Hội nhập quốc tế nơi biên cương cực Bắc
BHG - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đặt ra trọng tâm là đưa tiến trình hội nhập quốc tế (HNQT) của nước ta đi vào chiều sâu. Trong dòng chảy chung này, tỉnh ta đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt các xu thế lớn về hợp tác quốc tế để thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác, đối tác bền vững với chính quyền địa phương các nước, tổ chức quốc tế. Trên cơ sở đó, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương trong hội nhập và phát triển theo xu thế chung của đất nước.
Cam Sành, sản phẩm có lợi thế so sánh trong hợp tác kinh tế. Trong ảnh: Người dân thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành niên vụ 2018 – 2019. |
Triển vọng thành công
HNQT đồng nghĩa với việc đối diện nhiều thách thức đến từ mối quan hệ giữa đẩy mạnh HNQT với giữ vững ổn định chính trị, xã hội, AN-QP, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường… Đây là những thách thức mới đối với các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới; trong đó có Hà Giang. Tuy nhiên, triển vọng thành công từ HNQT là không nhỏ khi tỉnh ta sở hữu rất nhiều thế mạnh nội tại.
Thế mạnh đó đến từ sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của HNQT đối với sự phát triển KT-XH địa phương trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã, đang tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động triển khai công tác HNQT trên các lĩnh vực; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính. Quyết tâm đổi mới tư duy về HNQT ngày càng lan rộng tới các cơ quan, đơn vị; tạo động lực mạnh mẽ về mở rộng hợp tác phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Ngoài tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền lãnh thổ biên giới Quốc gia được giữ vững; tỉnh ta còn có tiềm năng đáng kể về hợp tác và HNQT là tiền đề quan trọng để phát triển lợi thế cạnh tranh của địa phương. Đơn cử, tỉnh ta nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Quốc gia; có 4 tuyến quốc lộ đi qua; có đường biên giới dài 277,556 km với Trung Quốc, với 1 cặp cửa khẩu Quốc tế, 3 cửa khẩu phụ, 11 lối mở tạm thời. Với lợi thế này, tỉnh ta có thể trở thành không gian kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam; giữa các tỉnh dọc Quốc lộ 2 với vùng phía Nam của Trung Quốc, như: Kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Tuyên Quang – Vĩnh Phúc với thị trường châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc)…
Cải cách hành chính được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ chiến lược trong hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Hà Giang đẩy mạnh cải cách hành chính trong xử lý công việc. |
Cùng với lợi thế trên, tỉnh ta không chỉ giàu tiềm năng khoáng sản (than, sắt, thiếc, chì, kẽm, đồng…) để hợp tác với các đối tác nước ngoài về khai thác, chế biến khoáng sản mà còn có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây có giá trị làm nguyên liệu giấy (thông, bồ đề), cây công nghiệp dài ngày (cao su, quế), dược liệu (Đỗ trọng, Thảo quả), cây ăn quả (cam Sành, lê, mận, đào), cây công nghiệp nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới, như: Chè Shan tuyết, cây thuốc quý (Tam thất, Đương quy, Hồi…), tạo triển vọng hợp tác phát triển với các đối tác. Một thế mạnh khác chính là khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong khi du lịch là thế mạnh đặc biệt của tỉnh. Hơn nữa, tỉnh ta có Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Unesco công nhận. Điều này, đưa Hà Giang trở thành thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu gồm 35 nước thành viên; trong đó, có những quốc gia lớn trên thế giới, như: Hàn Quốc, Canada, Anh, Malaysia…; mở ra cơ hội hợp tác quốc tế quan trọng cho tỉnh nhà.
“Quả ngọt” đầu mùa
Quá trình HNQT của tỉnh ta được tiến hành cùng với quá trình đổi mới, mở cửa và HNQT của cả nước. Do đặc thù về vị trí, đặc điểm phát triển KT-XH của một tỉnh miền núi, biên giới; tỉnh ta luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ song phương với các địa phương nước láng giềng Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, từng bước mở rộng quan hệ với các đối tác khác trên lộ trình phát triển bền vững.
Những năm qua, tỉnh ta chủ yếu hội nhập với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Các cơ chế hợp tác song phương được thiết lập chủ yếu dưới hình thức hội đàm định kỳ giữa sở, ban, ngành của tỉnh với cơ quan tương ứng của các địa phương Trung Quốc. Từ nền tảng này, kinh tế biên mậu trở thành “mũi nhọn” với đóng góp trên 30% nguồn thu của tỉnh. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai tích cực; góp phần mở rộng phát triển, củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương Trung Quốc. Trên cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác song phương, nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được ký kết. Điển hình như: Thỏa thuận hợp tác giữa Tỉnh ủy Hà Giang và Tỉnh ủy Vân Nam; thỏa thuận khung chương trình hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh với thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây... Ngoài ra, tỉnh ta còn thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương với các đối tác, như: Đại sứ quán các nước: Thụy Điển, Lào, Pháp, Nhật, Canada, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Philippines...
Thông qua công tác ngoại giao kinh tế đã tạo nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh. Bên cạnh 24 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, tỉnh ta đã vận động, thu hút 5 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng số tiền lên đến 1.110,080 tỷ đồng để thực hiện Dự án: “Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai”, “Xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho các vùng khó khăn tỉnh Hà Giang”, “Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Mê”; “Phát triển giao thông và cấp nước sinh hoạt vùng khó khăn tỉnh Hà Giang” cho huyện Mèo Vạc; “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở”. Bên cạnh kết quả này, hiện tỉnh ta tiếp tục ký kết, tiếp nhận, triển khai 31 chương trình, dự án của 12 tổ chức Phi chính phủ nước ngoài với kinh phí cam kết trên 158,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh ta đã vận động, tiếp nhận mới và đưa vào triển khai 3 dự án viện trợ Phi chính phủ nước ngoài; 5 chương trình, dự án đang hoàn thiện hồ sơ tiếp nhận; đồng thời, tiếp nhận 3 khoản viện trợ phi dự án với tổng số tiền tài trợ trên 72 tỷ đồng (tăng 6 chương trình, dự án so với năm 2018)…
Thực tế cho thấy, HNQT đã trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc