Nói không đi đôi với làm "bệnh trọng" cần giải nguy, chữa gấp
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, một trong những trường hợp phải kiên quyết cảnh giác, không để lọt vào BCH T.Ư khóa XIII khi đã mắc khuyết điểm: “Nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”.
Người xưa từng răn dạy “Nói chín thì phải làm mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Dẫu đã làm được chín phần, chỉ có một phần không làm được như lời đã nói, đã hứa thì cũng bị kẻ cười, người chê! Thế mà thời nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không những nói và làm không nhất quán, nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, mà nguy hại hơn là nói một đằng, làm một nẻo.
Hệ lụy đáng nói nhất là khi những người có chức, có quyền chỉ nói mà không làm, chỉ hứa hão mà không thực hiện, chỉ thích nói hay làm dở, nói suông làm giả, thậm chí làm những việc trái ngược hoàn toàn với những điều mình đã nói thì họ không chỉ tự bêu gương xấu trước thiên hạ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị, bộ máy công quyền và những người giữ vai trò “cầm cân nảy mực” trong xã hội.
Thực ra vấn nạn “nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo” không phải chỉ tồn tại trong một bộ phận CB, ĐV ở nước ta, mà nó là một thực trạng khá nhức nhối ở hầu hết các thể chế chính trị-xã hội và nhiều quốc gia trên thế giới. Nói chung, những quan chức nói không đi đôi với làm thường là những người có lợi thế hoạt ngôn, diễn thuyết giỏi, thích hô khẩu hiệu suông, bị chi phối bởi chủ nghĩa dân túy tầm thường nên họ lợi dụng vị trí xã hội, vị trí công tác để chau chuốt, vuốt ve những câu từ mỹ miều, rót những lời đường mật vào “tâm lý đám đông” nhằm thu hút, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin “tiền hô hậu ủng” cho bản thân mình. Nhưng sau khi đạt được mục đích chính trị, những quan chức này dần sa vào tình trạng làm không hay như nói, nói đâu bỏ đấy, hứa hão rồi cho qua.
Trong xã hội phong kiến trước đây, các bậc quân tử luôn coi trọng ngũ thường là “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Trong đó, biểu hiện cốt lõi của chữ “tín” là “quân tử nhất ngôn”. Nghĩa là người quân tử chỉ nói một lời và khi đã nói, đã hứa thì không bao giờ thay đổi, đã nói là làm. Nhắc lại điều đó để thấy, thời nào cũng vậy, khi những người có vị trí, “vai vế” trong xã hội luôn được ví như một trong những biểu tượng, hình ảnh, danh dự của thể chế xã hội đương thời, do vậy họ luôn phải đề cao, coi trọng và có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm thống nhất giữa lời nói và hành động. Nhất là trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, bất cứ lời nói, phát ngôn nào của cán bộ khi đã được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì những “lời hay ý đẹp” của họ cũng dễ trở thành tiêu điểm của dư luận, đồng thời cũng là bằng chứng để người dân theo dõi, giám sát lời nói và việc làm của họ có phù hợp, nhất quán với nhau hay không.
Cách nay 93 năm, trong tác phẩm “Tư cách người cách mệnh” viết năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ một trong những yêu cầu phẩm chất cần phải có của người cách mệnh là “nói thì phải làm”. Một trong 3 nguyên tắc cơ bản về xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng của CB, ĐV theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nói phải đi đôi với làm, phải tự giác nêu gương về đạo đức. Bác Hồ từng khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Nói năng hay, diễn đạt tốt tuy rất cần thiết đối với CB, ĐV, nhưng làm mới là tiêu chí, là thước đo cơ bản để đánh giá phẩm chất, năng lực và uy tín của từng người. Làm ở đây không chỉ có nghĩa là trực tiếp hành động để tạo ra kết quả tích cực, mà còn bao hàm cả việc tự giác rèn luyện, tu dưỡng để giữ gìn liêm sỉ, danh dự, hình ảnh tốt đẹp của CB, ĐV trong lòng nhân dân.
Nhận thấy những tác hại ghê gớm của khuyết điểm “nói không đi với làm” của một bộ phận CB, ĐV, những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản nhằm chấn chỉnh thực trạng này. Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của BCH T.Ư khóa XII “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” đòi hỏi phải đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải có một trong những tiêu chí là: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm”.
Yêu cầu hàng đầu được nêu ra tại Điều 3 Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 của BCH T.Ư Đảng khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư” là mọi CB, ĐV, trước hết là người đứng đầu các cấp phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, một trong những trường hợp phải kiên quyết cảnh giác, không để lọt vào BCH T.Ư khóa XIII khi đã mắc khuyết điểm: “Nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”.
Những quy định nhất quán trên đã cho thấy, “nói đi đôi với làm” của CB, ĐV không chỉ là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; từ mong muốn, kỳ vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; mà đó còn là một trong những tiêu chí cơ bản, quan trọng trong việc giới thiệu, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Ở chiều sâu hơn, việc Đảng ta yêu cầu CB, ĐV, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp luôn bảo đảm thống nhất giữa lời nói với việc làm, đã nói là làm, làm nhiều nói ít, làm đến nơi đến chốn, làm có hiệu quả thực chất, là thiết thực góp phần xây dựng đạo đức, bồi đắp văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam, tô đẹp tính chính danh của người chiến sĩ cộng sản và qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của CB, ĐV.
BTV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc