Về nơi... nước sạch quý hơn vàng!

08:38, 02/08/2017

BHG - Mặc dù an cư trong lòng thành phố nhưng hàng trăm nhân khẩu thuộc tổ 9, phường Quang Trung (TP. Hà Giang) chưa từng có nước máy để sử dụng. Thậm chí, niềm khát khao có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để ăn, uống hàng ngày cũng trở nên... xa xỉ!.

Hiện nay, đa phần các hộ dân trên địa bàn TP. Hà Giang đều sử dụng nước máy để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước Hà Giang Nguyễn Vĩnh Phú thì đây là loại nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc với những thiết bị công nghệ hiện đại; đáp ứng yêu cầu nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân khu vực đô thị. Vậy nhưng, cũng tại TP. Hà Giang, nhóm 33 hộ dân với trên 100 nhân khẩu của tổ 9, phường Quang Trung – sinh sống gần khu vực Nghĩa trang Km 7 (đường Hà Giang đi huyện Đồng Văn) chưa từng được sử dụng nguồn nước máy. Qua bao thế hệ, họ vẫn từng ngày trông chờ nguồn nước mưa để có nước sinh hoạt. Và đây được coi là nguồn nước hợp vệ sinh nhất mà họ có thể tận dụng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày. Vào mùa mưa, lượng nước trở nên dồi dào nên mọi chum, vại, bể chứa nhỏ, to trong gia đình được huy động để tích trữ nước dùng cho cả mùa hanh khô. Thế nhưng, vật chứa nước trong gia đình thì có hạn mà nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của các thành viên không giới hạn. Do vậy, “nguồn nước mưa tuyệt nhiên chỉ được sử dụng vào mục đích duy nhất là dùng trong nấu ăn và đun nước uống” – chị Chu Thị Hồng chia sẻ.

Chỉ qua phương pháp lọc thủ công như thế này, nguồn nước sông khó đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng. 			Ảnh: THU PHƯƠNG
Chỉ qua phương pháp lọc thủ công như thế này, nguồn nước sông khó đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng. Ảnh: THU PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Hòa kể: Hàng tháng, bà phải mua 10 bình nước uống đóng chai để 6 thành viên trong gia đình có nước sử dụng. Như vậy, để có một bình nước uống đóng chai với thể tích 20 lít, bà Hòa phải chi 20 nghìn đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc, một tháng, gia đình bà tốn thêm 200 nghìn đồng để mua nước uống đóng chai. Trong khi đó, nếu gia đình bà được sử dụng nguồn nước máy để đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày, bà chỉ phải trả chưa đầy 7.000 đồng/m3 nước (theo giá thu hiện hành của Công ty Cổ phần Cấp, thoát nước Hà Giang), tương đương với 1.000 lít nước...

Đặc biệt, để đảm bảo đủ nước nấu ăn, uống và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nhiều gia đình ở tổ 9 phải sử dụng thêm nguồn nước sông Miện. Song, điều đáng bàn ở đây, khi bơm nước từ sông về để sử dụng, họ hoàn toàn không có hệ thống máy lọc hiện đại để xử lý nước mà phương thức lọc rất thô sơ, mang tính thủ công cao. Đó là việc sử dụng chân tất bọc vào điểm cuối của đầu ống dẫn nước để lọc lần 1. Sau đó, nước sông tiếp tục được lọc qua một lớp vải mỏng và chảy xuống vật chứa nước. “Hiện đại” hơn, nhiều hộ rải thêm cát ở trên lớp vải để nước sông được lọc “tinh khiết” hơn. Nhưng theo đánh giá của nhiều hộ sử dụng thì phương pháp này cũng chỉ loại bỏ một phần rác thải, lá cây,... chứ không loại bỏ được tạp chất để trở thành nước sạch. Không những vậy, theo trần tình của nhiều hộ dân: Có những ngày nước sông ngầu đục, chứa đầy rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xác gia súc, gia cầm đang trong giai đoạn phân hủy,... nhưng vì thiếu nước sạch, họ vẫn phải sử dụng để nấu ăn, tắm, giặt.

Lý giải cho nỗi niềm “khát” nước sạch của 33 hộ dân ở tổ 9, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát để tìm nguồn nước đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, nguồn nước tự nhiên ở đây rất khan hiếm. Chúng tôi cũng đã vận động nhân dân đào giếng, khoan giếng để có nước sinh hoạt. Song, khu vực này giáp Nghĩa trang Km 7 nên nguồn nước không đảm bảo vệ sinh... Chia sẻ thêm về điều này, chị Đinh Thị Thu Hạnh cho biết: Trước năm 2000, nguồn nước giếng của gia đình tôi vẫn sử dụng bình thường. Nhưng sau đó, khi Nghĩa trang Km 7 được mở rộng thì nguồn nước bắt đầu ô nhiễm – xuất hiện váng màu vàng và có mùi lạ. Chúng tôi nghi nguồn nước bị ảnh hưởng từ nghĩa trang nên không ai dám sử dụng...

Rời tổ 9 trong ngày hè bỏng lửa, mang theo nguyện ước của người dân về nguồn nước sạch khiến chúng tôi không khỏi xót xa: “Nước sạch được ví như máu của sự sống. Mong các cấp, ngành chung tay khơi dòng máu sống cho hàng trăm nhân khẩu thuộc tổ 9” ...

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bao giờ người dân 4 thôn: Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm có cầu để đi

BHG- "Không có cây cầu cứng qua con suối, người dân 4 thôn dễ gặp nhiều hiểm nguy. Bởi thế, chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư cho thôn có một cây cầu tràn vững chãi để qua suối...". - Đó là mong muốn của 321 hộ sinh sống tại các thôn Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm, xã Đường Âm (Bắc Mê).

31/05/2017
Ý kiến người dân: Đề nghị đổi lại tên cầu

BHG - Tuyến Quốc lộ 2 (QL2) thuộc hệ thống Quốc lộ do cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tại km 8+801m, đường Hà Giang đi Hà Nội (địa điểm tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức) có ,1 cây cầu hiện đang được khai thác sử dụng. Cây cầu này trước đây được xây dựng năm 1929, có tên là cầu LÀNG NÙNG.

31/03/2017
Công trình thủy lợi Phai Xoong Hỏ cần sửa chữa, nâng cấp

BHG- Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hơn chục năm, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Qua thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay,  công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ thuộc 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn. 

25/10/2016
250 hộ dân xã Quảng Ngần "ngóng" điện lưới Quốc gia

BHG- Câu chuyện về những bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mong có điện thắp sáng để thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt ở tỉnh ta đang còn rất nhiều; bởi địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở và chưa đủ kinh phí để "nhà điện" đầu tư, xây lắp đường dây điện. 

21/06/2017