Vai trò quản lý nhà nước về tài nguyên được nâng cao

12:00, 29/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất, nước đã có sự chuyển biến rất đáng khích lệ. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã góp phần hiệu quả ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép, các điểm khai thác vàng trái phép đã được kiểm soát; việc hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn được thực hiện đúng quy trình từ khâu thẩm định đến cấp giấy phép... Đồng chí Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN-MT chia sẻ như vậy.



Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra khu vực xả thải của Nhà máy tuyển, luyện tinh quặng sắt Tùng Bá.


Qua một năm đồng hành cùng với hoạt động của ngành TN-MT, chúng tôi hiểu những bất cập do yếu tố lịch sử để lại trong quản lý tài nguyên khoáng sản, để khắc phục, chấn chỉnh được đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Bản thân người viết bài đã tham gia nhiều cuộc kiểm tra trực tiếp tại hiện trường các khu vực khai thác khoáng sản, các nhà máy tuyển luyện khoáng sản, rồi tham dự đợt kiểm tra 27 doanh nghiệp với 32 dự án khai thác khoáng sản. Điểm qua một vài dự án của các doanh nghiệp để thấy rõ hơn ý thức chấp hành pháp luật, cũng như tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư khi được cấp phép, đồng thời qua đó cũng nhận thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý nguồn tài nguyên của đất nước. Dự án khai thác khoáng sản mỏ sắt Bản Đén, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận (GCN) đầu tư cho liên doanh giữa Công ty TNHH Thái Dương với Công ty Cổ phần luyện kim màu Hà Giang có công suất khai thác 30 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm, chế biến trên 19 nghìn tấn tinh quặng/năm, diện tích sử dụng đất trên 30 ha, tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. GCN đầu tư được cấp ngày 24.7.2009, với thời gian đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ khai thác 14 tháng, nhưng kể từ ngày được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, liên doanh này vẫn chưa có sản phẩm, chưa tạo được nguồn thu cho ngân sách. Không những vậy, khi kiểm tra thực tế cho thấy liên doanh này còn thiếu quá nhiều các thủ tục cần thiết phải có của một dự án khai thác khoáng sản.


Khát vọng làm giàu từ khoáng sản vẫn gặp muôn vàn khó khăn, bởi lẽ có quá nhiều nhà đầu tư được UBND tỉnh cấp phép khai thác, cấp GCN đầu tư nhưng do cả chủ quan và khách quan đã để dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi các giấy phép đã cấp nhưng vi phạm quy định tại khoản 1, điều 58 Luật khoáng sản. Trước mắt, khẩn trương rà soát đối với 15 giấy phép khai thác Mangan cấp từ tháng 3-7.2009, nếu đơn vị nào chưa triển khai thì thu hồi; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 3 giấy phép đã cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Á tại mỏ Mangan Khuôn Then, Ngọc Lâm, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) và Công ty TNHH chè Xuân Giang với mỏ Mangan Nậm Nhùng, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên). Các giấy phép trên đã vi phạm quy định tại điều 33 Luật khoáng sản, UBND tỉnh đã có văn bản thông báo các doanh nghiệp phải hoàn thiện, khắc phục hồ sơ, thủ tục để đưa mỏ vào hoạt động khai thác trong thời gian 90 ngày, tuy nhiên các đơn vị vẫn không khắc phục vi phạm.


Cũng liên quan đến vấn đề chậm tiến độ, năm qua Tổ công tác liên ngành do Sở TN-MT làm Tổ trưởng tiến hành làm việc với 27 doanh nghiệp nắm quyền khai thác 32 mỏ nhằm xác định, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác nhưng triển khai chậm tiến độ, có dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều chậm tiến độ so với GCN đầu tư, thiếu thủ tục theo quy định của pháp luật. Tình trạng trên xuất phát từ chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu năng lực của chính bản thân nhà đầu tư, nhưng cũng có phần lỗi do các cơ quan quản lý nhà nước không thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, không sớm đưa ra cảnh báo, tham mưu UBND tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời, giúp các nhà đầu tư nâng cao nhận thức, từng bước tháo gỡ khó khăn. Từ thực trạng đó, tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 5 giấy phép khai thác khoáng sản do chủ đầu tư vi phạm những quy định của pháp luật về khoáng sản.


