Hoàng Su Phì, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững
Xuân 2018 - Hoàng Su Phì nằm trong tốp các huyện nghèo nhất cả nước; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp; dân cư không tập trung, điều kiện đi lại không thuận tiện... nên việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn tài nguyên, khoáng sản nghèo, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhiều lao động chưa qua đào tạo... là những hạn chế, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển KT-XH.
Được mùa Thảo quả. |
Khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua, các cấp lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án của tỉnh; bám sát và cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu hàng năm với những giải pháp cụ thể, sát tình hình thực tế và đặc thù của địa phương nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng.
Những năm qua, huyện đã, đang xây dựng các cơ chế phù hợp, thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh vào địa bàn huyện nhằm tăng thu ngân sách, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Từ sự chủ động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, năm 2017, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 1.106 tỷ đồng, đạt trên 100% Nghị quyết HĐND huyện; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 1.019 tỷ đồng; hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 326 tỷ đồng… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53,19% năm 2016 xuống còn 46,32%, đạt trên 114% kế hoạch.
Người dân xã Sán Sả Hồ chăm sóc lúa Mùa. |
Nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã đặc biệt coi trọng việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân qua việc thành lập các Tổ, Đội chỉ đạo sản xuất, Nhóm sở thích tại các thôn, bản, duy trì các phong trào thi đua với sự tham gia của người dân như: Xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng Nông thôn mới... phát huy dân chủ trong nhân dân, tạo điều kiện để người dân được thảo luận các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng”. Các cuộc họp thôn cũng được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, giúp cán bộ thôn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, chỉ đạo tốt việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Xuân mới đã về, mang theo nhiều niềm vui, thách thức đối với mảnh đất Hoàng Su Phì. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi đây đặt mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến tích cực và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ và công nghiệp; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với Nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch bền vững; tập trung nguồn lực xoá đói, giảm nghèo; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hướng đến sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Lễ hội chọi dê thu hút sự tham quan của nhiều du khách. |
Chuẩn bị thức ăn cho gia súc trong mùa Đông. |
Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa phát triển mạnh. |
PHI ANH - TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc