Về Hà Giang Trẩy hội – Du Xuân

22:35, 15/02/2018

Xuân 2018 – Đến với Hà Giang những ngày đầu Xuân, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những vạt hoa tam giác mạch trải dài trên miền đá xám mà mỗi du khách còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán mang đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội đặc sắc như Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội văn hóa truyền thống của người Cờ Lao, Lễ hội Bàn Vương của người Dao, hay như Lễ hội Nhảy lửa đầy huyền bí và mang đậm tính nhân văn của người Pà Thẻn…

Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, trong không khí tưng bừng vui Tết đón Xuân, bà con người Dao ở thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) lại có mặt đông đủ để tham dự Lễ hội Bàn Vương. Theo quan niệm của cộng đồng dân tộc Dao thì Bàn Vương là vị sư tổ, vị anh hùng của dân tộc Dao từ thủa khai thiên lập địa. Ngày nay người Dao dù ở bất cứ nơi đâu đều thờ cúng tổ tiên trước hết là sư tổ Bàn Vương. Lễ hội mở đầu với nghi lễ cúng, tế thần Bàn Vương và các vị thần Sông, thần Núi, thần Rừng… cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Sau nghi lễ, thầy cúng đi tới từng gia đình để xua đuổi tà ma, cầu cho gia chủ một năm mới bình an, no ấm. Lễ hội Bàn Vương của đồng bào Dao là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi trong năm mới… Thông qua lễ hội, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, góp phần giữ gìn nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thiếu nữ Pà Thẻn tại ngày
Thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn tham dự Lễ hội Văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn năm 2017 tại xã Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Dân tộc Cờ Lao là một trong 5 dân tộc dưới 10.000 người ở Hà Giang, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh thường phối hợp với các huyện có người Cờ Lao sinh sống tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống nhằm khích lệ, động viên bà con    hăng say lao động sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Năm 2017, Lễ hội Văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao được tổ chức tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh đã thu hút đông đảo bà con ở các xã lân cận tham gia.  Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đời sống văn hóa, tinh thần của người Cờ Lao khá phong phú, đa dạng với những nét văn hóa truyền thống như các điệu hát mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, hát giao duyên... Ngoài ra người Cờ Lao có nhiều lễ cúng, như cúng ngày Tết, cúng Rằm tháng 7, cúng Bếp lò… trong đó nổi bật là Lễ cầu mùa hay còn gọi là cúng Ngô mới. Với lễ vật là các sản phẩm nông nghiệp do chính người dân sản xuất như gà, xôi, mèn mén, rượu trắng, hoa quả và thứ không thể thiếu đó là cây ngô. Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao là một sinh hoạt văn hoá hướng thiện mang tính tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng. Ngoài phần lễ, trong ngày hội còn diễn ra các hoạt động như giao lưu văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh cù... Đây cũng là dịp để đồng bào Cờ Lao tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sản xuất thuận lợi. Thông qua lễ hội, bà con có dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, cất lên lời ca, tiếng hát với các làn điệu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thông minh, khéo léo, góp phần gìn giữ và duy trì nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo đồng chí Đặng Đình Nhiêu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm là dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con người Cờ Lao nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tự hào, phát huy cái hay, cái đẹp trong phong tục tập quán. Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ với điểm nhấn du lịch văn hóa tộc người, giúp nhân dân chuyển đổi và đa dạng ngành nghề phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Lễ hội
Nghi lễ cúng, tế thần Bàn Vương của dân tộc Dao thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (TPHG).

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn là một trong những nét văn hóa độc đáo thiêng liêng và huyền bí. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày 16.10 âm lịch năm trước đến 15.1 âm lịch năm sau. Đối với người Pà Thẻn vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để cổ vũ. Trong lễ hội nhảy lửa, thầy cúng đóng vai trò rất quan trọng, họ được xem như là người kết nối giữa con người và các vị thần linh. Sau khi thầy đã làm xong các nghi lễ ban đầu, những chàng trai đứng quanh đống lửa người bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ và lao vào đống than hồng trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người mà không hề bị bỏng. Tuy màu sắc tâm linh huyền bí nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo chứa đậm những giá trị tinh thần đậm nét nhân văn, đó là nơi con người giao hòa hội tụ để sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc họ lại tìm được niềm tin, tìm được tình yêu cuộc sống. Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL cho biết: Thời gian qua cùng du lịch cả nước, du lịch Hà Giang đã có sự khởi sắc và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách nội địa và quốc tế. Năm 2017, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 20% so với năm 2016; trong đó khách nội địa đạt 853.964 lượt người, khách quốc tế đạt gần 170 nghìn lượt người. Để có được những kết quả đó là do tỉnh ta vận dụng nhiều giải pháp hiệu quả trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm khai thác phục vụ du lịch từng bước có hiệu quả. Với phương châm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc, hàng năm ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp với các huyện tổ chức các Lễ hội truyền thống ở các địa phương. Đây là hoạt động bổ ích, đồng thời cũng là dịp để bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, trao đổi vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình…

Bài, ảnh: THANH THỦY - PHAN MẠNH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sắc Xuân trong phát triển nông nghiệp ở Vị Xuyên

Xuân 2018 - Đến huyện Vị Xuyên những ngày đầu năm mới, sắc Xuân ngập trên các thôn xóm, niềm vui no ấm hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân. Trong sắc màu xanh biếc của ngô, rau và màu vàng rực của những vườn cam trĩu quả càng nổi bật thêm bức tranh nông nghiệp của huyện. Với hướng đi đúng và bền vững, tin rằng, huyện Vị Xuyên sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định là một trong những huyện động lực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

15/02/2018
Người làm Báo nơi đỉnh Bắc, Xuân này niềm vui nhân đôi

Xuân 2018 - Cuốn lịch năm 2017 đang được bóc dần về những tờ cuối, hòa cùng sự hối hả, bận rộn và niềm vui của mọi người trên quê hương cực Bắc khi chia tay năm cũ, chào năm mới, đón xuân Mậu Tuất  về. Những người làm Báo ở các cơ quan báo chí Hà Giang đều cảm thấy niềm vui như được nhân đôi; nụ cười khi đón nhận thành quả của một năm lao động, sản xuất, cống hiến và học tập sẽ đi cùng với niềm vui nghề nghiệp của người làm Báo tỉnh nhà.

15/02/2018
Tạo nền tảng tư tưởng vững chắc

Xuân 2018 - Năm 2017 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời, cũng là năm Đảng ta tiếp tục ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Cùng với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  không ngừng đổi mới...

15/02/2018
Thành công, dấu ấn đậm nét hoạt động HĐND

Xuân 2018 - Giám sát (GS) là một trong những chức năng chủ yếu của HĐND. Thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh trong năm 2017 cho thấy, đã có nhiều cố gắng để tăng cường công tác GS việc thi hành Hiến pháp, luật và các nghị quyết của HĐND. Kết quả hoạt động GS của HĐND đã có tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương. Theo quy định Điều 58, Luật Hoạt động GS của Quốc hội và HĐND, tại Kỳ họp giữa năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chương trình GS năm 2017 và cũng tại phiên họp tháng 12.2016, Thường trực HĐND tỉnh đã thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình GS năm 2017 và Nghị quyết thành lập Đoàn GS chuyên đề để làm căn cứ tổ chức thực hiện.

15/02/2018