Sức sống mới ở Khuổi Hốc

08:13, 31/08/2016

BHG - Mang theo ký ức về con đường gian khó, những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại thôn Khuổi Hốc, xã vùng III - Đông Thành (Bắc Quang). Cách đây khoảng 10 năm, đường vào thôn Khuổi Hốc chỉ có một lối mòn duy nhất dài hơn 10 km, đất đá lởm chởm, người dân nơi đây thống kê, muốn ra xã phải lội tới 14 con suối và đi mất gần 3 tiếng đồng hồ. Đường đi lại khó khăn dẫn đến kinh tế chậm phát triển, người dân Khuổi Hốc như bị “cô lập” hơn với bên ngoài. Thế nhưng, lần trở lại này, khuôn mặt bà con rạng rỡ hơn và lòng người như hứng khởi hơn, bởi thời gian đi chỉ còn chưa đầy nửa tiếng đồng hồ... Khuổi Hốc hiện ra thật đẹp dưới cái nắng vàng dịu nhẹ, mảnh đất xinh đẹp, hoang sơ với những nếp nhà nép mình bên sườn núi; những đồi cam, nương chè vươn mình đón gió nơi non xanh. Bà con nơi đây tươi cười bảo: “Tất cả là nhờ công lao bác Bàn Văn Tồn, người đã tìm ra con đường tránh lũ để cho dân mình thoát nghèo đấy!”

Người cán bộ mở đường “hiếm có”

Đó là lời ngợi khen của lãnh đạo xã Đông Thành và bà con thôn Khuổi Hốc về ông Bàn Văn Tồn, nguyên Trưởng thôn Khuổi Hốc từ năm 2000 – 2013, hiện ông đang làm Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn. Dù đã 62 năm tuổi đời, mắt đã mờ, chân đã mỏi; nhưng ông vẫn đam mê, nhiệt tình với công tác thôn, bản.

Niềm vui của bà con trên con đường tránh lũ thôn Khuổi Hốc.
Niềm vui của bà con trên con đường tránh lũ thôn Khuổi Hốc.

Bà con trong thôn tâm sự: Từ năm 2004 trở về trước, đường vào thôn đi lại rất khó khăn, cứ vài trăm mét lại phải đi qua suối. Chưa kể có những người ốm nặng phải mất mạng vì đường xa và trời mưa, lũ lụt không kịp đi ra trạm xá xã như trường hợp của anh Hoàng Văn Nam... Hầu hết chị em trong thôn đều sinh con tại nhà. Trẻ em ở đây, học lưu ban là chuyện bình thường, bởi cứ đến mùa mưa hay bị sạt lở đất là các em lại nghỉ học, dễ đến 2, 3 năm mới lên được một lớp. Nông sản như lúa, ngô, cam... đều khó đem đi bán, hoặc có bán được thì không lãi bao nhiêu vì đoạn đường ra xã vất vả quá. Cái đói, nghèo cứ như dài ra, nặng bước theo con đường đến trường của các em nhỏ Khuổi Hốc.

Nhưng bây giờ đường vào thôn thuận tiện hơn nhiều. Đó là nhờ công lao rất lớn của ông Tồn, người đã tìm ra con đường tránh lũ mang lại hy vọng thoát nghèo cho nhân dân Khuổi Hốc. Cuối năm 2003, ông Tồn lên rừng tự tìm hiểu thiết kế con đường tránh lũ, ông đã bán đi tài sản to nhất của gia đình năm 2003 là một con trâu to để lấy chi phí ban đầu thuê máy ủi đường. Khi đã lên kế hoạch, ông vận động tất cả bà con trong thôn ký tên vào tờ đơn xin mở đường gửi xã, huyện và cơ quan chức năng. Vì con đường sẽ xuyên qua những cánh rừng của Công ty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo, nên ông đã trực tiếp lên làm việc với Ban Giám đốc Công ty tìm sự đồng thuận. Cuối cùng với sự đóng góp hàng trăm ngày công lao động của bà con và sự nhiệt tình của ông Tồn, con đường tránh lũ rộng 5 mét, dài 2,5 km đã hoàn thành. Mỗi năm, con đường lại rộng mở thêm. Nếu trước kia bà con ra đến trung tâm xã mất hơn 2 tiếng đồng hồ, đến nay chỉ còn 30 phút. Hiện nay, điều khiến ông Tồn mong mỏi nhất là con đường đất ông đã mở sẽ được chính quyền địa phương và Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông, để bà con đi lại bớt lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa.

Anh Nguyễn Doãn Chương, nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết: “Ông Tồn là người rất tâm huyết và có trách nhiệm với bà con nhân dân. Hiếm có người nào tìm và mở ra được con đường vào thôn, đem lại cuộc sống mới ấm no cho bà con như ông. Từ khi có con đường, tỷ lệ hộ nghèo của thôn Khuổi Hốc giảm đi đáng kể, việc buôn bán thuận lợi và đang dần xuất hiện những mô hình kinh tế tiềm năng, có triển vọng làm giàu ở thôn”.

Khuổi Hốc đang từng ngày đổi thay...

Thực tế cho thấy, từ khi có con đường, đời sống của bà con đã đổi thay đáng kể. Dưới những nếp nhà sàn nhỏ xinh, vườn cam, đồi chè rộng mênh mông, bà con phấn khởi đi lại, trẻ em nô nức đến trường,... là minh chứng rõ rệt cho những đổi thay của Khuổi Hốc. Hiện nay, thôn Khuổi Hốc có 51 hộ với 239 khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao và Mông. Nếu năm 2004 - 2005, tỷ lệ hộ nghèo của thôn trên 90%, cả thôn chỉ có 3 chiếc xe máy thì hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 47% (theo chuẩn nghèo mới), hầu hết nhà nào trong thôn cũng có xe máy. Hiện, trong thôn đã có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, có thu nhập từ 100 - 700 triệu đồng/năm, điển hình như hộ: Đặng Văn Thái, Phàn Văn Vàn, Trâu Anh Pha đều trồng cam. Và đặc biệt, Khuổi Hốc trở thành một trong những thôn tập trung những hộ khá giả nhất xã. Khuổi Hốc ngày càng khởi sắc, KT- XH phát triển, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường luôn đạt 100%. Phong trào khuyến học được các gia đình quan tâm; việc cưới, tang được tổ chức theo nếp sống mới, loại bỏ hủ tục lạc hậu, an ninh trật tự được giữ vững.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, chị Hoàng Thị Yến - Bí thư Chi bộ thôn cùng bác Tồn đưa chúng tôi đi tham quan quanh thôn. Ông Đặng Văn Thái, một hộ trồng cam nhiều nhất và giàu nhất thôn cho biết: “Nhờ chuyển đổi đất trồng ngô, nương đồi sắn sang trồng hơn 1 ha cam, năm vừa rồi nhà tôi cũng thu được trên 700 triệu đồng. Có đường mới đi rồi, thuận lợi lắm, xe ô-tô thương lái còn vào gần được tận nơi mua. Việc ép giá ít xảy ra, mình cũng có nhiều lựa chọn cho đầu ra sản phẩm. Nhà có người ốm đau với sinh nở ra trạm y tế, bệnh viện huyện nhanh hơn rồi. Không như trước, cứ cáng qua suối xong để bệnh nặng còn mất mạng”.

Bắt gặp nụ cười tươi trong buổi chiều tà của phụ nữ người Dao đi làm nương về, đôi chân không ngừng bước, miệng cười rôm rả, tôi cảm thấy hứng khởi với những đổi thay của Khuổi Hốc. Tuy chưa được đổ bê-tông, nhưng đường đi đã dễ hơn, nhanh hơn gấp bội. Đứng trên đồi cao, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy bức tranh vùng quê Khuổi Hốc với gam màu tươi sáng hiện ra ngày càng rõ nét. Chia tay chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn, Hoàng Thị Yến gửi gắm tâm sự: “Đường đi thì ngắn lại, thời gian thì đi nhanh hơn rồi, chỉ còn thiếu cái đường bê tông vào thôn thôi, mong chính quyền địa phương và Nhà nước quan tâm hơn hỗ trợ bà con làm đường bê-tông nữa là dân mừng và biết ơn lắm rồi”.

Bài, ảnh: MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Bảo Việt Nhân Thọ Hà Giang tổ chức Ngày hội khách hàng

BHG - Chiều 27.8, tại Nhà khách Hà An (TP. Hà Giang), Công ty Bảo Việt Nhân Thọ (BVNT) Hà Giang (thuộc Tổng Công ty BVNT) tổ chức Ngày hội khách hàng với chủ đề "20 năm gắn kết yêu thương".

28/08/2016
Sẻ chia các hoạt động nghĩa tình vì đồng đội

BHG - Sau khi chiến tranh qua đi, các hội viên (HV) Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh trở về với cuộc sống đời thường. Có những người không may mắn khi cuộc sống ở quê nhà còn đó những khó khăn, trên thân mình lại mang vết thương, bệnh tật, sức khỏe yếu không làm ăn, phát triển kinh tế được. Để chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội của mình vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, Hội CCB tỉnh đã phát động nhiều phong trào để giúp đỡ HV phát triển kinh tế gia đình. 

27/08/2016
Giải pháp cho việc quản lý lao động tự do qua biên giới

BHG - Như nội dung đã đề cập ở số báo trước, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh ta vẫn có chiều hướng gia tăng. Biết rằng lao động "chui" là vi phạm pháp luật, nhưng họ vẫn lao vào mà không lường được hậu quả.

27/08/2016
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

BHG - Liên tiếp những vụ đuối nước trẻ em thương tâm xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước trong mùa Hè này, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội về sự an toàn tính mạng của trẻ nhỏ.

25/08/2016