Ngành Giao thông - Vận tải: Chủ động phòng, chống bão, lũ, bảo đảm an toàn giao thông
BHG - Ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh ta được Bộ GTVT và UBND tỉnh giao nhiệm vụ chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực GTVT trên địa bàn toàn tỉnh và trực tiếp sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) 15 tuyến đường với tổng chiều dài 821 km. Trong đó có 4 tuyến Quốc lộ với chiều dài 363,5 km và 11 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 457,5 km. Để chủ động trong công tác phòng, chống lũ, bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do bão, lũ có thể xảy ra trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp; ngay từ đầu năm 2016, ngành đã xây dựng Kế hoạch và phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trước, trong và sau mưa lũ.
Mặc dù các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; trong khi, lưu lượng phương tiện vận tải ngày càng gia tăng nên nhiều tuyến đường dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Tiêu chuẩn, chất lượng các tuyến tỉnh lộ còn nhiều hạn chế như: Mặt đường nhỏ hẹp, nhiều tuyến chưa vào cấp kỹ thuật, địa hình hiểm trở, thường xuyên xảy ra sạt lở vào mỗi mùa mưa. Bên cạnh đó, do cấu tạo địa chất, khả năng kết dính không cao nên khi có mưa lớn kéo dài thì các tuyến đường đều dễ xảy ra tình trạng sạt lở với khối lượng lớn gây nguy hiểm, cản trở lưu thông. Nhìn lại mùa mưa, bão năm 2015; do mưa lớn kéo dài nên hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đều ít nhiều bị sạt lở, hỏng nền, mặt đường và rãnh thoát nước dọc trên một số tuyến; đặc biệt là Quốc lộ 4C, 279 và tuyến đường Tráng Kìm – Đường Thượng,... khối lượng hư hỏng cục bộ lớn gây tắc giao thông.
Xe đảm bảo giao thông thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, nhằm kịp thời ứng phó tại chỗ khi có sự cố sạt lở đường bảo đảm giao thông. |
Xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch để chủ động phòng, chống và đề ra phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Đặc biệt là các tuyến có nhiều đèo dốc nguy hiểm, những tuyến nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Cũng trong thời gian này, công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ được các đơn vị chức năng của ngành thực hiện thường xuyên, liên tục. Ban quản lý dự án đường bộ thường xuyên phối hợp với các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường, tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống đường tỉnh lộ và Quốc lộ; rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ. Các Hạt quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn. Đối với các dự án đang triển khai, Sở chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công dứt điểm từng hạng mục công trình; đồng thời chủ động xây dựng phương án bảo đảm ATGT trên đoạn, tuyến thi công; kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi mưa, lũ, xảy ra.
Để phòng, chống lũ, bão nhằm bảo đảm ATGT, lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Xác định bảo đảm giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong mỗi mùa mưa, lũ; nên ngay từ những tháng đầu năm, Sở GTVT đã kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; xây dựng các phương án ứng phó, khắc phục. Công tác thường trực phòng, chống thiên tai được triển khai từ tháng 5 đến tháng 10, tổ chức trực 24/24h để nắm chắc diễn biến tình hình mưa, lũ; sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó khi có nguy cơ mất an toàn như sạt lở, tắc đường. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra những vị trí xung yếu, chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực, vật lực để khi có lệnh huy động là ứng cứu được ngay. Khi xảy ra sạt lở, ách tắc yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố để thông xe trong thời gian sớm nhất, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn...
Bằng các phương án, ngành GTVT đã chuẩn bị vật tư, vật liệu như rọ thép, thuốc nổ dự trữ tại các Hạt quản lý đường bộ trên tuyến; cùng đó, chuẩn bị vật tư dự phòng khi có sự cố về cầu, cụ thể: Tại khu vực 3 huyện phía Nam như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và 2 huyện phía Tây Hoàng Su Phì, Xín Mần và khu vực Thành phố Hà Giang, huyện Bắc Mê, cùng với 4 huyện vùng cao, khi có sự cố về cầu; sẽ sử dụng các bộ dầm cầu để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của các phương tiện giao thông. Về nhân lực, vật tư, máy móc cũng sẵn sàng túc trực, nhất là khi có tình huống xảy ra sử dụng công nhân của Công ty Đường bộ I, II gồm 18 Hạt quản lý đường bộ dọc các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ kịp thời khắc phục ngay. Trong trường hợp khối lượng quá lớn, sẽ huy động lực lượng các nhà thầu và lực lượng lao động địa phương tại chỗ hỗ trợ, đảm bảo thông xe nhanh nhất. Cùng với đó, sử dụng các thiết bị máy móc của 2 Công ty trên và huy động lực lượng của địa phương trên tuyến đường đi qua.
Ngoài ra, Sở GTVT đã xây dựng phương án phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng và đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn. Tất cả các đơn vị trong ngành, quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ), sẵn sàng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc