Nữ đảng viên làm kinh tế giỏi
BHG - Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, nhiều đảng viên trên địa bàn thành phố Hà Giang đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân về sự năng động, sáng tạo trong phát triển KT - XH ở địa phương.
Cán bộ xã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh đàn lợn đen thương phẩm của cô Nguyễn Thị Dần (giữa) thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). |
Trong đó, phải kể đến cô Nguyễn Thị Dần, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) một trong những đảng viên tiêu biểu về làm kinh tế giỏi.
Cô Dần sinh ra tại xã Tam Hiệp, huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội). Năm 1976, cô Dần cùng với gia đình theo tiếng gọi của Đảng đi thực hiện phát triển vùng kinh tế mới ở Hà Giang; sau đó, cô làm giáo viên từ năm 1982 đến năm 2017 thì nghỉ chế độ hưu trí. Với tư tưởng của một người đảng viên là phải luôn gương mẫu, tích cực đi đầu trong tất cả các lĩnh vực xã hội và phát triển kinh tế. Cô nhận thấy, chăn nuôi luôn là nền tảng vững chắc trong nông nghiệp, cô đã xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo quy trình khép kín, với hệ thống Biogas an toàn mang đến nhiều lợi ích thiết thực: Làm nhiên liệu đun nấu hàng ngày, hệ thống điện chiếu sáng, phân bón cho rau màu… đảm bảo không ô nhiễm môi trường xung quanh. Hệ thống chuồng được thiết kế với các tiêu chí an toàn từ khoảng cách nền chuồng đến mái che, các ô sáng cũng được thiết hệ khoa học để lợn có đủ ánh sáng tự nhiên,...
Cô Nguyễn Thị Dần chia sẻ: Trước khi bước vào chăn nuôi lợn đen thương phẩm, tôi thường xuyên nghiên cứu qua mạng internet, báo, truyền hình… Những tiến bộ KHKT áp dụng vào chăn nuôi để đảm bảo cho lợn phát triển tốt. Ngay từ khi lợn còn nhỏ, tôi tiêm vắc xin phòng, chống các bệnh: Lở mồm, long móng; tai xanh; tả lợn châu Phi… Tôi luôn lấy tiêu chí “Thực phẩm chất lượng vì người tiêu dùng” áp dụng những phương pháp cho ăn truyền thống như: Cám ngô, chuối, rau xanh, bỗng rượu… Không cho ăn cám công nghiệp để đảm bảo thịt lợn xuất ra thị trường với chất lượng thơm ngon, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Hiện nay, tôi nuôi 40 con lợn đen thương phẩm, mỗi con 120 kg, một năm 2 lứa, với giá bán 85.000 đồng/kg; trừ chi phí mỗi năm cũng đem lại 200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi trồng chuối, rau lang để có thức ăn xanh cho lợn, tiết kiệm chi phí. Hiện nay tôi đang bán lợn đen về các tỉnh khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… được các nhà hàng, thực khách đánh giá cao về chất lượng thịt. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi để đảm bảo thêm lượng cung, cầu cho thị trường.
Cô Đỗ Thị Thuận, Tổ trưởng tổ chăn nuôi thôn Sơn Hà tâm sự: Chị Dần là một trong những hộ chăn nuôi lợn đen thương phẩm tiêu biểu của tổ, chuồng trại nuôi đảm bảo vệ sinh, thoáng mát, đảm bảo ánh sáng hợp lý. Các bước phòng, chống dịch bệnh thường xuyên được đảm bảo từ các chi tiết nhỏ nhất như rắc vôi, phun thuốc khử trùng. Ngoài ra, chị thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm có được từ thực tiễn cho các chị em trong tổ chăn nuôi.
Ông Đỗ Văn Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Hà, cho biết: Từ khi về tham gia sinh hoạt Đảng tại thôn, đồng chí Dần luôn chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên; vươn lên trong phát triển kinh tế, làm gương cho các đồng chí đảng viên khác học tập, làm theo; luôn tích cực tham gia các phong trào của xã. Đồng chí Dần là một trong những đảng viên làm kinh tế giỏi và có công rất lớn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong khai thác tiềm năng, thế mạnh trong chăn nuôi ở địa phương, giúp nhiều hộ chăn nuôi cùng nhau đi lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH
Ý kiến bạn đọc