Du lịch Hoàng Su Phì điểm đến lý tưởng
Xuân 2018 - Năm 2017, huyện Hoàng Su Phì đón trên 15.300 lượt khách, trong đó khách nước ngoài 4.700 lượt, doanh thu ước đạt trên 17 tỷ đồng. Với những lợi thế về sinh thái, tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá truyền thống cùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, Hoàng Su Phì đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là tín hiệu vui, để ngành Du lịch của huyện “Nâng tầm thương hiệu”.
Du khách tham quan, chụp ảnh trên đỉnh Chiêu Lầu Thi (xã Hồ Thầu) cao hơn 2.400 mét so với mực nước biển. |
Nằm ở phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh, sông, suối, nương chè Shan tuyết cổ thụ, đỉnh Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi cao hơn 2.400 m so với mực nước biển và đặc biệt di tích Quốc gia Ruộng bậc thang tại 6 xã của huyện, đây là điều kiện để hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số… Cùng với đó, huyện đã khôi phục, xây dựng các làng nghề truyền thống và hỗ trợ các hộ, các HTX sản xuất, chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm như: Gặt lúa, hái chè, tắm lá thuốc, các lễ thức truyền thống, tham quan, ngắm cảnh tại các điểm du lịch nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để khai thác và phát huy thế mạnh du lịch, huyện đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đồng thời, có các cơ chế, chính sách kích cầu du lịch như: Xây dựng các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh, mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của huyện. Đặc biệt, từ năm 2015, UBND huyện phối hợp với Tổ chức HELVETAS triển khai Dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số” nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống các Nhà du lịch cộng đồng đạt chuẩn tại các thôn, bản. Đến nay, có 8 nhà hoàn thành giai đoạn nâng cấp đầu tư và đưa vào sử dụng; trong đó, có 7 nhà sàn và 1 nhà đất với 97 giường, công suất sử dụng bình quân đạt 47%. Theo kế hoạch, đến hết năm 2018 sẽ có ít nhất 15 Nhà du lịch cộng đồng được đầu tư, xây dựng tại các thôn, bản để phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Hoàng Su Phì cũng xác định rõ những khó khăn, hạn chế đối với hoạt động du lịch như: Là huyện có xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng (nhà hàng, khách sạn chưa được đầu tư quy mô lớn), đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch vừa thiếu, vừa yếu, nhận thức của nhân dân và một bộ phận cấp uỷ, chính quyền cơ sở về du lịch còn hạn chế; hệ thống đường giao thông chưa phát triển mạnh; hoạt động kinh doanh du lịch chưa đồng bộ, mang tính nhỏ lẻ...
Từ thực tế trên, Hoàng Su Phì xác định phải nắm bắt xu thế, biến tiềm năng thành thế mạnh bằng những việc làm cụ thể như: Tập trung phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ, du lịch, từng bước đánh thức tiềm năng, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu tăng trưởng số lượng khách du lịch hàng năm từ 25-30%; đến năm 2021, đón khoảng 110 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 23 nghìn lượt khách quốc tế và 87 nghìn lượt khách nội địa; hình thành các trung tâm du lịch với các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách.
Bài, ảnh: Tiến Lâm
Ý kiến bạn đọc