Năm em nhỏ người Mông - cần lắm những tấm lòng nhân ái

07:50, 22/01/2014

HGĐT- Ánh mắt đượm buồn và có chút gì đó trầm ngâm của A Cố - cậu anh cả trong một gia đình có 5 anh em bị bố mẹ “bỏ mặc” trong nhiều tháng nay - khiến lòng chúng tôi nặng trĩu với những đồng cảm khó tả... Chỉ biết rằng, tương lai của các em sẽ còn mù mịt lắm nếu thiếu đi những tấm lòng nhân ái.



Bốn trong năm anh em nhà A Cố trong căn nhà dột nát và thiếu tình thương của cha mẹ.

Đói rách, rét mướt và thiếu tình thương của cha mẹ là hoàn cảnh của 5 anh em nhà A Cố ở thôn Nà Béng, xã Nà Khương (Quang Bình). Những đứa trẻ tội nghiệp ấy hiện đang phải “gồng mình” để sống bởi không một thước đất cắm dùi, đến cái “nhà” đang ở cũng phải đi mượn. Hàng ngày để không bị chết đói, mấy anh em nhà A Cố phải dậy từ sáng sớm để đi mót ngô, mót sắn, lấy rau rừng về ăn... Cứ thế mấy đứa trẻ đùm nhau mà sống.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi phải vượt qua gần 7km đường đất lầy lội và một con suối nhỏ... Sau một giờ “vật lộn” với con đường, chúng tôi cũng gặp được các em. Đằng xa, phía trước căn nhà tồi tàn và lụp xụp có vài đứa nhỏ đang chơi với nhau: Đứa thì lúi húi đẽo cù, đứa thì lại loay hoay với cô em gái nhỏ không áo khoác, không mảnh quần đang lê lết dưới nền đất bẩn nhèm...


A Cố với vẻ mặt trầm ngâm và có phần “điềm đạm” biết chúng tôi đến thăm, em ngọng nghịu mời chúng tôi vào nhà giống như một “ông bố nhỏ” của bầy em thơ dại. Bước chân vào “căn nhà”, một cảm giác sót thương tràn về. Nơi các em ở, nói đúng ra nó giống như một cái lều tạm và rách nát, mái nhà thì được lợp bằng cỏ gianh và đầy những chỗ dột nát trực chờ mưa xuống... Trong căn nhà ẩm thấp, dột nát ấy, anh trai cả A Cố với bộ dạng mệt mỏi đang “mò mẫm” chất bếp. Từ bên ngoài gió len qua từng khe gỗ “chắp vá” cứ được đà “dội vào” lạnh buốt từng “chân tơ, kẽ tóc”... Hồi lâu nhòe cả mắt, cái bếp lửa mãi mới chịu cháy để A Cố đặt ấm nước méo mó. Chúng tôi lại gần quây lại bên bếp lửa và hỏi han các em...


Cũng trong căn nhà ấy, trên chiếc giường không đệm, dưới tấm chăn mỏng ẩm mốc, bụi bặm, cô em gái út của A Cố với khuôn mặt lem luốc bùn đất vẫn đang thiêm thiếp ngủ, thỉnh thoảng lại em lại run lên vì lạnh... Trước cảnh tượng đó, không một ai trong chúng tôi có thể cầm được nước mắt.


Nghe phía sau lưng có tiếng “bịch” rồi lại “sột soạt” ... Từ phía cửa, đứa trẻ chạc 5 – 6 tuổi chân không tất, không quần và chỉ với manh áo mỏng đang bò lê, bò lết một cách khó khăn tiến tới chỗ A Cố... Thương em, chúng tôi người lấy quần, người tìm áo cho em mặc. Kể ra mới biết, cô bé ấy là Thào A Chính – em gái thứ 3 của A Cố, sinh năm 2007 và thật không may khi sinh ra em đã bị liệt cả hai chân... Lớn rồi mỗi khi di chuyển em lại phải bò, phải lết. Theo dòng thời gian, hai đầu gối và đôi bàn tay nhỏ nhắn cô bé đã trở nên trai lì, nứt nẻ vì bẩn và lạnh và khi nhìn ánh mắt trong veo của em, không ai nghĩ rằng cô bé ấy tương lai có khả năng em sẽ vĩnh viễn không nhìn thấy gì trong cuộc sống này...


Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của năm anh em A Cố, anh Hầu Văn Lử - Bí thư Chi bộ thôn Nà Béng cho biết: Năm anh em A Cố là con của hai vợ chồng anh Thào Seo Chu và chị Giàng Thị Mỷ quê gốc ở Phong Hải (Lào Cai), nhưng vào cuối năm 2012 cả gia đình anh Thào Seo Chu chuyển đến Nà Béng ở. Tại đây, gia đình đã mượn tạm căn lán nhỏ ở đầu làng để có chỗ cho cả nhà chui ra chui vào. Tuy nhiên, do không có đất canh tác, sắn ngô không có mà ăn nên bố mẹ A Cố phải bỏ mặc mấy đứa trẻ ở nhà để đi làm thuê, làm mướn... thỉnh thoảng mới về... Nhưng vài tháng gần đây, không thấy bố mẹ mấy đứa nhỏ về, căn lán cũng bắt đầu mục nát nên chúng tôi đã mượn tạm nhà cũ của nhà anh Sèng Sao Vảng cho mấy đứa có chỗ ở. Anh em A Cố thằng lớn chăm thằng bé, thằng em phụ thằng anh, cứ rau cháo nuôi nhau sống qua ngày. Hàng xóm có nắm cơm, bát canh thì thỉnh thoảng lại mang cho mấy đứa nhỏ... Tại đây, thầy cô ở điểm trường Nà Béng gần đó nên cũng thường xuyên chăm sóc, quan tâm và còn cho các em đi học với chúng bạn... Để giúp đỡ mấy đứa nhỏ, vừa qua chúng tôi đã họp thôn lại và thống nhất viết đơn gửi xã xin cho gia đình A Cố có hộ khẩu và được cấp đất để bố mẹ mấy đứa nhỏ không phải đi xa làm thuê, làm mướn, có điều kiện chăm sóc mấy đứa nhỏ...


Bấy nhiêu thôi cũng đã quá đủ với các em – những đứa trẻ thiệt thòi và tội nghiệp. Dường như không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được những thiếu thốn, khổ đau mà các em đang phải đối mặt... Chỉ biết rằng, trong những chuỗi ngày dài tiếp theo, các em sẽ tiếp tục phải “vật lộn” với cuộc sống hiện tại như đói rách, rét mướt và thiếu vắng tình thương của cha mẹ.


Chia tay mấy đứa nhỏ khi trời bắt đầu đổ “mưa sương”, cái lạnh, cái heo hút... nơi rừng núi khiến chúng tôi thêm chạnh lòng và đầy trăn trở: Không biết đêm nay, ngày mai và những ngày tiếp theo các em sẽ ăn gì, mặc gì... sống ra sao, cuộc đời các em sẽ đi về đâu khi tương lai vẫn đang còn mù mịt... bước chân chúng tôi như nặng trĩu.


Qua bài viết này, chúng tôi mong nhận được sự đồng cảm từ những tấm lòng nhân ái của mọi người dành cho các em... để phần nào xoa dịu những nỗi đau mà các em đang phải chịu đựng; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của xã hội đến những hoàn cảnh bất hạnh, tội nghiệp như 5 em nhỏ này.


VŨ KHUYÊN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh xã hội hóa công tác chăm lo Tết cho người nghèo
HGĐT- Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang đến gần, trong niềm vui Xuân mới, không ít những hộ nghèo phải lo toan, xoay xở để có đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho những ngày tết. Thấu hiểu khó khăn đó, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Yên Minh cùng chung tay giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ đói giáp hạt được hưởng một cái
22/01/2014
Hẹn gặp Lao Và Chải
HGĐT- Mùa đông trên Cao nguyên đá Đồng Văn lạnh buốt hơn mùa Đông những vùng khác. Do điều kiện thiếu thốn, rất nhiều trẻ em nơi đây không đủ quần áo ấm trong cái rét cắt da, cắt thịt. Thấu hiểu điều đó, Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện trường Đại học Điện lực Hà Nội phối hợp với Hội Thanh niên đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức Chương trình “Áo ấm cho em”, nhằm kêu gọi
22/01/2014
An sinh xã hội trong sự nghiệp phát triển tỉnh nhà
(Xuân Giáp Ngọ)- Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) là hai chính sách lớn giữ vai trò trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, được triển khai trên địa bàn tỉnh ta trong nhiều năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định chính trị- xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, nâng cao sức khỏe nhân dân.
21/01/2014
Chăm lo gia đình chính sách, người có công ở Bắc Quang
(Xuân Giáp Ngọ)- Bắc Quang là một trong những địa bàn có số lượng người có công và đối tượng chính sách xã hội lớn nhất tỉnh. Những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự chủ động của Phòng LĐTB&XH huyện đã triển khai tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, đảm bảo chế độ, quyền lợi giành cho người có công, gia đình chính sách...
20/01/2014