Vị Xuyên, nhiều mô hình hay trong nông nghiệp được nhân rộng
Xuân 2018 - Là huyện động lực của tỉnh, huyện Vị Xuyên luôn xác định sản xuất nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng nhất trong phát triển nền kinh tế. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, từng bước đưa nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích như: Lựa chọn phát triển cây, con thế mạnh; chủ động liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…. Năm qua, huyện triển khai, nhân rộng nhiều chương trình và mô hình có hiệu quả kinh tế cao.
Chăm sóc rau an toàn trong nhà lưới tại HTX Tân Đức. |
Một trong những mô hình đang được nhân rộng và lan tỏa là Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản cũng như giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Vị Xuyên đã xây dựng Dự án phát triển Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu, phát triển vùng sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, hàng hóa tập trung theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người sản xuất; tăng mức đầu tư thâm canh, tuân thủ quy trình trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn, VietGAP bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện xây dựng và đi vào sản xuất được 23.000 m2/6 xã. Các loại rau được người dân tập trung sản xuất là: Cà chua; cải các loại; các loại dưa như dưa lê Hàn Quốc, dưa Lưới, dưa Kim Cô Nương; rau thủy canh... Tính bình quân doanh thu đạt 5,1 triệu đồng/100 m2/vụ (ước doanh thu từ 8 vụ rau/năm đạt trên 40 triệu đồng/100m2), lợi nhuận chiếm 35%. Điển hình có 2 HTX đi đầu sản xuất rau trong nhà lưới trên địa bàn là: HTX Rau an toàn Học Lập, tại thị trấn Vị Xuyên và HTX Rau an toàn Tân Đức, xã Đạo Đức, đây là 2 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong năm 2017. Trong năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích nhà lưới, tuy nhiên sẽ chú trọng hỗ trợ trọng điểm, không dàn trải; ưu tiên hỗ trợ những tổ chức, cá nhân có phương án, kế hoạch phát triển cụ thể và diện tích nhà lưới đạt quy chuẩn theo dự án đã ban hành.
Các đại biểu tham quan Mô hình liên kết sản xuất mía đường tại xã Ngọc Linh, Vị Xuyên. |
Với phương châm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ bề rộng sang chiều sâu, tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020; trong năm 2017, diện tích lúa thuần của huyện được nâng cao và đạt 40% tổng diện tích thực hiện, các giống thực hiện gồm: Thiên ưu 8, JO2; Tám thơm, Hương biển,… Đặc biệt, vụ Xuân 2017, huyện đã đưa giống J02 vào sản xuất, kết quả đạt năng suất cao, chất lượng gạo tốt và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Điển hình như HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bản Sáng, xã Linh Hồ thực hiện phương án sản xuất lúa thuần chất lượng cao gắn với việc áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất. Vụ Xuân năm 2017, HTX thực hiện sản xuất 5 ha giống lúa J02; năng suất đạt đạt 64 tạ/ha, sản lượng đạt 32 tấn; doanh thu HTX đạt 352 triệu đồng. Trong vụ Xuân năm 2018, huyện sẽ triển khai nhân rộng giống JO2 gắn với cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn, diện tích thực hiện 500 ha/91 cánh đồng mẫu lớn.
Trong những năm gần đây, huyện Vị Xuyên luôn chú trọng việc xúc tiến, tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp. Điển hình như liên kết với Công ty Mía đường Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2013, đến nay, qua gần 5 năm thực hiện cho thấy sản xuất mía có sự liên kết theo chuỗi, đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả, tạo thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các hộ tham gia trồng mía tại địa phương. Trong năm 2017, thực hiện trồng tại các xã Ngọc Linh, Linh Hồ, Ngọc Minh và Trung Thành với diện tích 95,6 ha; doanh thu bình quân đạt trên 60 triệu đồng/ha. Mục tiêu thực hiện trong năm 2018 sẽ mở rộng quy mô diện tích lên 200 ha; hình thành 5 cánh đồng mẫu mía tại các xã Ngọc Linh, Linh Hồ, Ngọc Minh và Bạch Ngọc (quy mô mỗi cánh đồng từ 3 - 5 ha). Liên kết với Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên phát triển dược liệu và trồng rừng chất lượng cao. Trong năm 2017, huyện đã có cơ chế hỗ trợ trụ sở làm việc để mở chi nhánh đại diện và 1,3 ha đất sạch làm khu nghiên cứu, thực nghiệm phát triển cây dược liệu, cây lâm nghiệp. Thực hiện liên kết với 4 cơ sở, gieo ươm cây giống trên địa bàn huyện sản xuất giống cây Keo Úc với số lượng trên 2 triệu cây, đáp ứng đủ số cây trồng trên địa bàn huyện Vị Xuyên và một số huyện lân cận. Thực hiện phối hợp, trồng khảo nghiệm 4,5 ha các loài cây dược liệu gồm Lan Kim tuyến, Hà thủ ô, Ba kích tím và thực hiện trồng rừng chất lượng cao với diện tích 14 ha (100% các cây con đã trồng được nhân giống từ mô tế bào thực vật). Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Viện trong việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân về phát triển dược liệu, trồng rừng chất lượng cao và một số cây trồng nông nghiệp mũi nhọn của huyện được 11 lớp/11 xã, thị trấn với tổng số 323 học viên tham gia. Sau đào tạo, các học viên có kỹ năng, kỹ thuật để áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Liên kết với Tập đoàn TH phát triển chăn nuôi bò sữa. Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vị Xuyên có quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng. Trong năm 2017, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh, Tập đoàn TH tiến hành khảo sát, lựa chọn vùng nguyên liệu trồng cỏ và ngô làm thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa với quy mô 1.500 ha tại các xã: Phong Quang, Minh Tân, Thuận Hòa, Tùng Bá, Phương Tiến, Kim Linh, Kim Thạch và Phú Linh; xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa với diện tích 76,7 ha/10.000 con bò sữa và cơ sở chế biến rộng 11,3 ha tại xã Phong Quang. Dự kiến trong năm 2018 - 2019, trang trại bò sữa công nghệ cao, áp dụng nông nghiệp thông minh 4.0 sẽ được hình thành và đi vào hoạt động.
Như vậy, với chủ trương quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm, trong giai đoạn tiếp theo, huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng nhiều mô hình hay, có hiệu quả nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Qua đó từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc