Nông sản "Vươn" ra biển lớn
Xuân 2021 - Cũng giống như mùa Đông, cây cối tích nhựa để sang Xuân vươn chồi lộc biếc; sau bao nỗ lực khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm, nhiều nông sản không ngừng bứt phá để xếp hạng OCOP. Kết quả này cũng chính là tiền đề quan trọng để tỉnh ta xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đến các nước trong và ngoài ASEAN…
Các sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh. |
Từ năm 2018 đến nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh thực sự tạo nên một cuộc “cách mạng” đối với nông sản hàng hóa. Thông qua thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, tỉnh ta kỳ vọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, nhằm phát triển KT-XH khu vực nông thôn Hà Giang theo hướng bền vững.
Không gian trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm từ chè của HTX Tây Côn Lĩnh (T.p Hà Giang). |
Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh ta tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP. Với chương trình này, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực. Còn cộng đồng dân cư, bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất giữ vai trò chủ thể, tham gia đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm OCOP. Riêng năm 2019, tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận OCOP cho 71 sản phẩm của 43 chủ thể. Trong đó, 48 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 21 sản phẩm xếp hạng 4 sao và đặc biệt có 2 sản được cơ quan chuyên môn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, phân hạng cấp quốc gia, gồm: Trà xanh, Hồng trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên – Hoàng Su Phì). Nối tiếp kết quả trên, năm 2020, tỉnh ta có 266 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng OCOP. Tính đến hết tháng 9.2020, có 73 sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống của 36 tổ chức kinh tế tham gia đánh giá, phân hạng đợt 1. Kết quả có 49 sản phẩm được xếp hạng, gồm 34 sản phẩm đạt 3 sao và 15 sản phẩm đạt 4 sao.
Công ty Cổ phần Cam Ta (Bắc Quang) thu mua cam Sành, chế biến thành mứt, siro, rượu và tinh dầu cam – những sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Với những ưu việt về chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lại mang tính đặc trưng vùng miền, sản phẩm OCOP đã, đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm sau khi xếp hạng OCOP còn khẳng định được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định, như: Trà xanh Shan tuyết Thượng Sơn (Vị Xuyên), Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn (Yên Minh), Dầu Lạc nguyên chất hiệu Con Sóc (thị trấn Việt Quang - Bắc Quang), Rượu thóc Nàng Đôn (xã Nàng Đôn, Hoàng Su Phì), Thịt bò khô (xã Pả Vi – Mèo Vạc), Ớt gió ngâm giấm – Nho Quế (thị trấn Đồng Văn – Đồng Văn)… Ấn tượng hơn, một số sản phẩm OCOP thực sự “vươn” ra biển lớn nhờ uy tín, danh tiếng, thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Tại cuộc thi Trà quốc tế năm 2019 tổ chức tại Pháp, tỉnh ta vinh dự có 3 sản phẩm từ cây chè Shan tuyết cổ thụ của HTX Tây Côn Lĩnh (xã Phương Độ, T.p Hà Giang) xuất sắc giành những giải thưởng cao nhất cuộc thi. Đó là giải Ấn tượng thế giới trao cho sản phẩm Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh; giải Vàng trao cho Hồng trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh và giải Bạc trao cho Hồng trà Shan tuyết cổ thụ một búp Tây Côn Lĩnh.
Sản phẩm OCOP của HTX Hải Khang (Bắc Quang) giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. |
Theo chu trình OCOP toàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh ta lần lượt tổ chức rà soát các sản phẩm OCOP được phân hạng 5 sao cấp tỉnh. Trên cơ sở này, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển, cải tiến và nâng cấp về quy mô, chất lượng để tiến đến xuất khẩu. Đồng thời, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đến các nước trong và ngoài ASEAN gắn với tôn vinh các CEO (giám đốc) OCOP. Mặt khác, xây dựng mô hình nông nghiệp và kinh doanh 4.0 để tạo ra sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời kỳ mới…
Có thể khẳng định, OCOP là một giải pháp hữu hiệu để tỉnh ta tận dụng tối đa lợi thế riêng có, biến những giá trị tiềm năng thành lợi thế; một động lực tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, tăng thu nhập – cái gốc của xây dựng Nông thôn mới… Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Hà Giang chuyển mình, phá vỡ các rào cản về không gian, những giới hạn về địa lý để phát triển một cách hài hòa, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào rẻo cao cực Bắc Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc