đối ngoại của tỉnh đã thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH. Bên cạnh việc tranh thủ kêu gọi viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN); tỉnh đã ký kết Khung hợp tác chiến lược với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Sở Ngoại vụ làm việc với tổ chức Good Neighbors Việt Nam về vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. |
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chiến lược hội nhập quốc tế tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động kết nối, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, viện trợ thiết bị vật tư, y tế cho tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) và địa phương các nước phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, tỉnh ta đã tổ chức trao tặng 20.000 khẩu trang y tế cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); 800 khẩu trang y tế cho Văn phòng Ngoại vụ Malypho, Văn phòng Ngoại sự châu Văn Sơn và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc); 10.000 khẩu trang y tế cho thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki (Nhật Bản). Đồng thời, kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN chung tay phòng, chống dịch, hỗ trợ kinh phí, hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tỉnh đã ký kết mới 4 thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, đảm bảo quyền và phù hợp với định hướng phát triển bền vững tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, việc ký kết Khung hợp tác chiến lược giữa tỉnh Hà Giang và Ngân hàng Thế giới đã nâng mối quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược; góp phần vào định hướng phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua hoạt động ký kết đã góp phần đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân vùng dự án; giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quản lý và sử dụng hiệu quả 18 chương trình, dự án có vốn ODA với số vốn 900.031 triệu đồng và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh đã chuyển trọng tâm về việc đẩy mạnh nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, xây dựng danh mục dự án để thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2025,… và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xúc tiến, vận động, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN của tỉnh, do các nguồn lực hỗ trợ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, tỉnh tiếp tục quản lý và triển khai 40 chương trình, dự án bao gồm cả phi dự án, hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp,… của 36 tổ chức PCPNN với kinh phí giải ngân ước đạt 765,495 USD. Công tác vận động, viện trợ cũng chuyển hướng một phần sang đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN chung tay hỗ trợ kinh phí, thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền kêu gọi gần 3 tỷ đồng.
Tiếp tục quán triệt tinh thần và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của của Trung ương về thực hiện “nhiệm vụ kép”, ngành Ngoại giao vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, vừa triển khai hoạt động đối ngoại. Đồng thời duy trì việc thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Chủ động kết nối việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, đầu tư với địa phương phía Trung Quốc, tổ chức quốc tế, địa phương các nước trong khu vực và trên thế giới. Triển khai kế hoạch tiếp xúc, làm việc và khai thác, vận động các nguồn xúc tiến đầu tư, viện trợ; tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế quảng bá địa phương với đối tác nước ngoài và tìm kiếm các nguồn đầu tư vào địa phương.
Bài, ảnh: Lê Hải