Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học
Ngày 17.4.2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài (KH, KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 26). Sau 5 năm thực hiện đã nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội đối với công tác KH, KT, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học trong các tầng lớp nhân dân.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh thăm mô hình gia đình học tập tiêu biểu tại xã Ngọc Linh (Vị Xuyên). |
Sau khi Chỉ thị 26 ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và đôn đốc việc triển khai thực hiện. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có chuyển biến tích cực về công tác KH, KT, xây dựng XHHT; từ đó tự giác, tích cực học tập để nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn và chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hạng Mí De, cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác KH, KT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, hệ thống tổ chức hội được kiện toàn, củng cố. Đến nay, toàn tỉnh có 3.803 hội, chi hội, ban khuyến học với 268.586 hội viên, chiếm 31,87% dân số. Các cấp hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trở thành “cầu nối” đưa chủ trương KH, KT, xây dựng XHHT của Đảng và Nhà nước đến với người dân; khơi dậy và huy động các nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp KH, KT.
Bên cạnh việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các cấp Hội Khuyến học đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trao tặng hàng trăm nghìn suất học bổng, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong việc chung tay xây dựng cộng đồng, xã hội học tập.
Năm 2018, toàn tỉnh có 89.436 gia đình học tập, chiếm 50,54% tổng số gia đình trong toàn tỉnh; 863 dòng họ học tập; 1.085 cộng đồng học tập; 669 đơn vị học tập; 100% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ. Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì bền vững. Hàng nghìn cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị tham gia học tập thường xuyên, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ. 90% lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kiến thức sản xuất. Các trung tâm học tập cộng đồng tại 195 xã, phường, thị trấn đã mở 6.921 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; trên 18 nghìn lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, văn hóa – xã hội; 402 lớp xóa mù chữ… Những kết quả trên góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và KT – XH của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 26 còn nhiều hạn chế: Việc xây dựng Quỹ Khuyến học gặp nhiều khó khăn và đạt thấp; kinh phí hoạt động KH, KT, xây dựng XHHT chưa đáp ứng được yêu cầu; trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương hoạt động còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác KH, KT, xây dựng XHHT; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ KH, KT chưa chặt chẽ và thường xuyên…
Thời gian tới, các cấp Hội Khuyến học tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm duy trì và phát huy hiệu quả phong trào KH, KT. Tăng cường củng cố, xây dựng hội các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng. Tăng cường vận động, xây dựng quỹ KH, KT; chú trọng nhân rộng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập… khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc