Mốc son mới trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính
Xuân 2018 - Tỉnh ta là một trong những địa phương sớm triển khai đầu tư, mở rộng hệ thống giao ban trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp (T.Ư, tỉnh, huyện, xã) với quy mô: 4 điểm cấp tỉnh (Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính); 11/11 huyện, thành phố, 191/195 xã, phường, thị trấn. Các hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động thường xuyên, phục vụ kịp thời chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần CCHC.
Người dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Ảnh: Phạm Hoan |
Bước sang năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn II (2016-2020), công tác CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Chất lượng, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ đúng quy định; công tác kiểm soát, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa” điện tử, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch với cơ quan hành chính theo hướng hành chính phục vụ; bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; tăng cường phân cấp quản lý đối với các ngành, lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu.
Trong các nhiệm vụ CCHC, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực của đời sống trên địa bàn tỉnh có bước tiến vượt bậc. Hiện nay, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; toàn tỉnh có 1.514 Trạm thu phát sóng BTS; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 93%; 15% số xã được đầu tư, triển khai mạng LAN, phục vụ ứng dụng “một cửa” điện tử liên thông từ tỉnh đến xã. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp đi vào hoạt động, trở thành hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng, cho phép kết nối, liên kết, tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh ta đã đưa vào sử dụng toàn diện, thống nhất phần mềm Quản lý Văn bản điều hành điện tử (Vnptioffice) đến 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; hoàn thành nâng cấp phần mềm Vnptioffice phiên bản 2.0 lên phiên bản 3.0 và tích hợp chữ ký số chuyên dùng. Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã thống nhất gửi, nhận văn bản điện tử đến các cơ quan trên phần mềm Vnptioffice, thư điện tử công vụ. Ước tính, 75% văn bản không mật trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sử dụng dưới dạng điện tử; 70% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; 25% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hoàn toàn dưới dạng điện tử và có ứng dụng chữ ký số.
Tỉnh ta là một trong những địa phương sớm triển khai đầu tư, mở rộng hệ thống giao ban trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp (T.Ư, tỉnh, huyện, xã) với quy mô: 4 điểm cấp tỉnh (Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính); 11/11 huyện, thành phố, 191/195 xã, phường, thị trấn. Các hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động thường xuyên, phục vụ kịp thời chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần CCHC. Đồng thời, tổ chức nâng cấp, duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ; rà soát, điều chỉnh, cấp mới, nâng tổng số hộp thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức các cấp trên 14 nghìn hộp thư điện tử; tổ chức cấp, tập huấn, hướng dẫn sử dụng Chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền ký trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước với 2.725 Chứng thư số.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hệ thống “một cửa” điện tử tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.hagiang.gov.vn do Trung tâm Hành chính công tỉnh theo dõi, giám sát. Trong năm 2017, đã triển khai “một cửa” điện tử liên thông tại 36 xã, thị trấn thuộc huyện Bắc Mê, Bắc Quang, đảm bảo liên thông với Trung tâm Hành chính công huyện, tỉnh. Đồng thời, hoàn thành tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm “một cửa” điện tử liên thông; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động “một cửa” điện tử liên thông tại 8 xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Giang, kết nối với Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính thành phố.
Việc cải cách tổ chức, bộ máy hành chính được các cấp, ngành tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong năm, tỉnh ta đã tổ chức lại 3 đơn vị từ trực thuộc UBND tỉnh về cấp sở; sáp nhập, chuyển giao 25 đơn vị, đổi tên 2 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện; kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động 6 đơn vị trực thuộc sở... Sau khi sáp nhập, kiện toàn, đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp cấp sở, 18 đơn vị sự nghiệp cấp huyện, giảm 4 phòng chuyên môn thuộc sở.
Công tác quản lý biên chế được thực hiện đúng quy định, đã điều chuyển biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với một số đơn vị sự nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành Đề án vị trí việc làm công chức, viên chức, theo đó, tổng số danh mục vị trí, việc làm chung của công chức sau khi rà soát, thẩm định của các sở, ngành và UBND huyện, thành phố gồm 270/317 vị trí, giảm 47 vị trí so với Quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ; tổng danh mục vị trí, việc làm chi tiết của các sở, ngành, huyện, thành phố gồm 584 vị trí. Tổng số danh mục vị trí, việc làm viên chức sau khi rà soát chung, thẩm định lại của các sở, ngành, huyện, thành phố gồm 184 vị trí và 565 vị trí, việc làm chi tiết.
Nhìn chung, công tác CCHC thời gian qua được các cấp, ngành thực hiện hiệu quả, góp phần cùng cả hệ thống chính trị của tỉnh hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2017. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2018 với những đòi hỏi cao hơn nhằm xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc