Làng, bản truyền thống và du lịch

17:34, 13/02/2018

Xuân 2018 -  Thiên nhiên đậm chất miền cao, cư dân bản sắc độc đáo, đó chính là những yếu tố cần thiết và quý báu để xây dựng làng, bản văn hóa du lịch Homstay - đang trở thành một thế mạnh của du lịch Hà Giang.

Bản Tha (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang), một bản cổ của đồng bào dân tộc Tày có 113 hộ với hơn 500 khẩu đều làm kinh tế thuần nông nên vẫn giữ được phong tục, tập quán truyền thống. Lễ hội xuống đồng diễn ra từ mồng 5 - 6 tháng Giêng với các hoạt động: Hát Then, ném còn, đánh cù... Ngoài ra, nét đặc biệt “hút” chú ý của du khách là những ngôi nhà sàn kiểu cổ. Hiện Bản Tha vẫn giữ được 100% kiến trúc nhà sàn, ao nuôi cá Bỗng - loại cá đặc sản, thịt dai, ngọt, thơm, rất đặc trưng của vùng nước ngọt, sạch, trong. Những nếp nhà sàn tựa lưng vào sườn đồi, nhìn ra cánh đồng, bên ao cá, bên vườn trồng rau và cây trái, vừa là nơi sinh hoạt vừa để tăng gia sản xuất, tạo nên không gian đồng bộ cho tổng thể ngôi làng. Đến đây, hẳn du khách sẽ ngỡ ngàng trước những ngôi nhà sàn màu trắng xám thấp thoáng sau những tán Trám, tán Cọ mướt xanh hòa trong bạt ngàn rừng núi…

Đội văn nghệ xã Xuân Giang
Đội văn nghệ xã Xuân Giang biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch tham quan Làng Văn hóa du lịch gắn với xây dựng NTM tại thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình). 

Để trở thành địa danh văn hoá - du lịch sinh thái, Bản Tha được thành phố đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân xây dựng hệ thống vệ sinh tiêu chuẩn, bê-tông hoá đường làng; tuyên truyền bà con thường xuyên vệ sinh nhà ở, sân vườn, đường làng, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp. Bản cũng đầu tư mở rộng nhà văn hoá, trang bị hệ thống loa đài, bàn ghế... làm nơi đón khách và hội họp. Đến với Bản Tha, du khách được hòa vào cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, rồi thưởng thức những món đặc sản: Thịt trâu treo gác bếp, lạp sường, gà vườn, đặc biệt là món cá Bỗng nướng đánh bắt từ sông Lô hoặc ao nhà… Cùng đó còn là cảm nhận sự gần gũi, chất phác của người dân qua những hoạt động văn hóa dân gian: Ném còn, chơi cù, hát Then, múa bát, múa chén... Ông Nguyễn Văn Quyển, người đi đầu quảng bá hình ảnh của bản và làm dịch vụ, cho biết: “Mỗi tháng, gia đình tôi đón tiếp 6-7 đoàn khách trong nước và Quốc tế như Mỹ, Anh, Canađa, Malaysia...”. Ông Quyển còn vận động thành lập HTX Thêu ren Lâm Phương, đào tạo nghề cho lớp trẻ, giới thiệu hình ảnh và sản vật truyền thống của người Tày.

Chủ trương đúng đắn của tỉnh xây dựng các làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là xuất phát điểm quan trọng xây dựng thành công Nông thôn mới; được cấp ủy, chính quyền các địa phương ủng hộ; lôi cuốn các lứa tuổi, tầng lớp nhân dân nhiệt tình góp tiền của, công sức và trực tiếp tham gia hiệu quả từ những hoạt động thiết thực: Tìm hiểu thị hiếu du khách, đầu tư cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị; giữ gìn, khôi phục truyền thống văn hóa…

Hiện toàn tỉnh có hơn 50 làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai xây dựng, đi vào hoạt động (29 làng đã ra mắt, hơn 20 làng đang xây dựng); tiêu biểu là các làng, bản của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông…; điển hình là Làng Văn hoá du lịch cộng đồng Bản Tha, Bản Tuỳ (thành phố Hà Giang); Lùng Tao, Khuổi Lác (huyện Vị Xuyên); Nậm An, Bản Khiềm (Bắc Quang); My Bắc (Quang Bình); Làng Giang (Hoàng Su Phì); Nấm Dẩn (Xín Mần); Bản Lạn (Bắc Mee); Nặm Đăm (Quản Bạ); Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn); Bản Tòng (Mèo Vạc)...  đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Ấn tượng đầu tiên và lắng đọng với du khách không chỉ là sắc màu sặc sỡ của trang phục, những món ẩm thực đặc thù; mà là sự nguyên vẹn trong lối sống với không khí “đổi mới” của người dân giữa bạt ngàn rừng núi. Vì vậy, các làng, bản được chọn làm “văn hóa du lịch cộng đồng” phải thỏa mãn rất nhiều tiêu chí. Trước hết, là làng thuần dân tộc, có sự quần tụ về dân cư với mức sống đồng đều và không có hộ quá nghèo; có các thiết chế văn hoá, quy ước, đường giao thông nông thôn trải nhựa, bê-tông hoá, cấp phối hoặc lát gạch đảm bảo thuận tiện giao thông. Đồng thời, đủ điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà cửa khang trang với kiến trúc truyền thống; công trình phụ đạt chuẩn, chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở hoặc có tường bao cách biệt, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải; làng nghề thủ công truyền thống phải bảo tồn nét văn hoá đặc sắc…

Phát triển làng, bản văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn sẵn có, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Thực tiễn cho thấy, nhiều hộ dân đã và đang năng động phát triển kinh tế bền vững, góp phần thay đổi “bộ mặt” nông thôn miền núi. Quan trọng hơn, giờ đây người dân được làm giàu trong chính ngôi nhà, bằng nghề truyền thống của mình và trên chính quê hương mình.

NGUYỄN VĂN TÔNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Hoàng Su Phì điểm đến lý tưởng

Xuân 2018 - Năm 2017, huyện Hoàng Su Phì đón trên 15.300 lượt khách, trong đó khách nước ngoài 4.700 lượt, doanh thu ước đạt trên 17 tỷ đồng. Với những lợi thế về sinh thái, tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá truyền thống cùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, Hoàng Su Phì đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là tín hiệu vui, để ngành Du lịch của huyện "Nâng tầm thương hiệu".

13/02/2018
Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc Tích cực hoàn thiện các chỉ tiêu nâng hạng

Xuân 2018 -  Mặc dù còn thiếu về nhân lực và cơ sở hạ tầng, nhưng với nỗ lực không ngừng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, năm 2017, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Mèo Vạc đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến chất lượng bệnh viện; giám sát việc thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn, giáo dục y đức trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (KCB). Do đó, các chỉ tiêu cơ bản về KCB được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

13/02/2018
Vị Xuyên, nhiều mô hình hay trong nông nghiệp được nhân rộng

Xuân 2018 - Là huyện động lực của tỉnh, huyện Vị Xuyên luôn xác định sản xuất nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng nhất trong phát triển nền kinh tế. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, từng bước đưa nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích như: Lựa chọn phát triển cây, con thế mạnh; chủ động liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…. Năm qua, huyện triển khai, nhân rộng nhiều chương trình và mô hình có hiệu quả kinh tế cao.

13/02/2018
Tăng cường kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Xuân 2018 - Trong năm qua, Đảng bộ tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung thực hiện hai khâu đột phá, đó là: Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), với những giải pháp cụ thể, tập trung xây dựng và ban hành Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

13/02/2018