"Nơi tình yêu bắt đầu" ...

11:07, 21/06/2016

BHG- Tháng 6 mùa hè với sắc đỏ hoa phượng và những cơn mưa rào vội đến rồi vội đi, gợi tôi nhớ lại những kỷ niệm, những câu chuyện tuổi thơ và cũng là nhân duyên cho tôi ước mơ, tình yêu và sự gắn bó với nghề làm báo. Những ngày này, khắp nơi trên dải đất hình chữ S đang tràn ngập không khí tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm ngày 21.6 – ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để cả xã hội tôn vinh nghề làm báo – nghề đầy gian nan, thử thách.

Phóng viên nữ Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sở.
Phóng viên nữ Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sở.

Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử từ tờ Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21.6.1925, đã để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hơn 90 năm qua, lịch sử báo chí gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng Việt Nam. Cũng ngần ấy năm, những chị em cùng với phái mạnh xung phong trên mặt trận tư tưởng.

Khi còn nhỏ, được nghe đài, đọc báo và xem truyền hình tôi rất hứng thú và hâm mộ những người làm báo. Tuổi ấu thơ, tôi chưa hiểu nhiều về công việc của các phóng viên, cũng như vai trò của báo chí đối với sự phát triển của xã hội. Khi đó, tôi chỉ biết rất ngưỡng mộ những người làm phóng viên, được đi đây đó nhiều, chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm báo. Vì thấy được đi nhiều thì thích thật, nhưng cũng vất vả và nguy hiểm quá. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ mình sẽ trở thành một cô giáo và gắn bó với nghề dạy học, vì mẹ bảo con gái làm giáo viên sẽ an phận và dễ lấy chồng hơn. Rồi như một nhân duyên, tôi đến với  cơ quan Báo Hà Giang một cách tình cờ hiếm có.

Những ngày đầu làm báo ở Hà Giang, kỷ niệm đầu tiên bằng chuyến đi huyện vùng cao Mèo Vạc, các tiêu chí: Đôi chân không bao giờ được mỏi và có tình yêu nghề tha thiết. Để lại cho tôi bao cảm xúc ấn tượng, không bao giờ quên. Vậy mà đến thăm xã các Sủng Máng, Khâu Vai, Sơn Vĩ của Mèo Vạc, tôi phát hiện ra những tiêu chí ấy chưa đủ. Đến nhà dân, vừa ngồi nói chuyện rôm rả, chuẩn bị hỏi số liệu cho bài viết, thì chủ nhà bày mâm cơm và mang rượu ra mời. Tôi ngỡ ngàng, nhưng vẫn đề cập vào công việc, chủ nhà xua tay, có uống một tý thì làm việc nó mới phấn khởi cô nhà báo ạ. Lo không lấy được số liệu và hình ảnh để viết bài, tôi chần chừ nhìn xong đành ngồi vào cuộc. Rồi đúng thật, bà con hào hứng kể cho tôi nghe biết bao khó khăn của thôn, những cố gắng phát triển kinh tế của họ.

Tôi còn nhớ như in lần đi vào xã Đức Xuân (Bắc Quang), tôi đến thăm một thôn khó khăn phải ngủ lại không về được. Lời bà con vẫn như văng vẳng bên tai: “Cán bộ biết đồng bào nghèo, thì phải ăn, ở cùng mới biết, chứ đừng đến một tý rồi đi luôn không biết cái khổ thật đâu”. Vậy đó, làm báo cho người vùng cao không chỉ có tình yêu nghề, mà còn bằng sự kiên nhẫn, bằng tình thương yêu, sự cảm thông với bà con dân tộc, những con người còn nghèo khó, cuộc sống còn đầy rẫy nhưng gian khổ... Phải đến với họ như những người bạn chân thành và chung thủy.

Có dịp tôi đi xã Nàn Sỉn (Xín Mần), được thấu hiểu cuộc sống của những thầy cô giáo vùng cao. Mới thấy tuyến đường đến với điểm trường của xã giáp biên này gập ghềnh và trắc trở như sự nghiệp trồng người, quanh năm sống với núi rừng, mây mù bao phủ này. Song những thầy cô giáo nơi đây, vẫn miệt mài đưa con chữ đến với học trò nghèo vùng giáp biên Việt - Trung, giữa đại ngàn heo hút. Tiếp tục đến với thôn Ma Dì Vảng của Nàn Sỉn, vào nhà dân có hoàn cảnh khó khăn cùng lãnh đạo xã và trưởng thôn. Tôi thấy chạnh lòng cho bà con và những đứa trẻ vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Tôi nhận ra rằng: Để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phải thấu hiểu được vì sao họ nghèo và tìm giải pháp giúp đỡ họ tháo gỡ. Phải tuyên truyền cho cán bộ và bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì và có những chính sách, dự án hỗ trợ nào phù hợp.

Thiết nghĩ, ở nơi địa đầu Tổ quốc, mảnh đất khó thì nhiều, dễ chỉ duy nhất lòng dân thật thà, chịu khó. Tác nghiệp phải thường xuyên đi cơ sở với giải pháp, đôi khi là “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng hiểu. Là cách tốt nhất để thấu hiểu và trải nghiệm cuộc sống của bà con. Rồi đồng bào ăn mèn mén thì mình cũng ăn mèn mén, uống rượu ngô thì mình thử rượu ngô, rồi cùng góp phần tuyên truyền, chỉ cho bà con cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giàu, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh... Với tôi đó là niềm hạnh phúc, là sự lựa chọn, là nơi tôi bắt đầu tình yêu với nghề làm báo... ở Báo Hà Giang.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến với điểm trường vùng biên

BHG- Đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, men theo con đường vượt qua mấy đỉnh núi, đến gần với đường biên giới cột mốc 179. Điểm trường nằm trên ngọn núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ... Đó là kỷ niệm của tôi về chuyến đi tác nghiệp vào dịp cuối năm 2015 đến với thôn Thào Chư Ván, một thôn vùng biên xa nhất và khó khăn nhất của xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần). Một chuyến đi để lại nhiều trải nghiệm thú vị cho một phóng viên trẻ về cuộc sống và con người nơi địa đầu của Tổ quốc.

21/06/2016
Chuyện vui đi rừng

BHG- Đi rừng, ấy là chuyện bình thường của anh em phóng viên vùng cao, nhất là ở Hà Giang. Hầu hết bà con các dân tộc ở đây đều làm nương rẫy, trồng cấy ở trên cao; thậm chí, một số dân tộc còn có thói quen làm nhà ở trên những sườn núi cao quanh năm giăng phủ sương mờ. 

21/06/2016
Những nỗi niềm trăn trở với nghề

BHG- Nhiều người nói với tôi: "Nhà báo các anh thích thật, được đi nhiều nơi, biết nhiều điều...". Đúng, những người làm báo, cụ thể là lực lượng phóng viên, nhà báo trực tiếp tác nghiệp tại cơ sở phải đi nhiều nơi và tiếp cận với nhiều vấn đề và nhiều thành phần xã hội thì mới có những tác phẩm sâu, sát và chân thực nhất. 

21/06/2016
"Thắp lửa" sáng tạo báo chí

BHG- Sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 91 năm vẻ vang, hào hùng và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.

21/06/2016