Hai năm thực hiện xã, thôn điển hình phát triển kinh tế ở Quang Bình
BHG - Qua 2 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng “mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn, mỗi làng một sản phẩm điển hình phát triển kinh tế”, huyện Quang Bình đã có cách làm sáng tạo và đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Quang Bình đã giao UBND huyện cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện 7 xã, 41 thôn điểm về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, năm 2017 huyện chọn xã Bằng Lang và thôn Xuân Phú của xã Yên Hà thực hiện điểm về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cây cam, một trong những cây trồng thế mạnh được người dân thôn Xuân Phú, xã Yên Hà đầu tư, chăm sóc tốt. |
Ngay sau khi được huyện chọn thực hiện điểm, xã Bằng Lang đã tích cực triển khai các bước như: Lựa chọn cây trồng chính, chủ lực đã triển khai tại các thôn nhằm thu hút người dân tham gia. Đồng chí Tăng Trung In, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ khi triển khai đến nay, Bằng Lang đã thực hiện tốt các lĩnh vực: Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn xã có tổng diện tích cây lương thực 1.349 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 4.913 tấn, lương thực bình quân đạt 740 kg/người/năm. Hiện nay, xã đã triển khai chỉ đạo thực hiện “5 cùng” trong sản xuất được 150 ha; quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được 100 ha; phát triển ổn định diện tích cam sản xuất theo hướng VietGap 14,5 ha. Lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã có 66.254 con; huyện đã bình tuyển đàn trâu cái đạt tiêu chuẩn để thực hiện thụ tinh nhân tạo; khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng được 1 chuồng trại chăn nuôi bò quy mô 100 con, 1 gia trại nuôi vịt quy mô 1 nghìn con tại thôn Hạ Thành. Hiện, xã đã thành lập Tổ sản xuất mạ khay áp dụng máy cấy; dồn điền đổi thửa được trên 4,3ha/85 thửa của 59 hộ; duy trì 4 chuỗi giá trị sản xuất...
Thời gian qua, huyện cũng tập trung chỉ đạo xây dựng thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng chí Lương Xuân San, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hà cho biết: Với sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, thôn Xuân Phú (Yên Hà) đã xác định được những cây, con chủ lực để tập trung phát triển. Trong đó, lúa và cam là những cây trồng chính, do vậy công tác tuyên truyền cho bà con thực hiện “5 cùng” trong sản xuất luôn được chú trọng. Kết hợp với triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa như: Chương trình trồng mía đường do Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đầu tư và thu mua; trồng lúa hàng hóa do Công ty An Đạt Thành đầu tư, lựa chọn các hộ tham với diện tích 8 ha. Trong thôn đã hình thành 1 Hợp tác xã sản xuất cam và 2 Tổ sản xuất cam VietGAP, với 122 thành viên.
Với chủ chương xây dựng “mỗi làng một sản phẩm”, huyện lựa chọn 6 sản phẩm hàng hóa tại 11 xã tiêu biểu nhất để quảng bá, xây dựng nhãn mác và nâng cao chất lượng gồm: Sản phẩm cam VietGap (Yên Hà); chè tại 3 xã Xuân Minh, Tân Trịnh, Tân Bắc; Thảo quả (Tân Nam); rượu ngô men lá (Xuân Giang); Lá đắng (Nà Khương); bún khô (Bằng Lang); lạc hàng hóa (Vĩ Thượng). Vừa qua, UBND huyện đã xây dựng và ra mắt Nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại xã Tân Bắc để trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn.
Sau 2 năm thực hiện “mỗi huyện xây dựng một xã, mỗi xã xây dựng một thôn điển hình về phát triển kinh tế”, sản xuất nông nghiệp của huyện đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; bộ mặt nông thôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc