"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" - Kỳ 1: "Cánh tay" nối dài của Đảng
BHG - Năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 37 thôn, tổ dân phố thực hiện điểm mô hình Tổ dân vận (TDV). Nhưng nay, 100% thôn, tổ dân phố thuộc 193/193 xã, phường, thị trấn thành lập TDV với gần 14.600 thành viên. Kết quả này chứng minh hiệu quả công tác dân vận của Đảng; tạo điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thông qua “dân vận khéo”, người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) tích cực đưa giống ngô mới vào gieo trồng. |
Công tác dân vận (CTDV) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, dân vận ở địa bàn khu dân cư được xác định là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự thành, bại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính bởi vậy, việc thành lập TDV ở thôn, tổ dân phố theo Đề án số 05-ĐA/TU ngày 20.9.2012 của Tỉnh ủy, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với CTDV trên địa bàn tỉnh; trở thành “cánh tay” nối dài của Đảng ở từng khu dân cư.
Cán bộ Ban Dân vận Thành ủy Hà Giang trao đổi kết quả hoạt động của Tổ dân vận trên địa bàn. |
Đề án số 05-ĐA/TU ra đời được kỳ vọng là “chìa khóa” mở “nút thắt” trong CTDV ở thôn, tổ dân phố. Bởi thời điểm trước năm 2012, CTDV ở thôn, tổ dân phố được cấp ủy tỉnh chỉ rõ: Hoạt động chưa đều, có nơi còn lúng túng về nội dung, phương thức, nhất là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức hội đoàn thể, quần chúng ở thôn, tổ dân phố thiếu sự phối, kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Do đó, hình thức tập hợp quần chúng chưa đa dạng, chất lượng, hoạt động dân vận chưa cao, chưa phát huy vai trò tham mưu cho chi bộ lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng…
Khắc phục thực trạng trên, 37 thôn, tổ dân phố thuộc 11/11 huyện, thành phố được lựa chọn thí điểm mô hình TDV theo Đề án số 05-ĐA/TU. 2 năm sau, Thường trực Tỉnh ủy có Kết luận số 315-KL/TU, ngày 14.10.2014 chỉ đạo nhân rộng mô hình TDV ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh. Và nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thành lập TDV với 14.589 thành viên. Đáng lưu ý, thành phần tham gia TDV bao gồm các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ Bí thư chi bộ (kiêm tổ trưởng TDV), Trưởng thôn (kiêm tổ phó TDV), ban mặt trận, chi đoàn, chi hội của các tổ chức chính trị - xã hội đến những người có uy tín thuộc địa bàn dân cư. TDV hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; có chức năng tham mưu cho chi bộ và trực tiếp tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân, tổ chức phong trào quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để thực hiện hiệu quả những công việc chung của xã hội, cộng đồng dân cư. Đặc biệt hơn, thành viên TDV đều là những cán bộ ở cơ sở, có điều kiện gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo; những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời báo cáo cấp ủy, đề xuất giải pháp; đồng thời cũng chính là người trực tiếp tham gia vận động, hòa giải, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của TDV, nhiều địa phương còn có cách làm sáng tạo trong thực hiện Kết luận số 315-KL/TU. Tiêu biểu trong đó, cấp ủy huyện Mèo Vạc chỉ đạo xây dựng 5 “TDV kiểu mẫu” gắn với sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh tại thị trấn Mèo Vạc; 2 “TDV kiểu mẫu” gắn với xây dựng NTM tại 17 xã. Đồng thời, ban hành biểu chấm điểm, đánh giá chất lượng sinh hoạt hàng tháng của TDV, biểu tiêu chí công nhận “TDV kiểu mẫu” hàng năm. Không những vậy, việc dự họp và chấm điểm sinh hoạt TDV đã trở thành khâu đột phá, tạo điểm nhấn trong thực hiện TDV trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Thông qua lịch sinh hoạt hàng tháng của 199 TDV; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ công tác phụ trách xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, chỉ đạo và có trách nhiệm dự họp, chấm điểm sinh hoạt hàng tháng đối với TDV… Còn huyện Bắc Quang, ngoài 4 TDV điểm của tỉnh, gồm các thôn: An Dương (Hùng An), Tân Thành 2 (Liên Hiệp), Minh Hạ (Tân Lập), Đồng Kem (Đồng Yên), huyện lựa chọn thêm thôn Tân Tiến (Tân Quang), Khuổi Nhe (Vĩnh Hảo) làm điểm của huyện. Qua đánh giá, 6 TDV đều hoạt động khá trở lên; bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác vận động quần chúng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị ở thôn, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong CTDV ở cở sở…
Theo đánh giá, xếp loại của 11 Huyện, Thành ủy và 193 xã, phường, thị trấn: Sau 6 năm thực hiện Kết luận số 315-KL/TU, toàn tỉnh có trên 12% TDV xếp loại xuất sắc, gần 40% xếp loại khá... bước đầu được đổi mới về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động theo hướng trực tiếp, cụ thể, phù hợp hơn nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân; tạo sự đồng thuận về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nội dung CTDV đi vào chiều sâu; thông qua hoạt động, sinh hoạt định kỳ, việc nắm bắt thông tin của TDV được thực hiện thuận tiện, sâu sắc và toàn diện hơn, giúp cấp ủy nắm địa bàn một cách kịp thời. Hơn nữa, thành viên TDV đều là những người đứng đầu MTTQ, chi hội, đoàn thể ở cơ sở. Do đó, họ nắm rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc tại tổ chức mình sinh hoạt để cùng bàn bạc, có giải pháp phối hợp hoạt động chặt chẽ, thể hiện vai trò liên kết, hợp tác, thống nhất của tập thể. Cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng CTDV của toàn hệ thống chính trị. Hơn nữa, còn giải quyết và tháo gỡ nhiều hạn chế, lỗ hổng về bố trí, sắp xếp chủ chốt các đoàn thể, cán bộ làm công tác Đảng tại địa bàn dân cư.
Việc nhân rộng mô hình TDV đã chứng minh chủ trương đúng của cấp ủy tỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở khu dân cư. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng của Đảng tại cơ sở, tạo sự chuyển biến quan trọng, rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống KT-XH, an ninh, chính trị từng địa bàn dân cư.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc