Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

08:28, 19/07/2017

2. Thực trạng:

- Việc Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 là sự tích tụ kết quả hợp tác ASEAN trong 5 thập kỷ qua (không phải là sự kiện đột biến), phản ánh mức độ liên kết ASEAN đạt được đến nay; đưa ASEAN trở thành một tổ chức có mức độ liên kết cao hơn trước đây, khá chặt chẽ và có vai trò quan trọng ở khu vực. Tuy nhiên, chất lượng của Cộng đồng ASEAN vẫn còn có mức độ; thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, vì hiện vẫn còn sự khác biệt khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về chế độ chính trị và trình độ phát triển.- Cộng đồng ASEAN có 3 đặc trưng chính sau: (i) là một tổ chức liên Chính phủ, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; (ii) hợp tác toàn diện và chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và quan hệ với các đối tác biên ngoài; (iii) có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN.

- Thành tựu hợp tác ASEAN trong 50 năm qua thể hiện trên những mặt sau:

+ Về thể chế: Là một tổ chức hợp tác khu vực gồm cả 10 nước Đông Nam Á; hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN, có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh từ Cấp cao xuống cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp và cấp làm việc, trong đó có Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) ở Jakarta, Indonesia.

+ Về chính trị – an ninh: Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC) có mức độ hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều tiến triển quan trọng về xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực và quy tắc ứng xử, ngăn ngừa và quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh. Tuy nhiên, APSC không phải là một khối phòng thủ chung; chưa đến mức có chính sách quốc phòng – an ninh chung.

+Về kinh tế: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một không gian kinh tế trên nền tảng của khu vực mậu dịch tự do (AFTA) được mở rộng về phạm vi và nâng cao về mức độ tự do hóa, trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển khá thuận lợi về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; có mức độ hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành; và đã kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. AEC vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất như mục tiêu đề ra.

+ Về văn hóa – xã hội: Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, với các quy định và tiêu chuẩn chung để tạo sự hài hòa và nâng cao năng lực, giúp thúc đẩy mạng an sinh xã hội, bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung ASEAN.

- Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển ở khu vực; mang lại những lợi ích quan trọng và thiết thực cho từng nước thành viên, nhất là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.

-Tuy vẫn còn một số hạn chế, ASEAN hiện là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới, có vai trò quan trọng ở khu vực. Vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN thể hiện ở các khía cạnh sau:

+ ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển ở khu vực. Đó là kết quả của những nỗ lực liên kết nội khối, hợp tác về chính trị – an ninh (kể cả với các đối tác), nhất là ngăn ngừa xung đột thông qua việc xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử. ASEAN cũng đã khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn, cơ chế khu vực, với sự tham gia và đóng góp của cả các đối tác, nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác xử lý những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

+ ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết  khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế - thương mại, thông qua cơ chế và khuôn khổ khác nhau ở khu vực. Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với từng đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôx-trây –lia và Niu Di-lân; thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế-thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Canađa, EU, Nga; và đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

+ ASEAN đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức khu vực/quốc tế, nhất là với 11 đối tác Đối thoại, trong đó là đối tác chiến lược với 7 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,  n Độ, Ôx-trây –lia, Niu Di-lân và Mỹ) và đối tác toàn diện với 4 đối tác còn lại (Nga, EU, Canađa và Liên hợp quốc). Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực. Đến nay đã có 87 nước ngoài khu vực cử Đại sứ tại ASEAN, trong đó 10/11 đối tác Đối thoại đã lập Phái đoàn đại diện tại ASEAN. ASEAN cũng đã lập 52 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3 và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác các vấn đề ASEAN quan tâm cũng như quảng bá hình ảnh ASEAN ra với cộng đồng quốc tế.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuất khẩu lao động sang ASEAN - cơ hội và thách thức

BHG - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, bên cạnh những cơ hội có được, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là thị trường lao động, nền tảng cơ bản của mọi sự phát triển và tăng trưởng. Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), để có thể tiếp tục đưa lao động vào các nước ASEAN, người lao động cần nâng cao năng lực nhiều mặt.

24/06/2017
Nông dân Hà Giang thời kỳ hội nhập ASEAN

BHG- Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

22/11/2016
Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam

1. Quá trình hình thành

- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8.8.1967 với 5 thành viên ban đầu; phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á; và đã chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31.12.2015.

18/07/2017
Đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập ở Bắc Quang

BHG - Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế như hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nghề (ĐTN), nâng cao chất lượng nguồn lao động. Vì đây là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương... Nắm bắt yêu cầu cấp thiết này, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bắc Quang đã và đang dồn lực cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTN, giải quyết việc làm (GQVL) gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. 

17/05/2017