Vị Xuyên: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

16:49, 01/06/2011

HGĐT- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


 

 Giờ thực hành nghề hàn ở trường Trung cấp Nghề Hà Giang.


Xuất phát từ quan điểm đó, trong những năm qua, công tác dạy nghề ở Vị Xuyên ngày càng được quan tâm phát triển, chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên, nhiều loại hình ngành nghề được mở rộng và đa dạng hóa về hình thức dạy nghề như: Dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện; dạy nghề lưu động tại các xã, thôn bản; dạy nghề xuất khẩu lao động; dạy các nghề truyền thống, ngành nghề mới và chuyển giao kỹ thuật nông, lâm nghiệp... Các mô hình dạy nghề đã phần nào đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết được việc làm tại chỗ, đi xuất khẩu lao động và đi làm tại các khu công nghiệp trong nước. Tính đến nay đã có trên 30% người học nghề sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm tại chỗ, nhiều nông dân sau khi học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ.


Tính đến hết năm 2010, dân số Vị Xuyên có hơn 96 nghìn người, trong đó dân số ở nông thôn 80 nghìn người, chiếm 82% dân số. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dân số Vị Xuyên là dân số trẻ, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 43% dân số toàn huyện. Qua điều tra tổng hợp nhu cầu học nghề toàn huyện năm 2010, có trên 14.600 người có nhu cầu học nghề, chiếm 36% người trong độ tuổi lao động. Nắm bắt được nhu cầu học nghề và để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, ngay từ năm 2007, UBND tỉnh đã Quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên, nhằm mục đích tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng nghề cho người lao động; đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật phục vụ sản xuất trực tiếp cho các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế ngay tại địa bàn... Trong hơn 4 năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên đã cơ bản đáp ứng được mục đích yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng trong huyện có trình độ kỹ thuật trung cấp, sơ cấp nghề, bước đầu phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Đồng thời tạo cho người lao động có khả năng, cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Qua 4 năm, Trung tâm đã đào tạo nghề cho gần 6.000 lao động, trong đó có 1.000 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án 1956; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 28%.


Hiện nay Trung tâm có đội ngũ cán bộ, giáo viên 15 người, trong đó có trên 70% giáo viên đạt trình độ đại học và cao đẳng. Trong hoạch định chiến lược để phát triển giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo, Trung tâm Dạy nghề đang thể hiện rõ là nơi đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực, làm động lực để chuyển giao khoa học công nghệ, phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương.


Với phương châm đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của địa phương, giai đoạn này, Trung tâm đề ra mục tiêu cho đào tạo nghề cho 5.850 lao động, trong đó đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 5.675 lao động nông thôn; đào tạo trình độ Trung cấp 145 lao động; đào tạo trình độ Cao đẳng 30 lao động. Khoảng 65% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp; 35% lao động nông thôn được học nghề phi nông nghiệp. Trong đó 70% người học nghề là lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế… tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này đạt trên 50%. Phấn đấu đến hết năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 35%.


Hy vọng với những giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ, trên tinh thần xã hội hóa công tác đào tạo nghề từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Vị Xuyên sẽ nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư dành cho lĩnh vực phát triển đào tạo nghề, cùng với những chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời để người dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nông thôn, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện, nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.


HỮU THỤY

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khát vọng làm giàu
Thay đổi cuộc sống của mình cũng như của địa phương là khát vọng của nhiều bạn trẻ trong số 300 thanh niên được lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến học tập làm theo lời Bác diễn ra đầu tháng 6 tại TPHCM.
31/05/2011
Hội thảo về đào tạo công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã
HGĐT- Ngày 27.5.2011, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo về đào tạo công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
30/05/2011
Lịch sử Ngày thế giới vì tuổi thơ
NGÀY 1/6 HÀNG NĂM, CHÚNG TA LÀM THẬT NHIỀU ĐIỀU ĐỂ ĐƯỢC THẤY CÁC EM NHỎ NỞ NHỮNG NỤ CƯỜI RẠNG RỠ. BỞI VÌ VÀO NGÀY 1/6/1942, MỘT TỘI ÁC KHÔNG THỂ DUNG THỨ ĐƯỢC ĐÃ GIÁNG LÊN SỐ PHẬN CỦA HÀNG TRĂM TRẺ EM. NHÂN LOẠI TIẾN BỘ RƠI NƯỚC MẮT. NHÂN LOẠI QUYẾT ĐỊNH RẰNG: CẦN PHẢI CÓ MỘT NGÀY NHẮC NHỞ THẾ GIỚI HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM!
30/05/2011
TTXVN giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh ta
HGĐT- TTXVN tại Hà Giang phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam(CĐDC)/dioxin tỉnh vừa tổ chức đến thăm và tặng quà cho 5 gia đình nạn nhân CĐDC huyện Vị Xuyên, mỗi suất quà trị giá 1.000.000đ, trích từ Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN. Đây là năm thứ 5 (từ năm 2006) Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN triển khai tặng quà cho hơn 30 gia đình nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh ta.
27/05/2011