Liên quan đến vai trò quản lý nhà nước, Thanh tra Sở TN-MT đã chủ động kiểm tra 22 dự án khai thác, chế biến khoáng sản, 5 dự án thuỷ điện. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi 1 chủ trương đầu tư, 3 giấy chứng nhận đầu tư của các dự án thuỷ điện; thu hồi 1 giấy chứng nhận đầu tư, 2 giấy phép khai thác khoáng sản, truy thu quỹ phục hồi môi trường số tiền 85 triệu đồng; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt và Thanh tra sở xử phạt theo thẩm quyền với tổng số tiền trên 500 triệu đồng đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm Luật đất đai, Luật khoáng sản, môi trường.


Tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú cả về kim loại và phi kim với trên 250 mỏ, điểm mỏ, 28 loại khoáng sản. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh này, có 98 tổ chức, doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Nhưng trong số đó, có nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Và các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng vừa nhằm mục đích chấn chỉnh, vừa nâng cao được nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Qua đó, mọi người cùng có ý thức chấp hành để nguồn tài nguyên, khoáng sản thực sự đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh.


Ngoài ra, lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai cũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong công tác bồi thường, GPMB ngành TN-MT đã tập trung giải quyết những vướng mắc tại các dự án như KCN Bình Vàng, khu tái định cư đường Cầu Mè - Hà Phương, kết quả đã thẩm định 65 dự án, tổng giá trị thẩm định trên 51 tỷ đồng. Trong năm đã lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thông báo địa điểm giao đất cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh 42 hồ sơ với diện tích trên 57 ha, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức được 475 giấy. Về tiến độ cấp giấy chứng nhận theo dự án tổng thể, với phương châm thực hiện đo vẽ bản đồ xong đến đâu, triển khai cấp giấy chứng nhận đến đó và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý có hệ thống, kết quả đã thực hiện được 65 nghìn giấy, đạt 214% kế hoạch giao.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - một năm nhìn lại
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ đột phá của tỉnh đã đề ra, vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng lao động có phẩm chất và năng lực ngày càng cao. Để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ năng lực phục vụ cho yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt là sự phát triển chương trình, dự án có tính chiến
29/01/2013
Mùa Xuân ở Trường Sa – nhớ về Hà Giang cực Bắc Tổ quốc
Đối với quân dân huyện đảo Trường Sa, không khí vui xuân đón Tết luôn về sớm hơn các miền quê khác của đất nước. Chuyến tàu cuối năm thay quân và mang hàng Tết ra đảo, chuyến tàu mang mùa xuân và không khí Tết đến với quân dân huyện đảo. Mùa xuân nơi đảo xa thật thanh bình, sóng biển vỗ rì rào hòa trong tiếng gió thổi vi vu như lời ru của mẹ; tất cả gợi lên một cuộc sống yên
29/01/2013
Lên miền đá Đồng Văn
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Tôi rạo rực ngược đường lên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hơn 30 năm trước, tôi đã ở đây, chứng kiến sự chiến đấu, hi sinh để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bây giờ lên đấy không phải đi bộ nữa. Cột cờ Lũng Cú đã xây lại hoành tráng, uy nghiêm, sừng sững nơi đỉnh đầu Tổ quốc...
29/01/2013
Xuân về nắng ấm Hà Giang
HGĐT- Những ngày cuối năm này, cái rét của miền địa đầu tổ quốc dường như dịu bớt bởi một mùa xuân mới đang đến rất gần với nhiều phấn khởi về một năm nỗ lực vươn lên, gặt hái nhiều thành tựu trong phát triển KT – XH, XĐGN của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang.
29/01/2013