Chuyện vui đi rừng

10:59, 21/06/2016

BHG- Đi rừng, ấy là chuyện bình thường của anh em phóng viên vùng cao, nhất là ở Hà Giang. Hầu hết bà con các dân tộc ở đây đều làm nương rẫy, trồng cấy ở trên cao; thậm chí, một số dân tộc còn có thói quen làm nhà ở trên những sườn núi cao quanh năm giăng phủ sương mờ. Vậy nên, viết báo, nhất là đưa tin về tình hình thời vụ của người dân thì không thể thiếu những chuyến đi rừng, để đến tận từng gia đình tham quan mô hình sản xuất của họ hoặc lên nương rẫy cùng với nhân dân các dân tộc. Trong mỗi chuyến đi như thế, ngoài sự vất vả, người phóng viên còn thu hoạch được cả những niềm vui, kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ trong nghề nghiệp của mình.

Ăn mỳ tôm ở lán trông nương của người dân xã Tả Ván (Quản Bạ).
Ăn mỳ tôm ở lán trông nương của người dân xã Tả Ván (Quản Bạ).

Bước vào đầu năm mới, khi mà ở các thôn, bản vùng cao hãy còn chìm trong giá rét, hàng loạt diện tích thảo quả bị chết vì sương giá và băng tuyết. Bà con lo lắng vì thảo quả, cán bộ xã cũng lo lắng vì thảo quả chết quá nhiều. Đối với người dân ở vùng cao, thảo quả là nguồn thu nhập chính trong gia đình, có hộ thu nhập một năm lên tới cả trăm triệu đồng đều nhờ vào nó. Không có thảo quả đồng nghĩa với việc nhiều nhà sẽ lại rơi vào diện nghèo trong vài năm. Trước tình hình thời sự nóng bỏng này, đương nhiên là không thể thiếu sự có mặt của cánh phóng viên đưa tin, để từ đó các cấp, ngành tăng cường sự vào cuộc, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn.

Ấy thế là chuyến đi rừng của chúng tôi bắt đầu, có mặt tại xã Tả Ván, huyện Quản Bạ để đi xem tình hình thực tế về thảo quả. Do thời tiết lạnh, trước khi đi lên rừng thảo quả, mấy anh chị em đều mặc quần áo ấm, khoác cả áo mưa ở bên ngoài do trời mưa phùn. Thế mà chỉ sau khoảng 1 tiếng đi bộ leo rừng, mọi người đều lột hết áo khoác ra xách bên ngoài, mồ hôi thì chảy dòng dòng. Chỉ vì cái tính lo xa của mình mà mỗi người chúng tôi phải vác đồ nghề khoảng 4 – 5 kg để leo rừng. Thảo quả là loại cây ưa lạnh, vì thế chúng được trồng ở tít trên những đỉnh núi cao, để tới được vạt rừng thảo quả, người ta phải đi bộ mất cả ngày trời. Thường thì những hộ trồng thảo quả sẽ có lán ở trên rừng để lên tới nơi thì nghỉ ngơi, ăn uống. Thậm chí, những rừng ở xa người dân địa phương sẽ ăn ngủ luôn tại đấy.

Với đề nghị lãnh đạo xã đưa đi xem tình hình thực tế, đương nhiên chúng tôi chỉ biết đi theo cán bộ xã mà chẳng biết chỗ rừng thảo quả bị chết ở bao xa. Đã qua giờ trưa, mọi người leo núi đều thấm mệt, xong do không chuẩn bị, nên cũng chẳng ai mang theo đồ ăn, nước uống. Đến được một chiếc lán trông nương của người dân, chúng tôi vào xin đồ ăn. Được chủ nhà nhiệt tình đi hái rau cải trồng ở xung quanh, nhặt thêm vài quả trứng gà, tìm một cái nồi cho mấy gói mỳ tôm vào nấu, thế là có ngay một bữa ăn. Do ở trên cao nên cũng chẳng lấy đâu ra nhiều nước, nồi tráng qua một ít, dội tí nước vào bát, thế mà anh em vẫn ăn ngon lành.

Chẳng còn gì sướng bằng được trú ở trong lán, tránh gió rét đang thổi vù vù bên ngoài và được ấm cái bụng. Thế mới thấy, cuộc sống có nhiều niềm vui rất đơn giản, không phải cứ ăn sơn hào hải vị mới gọi là hạnh phúc. Thiết nghĩ, mấy ông đầu bếp tây sang Việt Nam thưởng thức ẩm thực phải thử ngay món ăn của chúng tôi, rau cải tươi, trứng gà thơm giữa lưng núi. Do thời gian không có nhiều, chúng tôi lại vội vã lên đường để kịp xuống núi khi trời tối. Do chân đã quen lối hơn nên cuối cùng chúng tôi cũng kịp tiến độ làm việc.

Qua một chuyến tác nghiệp này, ngoài việc có thông tin, hình ảnh để viết tin, bài, chúng tôi còn hiểu hơn về cuộc sống của người dân ở vùng đó, về các phong tục tập quán, những nỗi lo thường nhật của bà con. Đúng như lời các cụ dạy “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, càng đi nhiều, chúng tôi càng cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống, đó cũng chính là cái thú của nghề này.

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những nỗi niềm trăn trở với nghề

BHG- Nhiều người nói với tôi: "Nhà báo các anh thích thật, được đi nhiều nơi, biết nhiều điều...". Đúng, những người làm báo, cụ thể là lực lượng phóng viên, nhà báo trực tiếp tác nghiệp tại cơ sở phải đi nhiều nơi và tiếp cận với nhiều vấn đề và nhiều thành phần xã hội thì mới có những tác phẩm sâu, sát và chân thực nhất. 

21/06/2016
"Thắp lửa" sáng tạo báo chí

BHG- Sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 91 năm vẻ vang, hào hùng và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.

21/06/2016
"Đi càng khó, viết càng dễ"

BHG- Đã vài năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp dưới Hà Nội có chuyến công tác lên vùng cao Hà Giang tâm sự lại rằng: "Mảnh đất cực Bắc quả thật nhiều khó khăn. 

21/06/2016
Đừng bao giờ từ bỏ ngọn lửa đam mê!

BHG- Đam mê, một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ công việc nào nếu bạn muốn đi đến thành công. Với nghề báo, một nghề lắm gian nan, vất vả thì ngoài những yêu cầu về "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"... có lẽ ngọn lửa đam mê với nghề cần phải lớn hơn rất nhiều.

21/06/2016