PHÒNG THƯ KÝ - XUẤT BẢN

“Người nội trợ đảm đang”

12:26, 10/09/2014

HGĐT- Trước thời khắc lịch sử nửa thế kỷ Tòa soạn Báo Hà Giang, cũng là thầm lặng một niềm vui riêng - chung của Phòng Thư ký – Xuất bản, mỗi chúng tôi lại bồi hồi xúc động, da diết nhớ về lớp lớp thế hệ đồng nghiệp “từ Thư ký mà ra”. Người còn, người mất, người đã về nghỉ chế độ, rồi chuyển vùng, cơ quan..., nhưng tất cả đều như “muôn tay chèo nền móng” để chúng ta “cập bến năm mươi năm”.



                    Ban Biên tập với tập thể Phòng Thư ký-Xuất bản.


Tiếp nhận gia tài cùng ước nguyện từ những người đi trước để hạnh phúc đắm mình trên hành trình “tôi chữ, luyện câu” đầy gian nan và mời gọi suốt “năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”; khoảng thời gian thật ngắn ngủi, nhưng mỗi thành viên của Phòng hôm nay luôn biết chung lưng trân trọng chắt chiu trong kế thừa và phát huy truyền thống; năng động, sáng tạo tiếp thu chọn lọc hơi thở làm báo hiện đại; góp phần giữ ấm “ngọn lửa bếp núc”, vì những “đứa con” tinh thần rút ruột gan của từng phóng viên, cộng tác viên ngày đêm lăn lộn khắp nẻo cơ sở.


“Người chị cả” Vũ Thị Thành nhân ái, mạnh mẽ và quyết liệt vừa hoàn thành sứ mệnh chèo lái “con thuyền Thư ký” về nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn đau đáu về “ngôi nhà thứ hai” của một đời làm báo kiêm cây bút thơ – văn đằm thắm, máu thịt trong thao thiết “Tiếng gọi Cao nguyên”.


Ở đó, gắn kết như viên Xúc xắc “môi hở – răng lạnh”, hiện 6 anh chị em còn trụ bám theo biên chế của Phòng giống 6 mặt đời cá tính, luôn bên nhau lắc cắc chung reo niềm vui nghiệp Báo:


“Pa-ra-ghêm” Đỗ Minh Tuấn, luôn trách nhiệm máu thịt với tờ báo cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ; từng “dậy sóng châm biếm” qua trong mục “Nhỏ nhẹ nhắc nhau”, và đôi lúc cũng “man mác buồn” với những vần thơ “trĩu nặng” chuyện tình, chuyện đời; trái tim luôn cháy bỏng khát khao cống hiến từ phần đời lành lặn còn lại; đặng gánh trọn “niềm tin tay lái” nặng nề, vinh dự mà Ban biên tập, đồng nghiệp cùng người tiền nhiệm Vũ Thị Thành gửi trao.


“Hóm hỉnh” một Lương Việt Thắng luôn gieo những chuỗi cười ngặt nghẽo, làm căn phòng như trẻ lại mỗi khi... “xuất khẩu”; với biệt tài “nghịch ngầm tinh tế câu chữ” trong “vai diễn biên tập viên” đầy cá tính; đang từng ngày đĩnh đạc khẳng định cương vị tân Phó phòng, bởi những chiêu “song bích hợp kiếm” chủ động gánh vác công việc cùng Trưởng phòng dần hoàn hảo theo thời gian, trong đức tính đáng quý của “con o­ng tìm mật”.


Phan Mạnh Hùng “tân” trong “cựu” góp khuôn mặt “điển trai trung niên” mới toanh theo sự luân chuyển của Ban biên tập, nhưng lại là một trong những “cựu binh” tiên phong lát những “viên gạch Tòa soạn” từ ngày đầu tách tỉnh. Với thâm niên làm báo (từng kinh qua quân ngũ, phóng viên rồi công tác Bạn đọc - Tư liệu – Thư viện) và đa nghề trong cuộc sống đời thường, chàng trai họ Phan vẫn miệt mài học hỏi, gắng gỏi vượt lên những thăng trầm hoàn cảnh, nhanh chóng hòa nhập môi trường mới bằng tính cẩn thận, cần mẫn, và cũng rất... “quy lát” giờ giấc.


Làm nên “Nhị Đỗ” (cùng Tuấn), Đỗ Ngọc Bích – gắn chặt với biệt danh “Ma-két” từ thuở ban đầu bén duyên nghiệp Báo – không hổ thẹn là Át chủ bài “tô mầu bữa ăn tinh thần”. Với sở trường được học hành bài bản, biết thăng hoa vào thực tiễn tác nghiệp; viên “Ngọc Bích” luôn tỏa sáng qua đam mê tìm tòi và làm chủ sự chuyển động hài hòa, tinh tế của mầu sắc, ánh sáng, bố cục, xa gần luật họa, rồi kiểu chữ đến “dáng hình” sa-pô...; thẳng thắn bộc bạch và trao đổi tận cùng những ý tưởng mới, thoảng qua “phút giận hờn dễ vỡ” là hiện thực thành công trên khuôn mặt “Báo nhà” từ nhiều “đêm chong điện” trăn trở tìm lối đi riêng trước hàng chồng ấn phẩm “Báo bạn”.


Cùng “Nhị Đỗ”, còn có cả “Nhị Phan” (với Hùng) là “Hạt tiêu” Phan Thị Thoa, nhỏ thó mà tiếng nói “như chim hót” lanh lảnh đầy nội lực âm thanh; năng nổ và xông xáo, nhanh gọn “bao sân” không nề hà mọi công việc to nhỏ của Phòng; trưởng thành từ nghề in, vẫn chuyên môn vi-tính chế bản, nhưng sau nhiều năm “cơm bữa” giữamôi trường biên tập, đang ngày một “lấn sân thành công”bước đầu vào lĩnh vực “nhặt sạn, soi chữ”, rồi trình bày ma-két... bởi đam mê cầu tiến, tự học.


Cô “em út” Trần Hải Quỳnh mới ngày nào còn “to xác mà trẻ con” và... đoảng lắm, thế mà giờ đã chững chạc một phụ nữ “vừa hồng” (được kết nạp Đảng) vừa “chuyên” (sắp tốt nghiệp Đại học), lại còn... có tin, bài đăng tải trên mặt Báo.


Nhắc đến một “thành viên đặc biệt” bởi sự gắn bó “đặc biệt” trong mọi buổi sinh hoạt của Phòng, anh chị em lại thân mật và trân trọng đùa vui: Vị “Đại sứ Ban biên tập”. Sau mỗi “cơn nóng” của vị Đại sứ là lắng đọng sự chí lý, thân thiện mà rất đỗi bao dung của một người anh, một đồng nghiệp, một người bạn... thủ thỉ tâm giao; là định hướng chính trị và nhạy cảm nghề Báo của người Thủ lĩnh. Đó là Tổng Biên tập Lê Trọng Lập, được Ban biên tập phân công về với... “cơ sở” Thư ký suốt bao năm “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

 
Cùng đồng nghiệp sinh tử một niềm đam mê vì tôn chỉ mục đích tờ báo Đảng bộ tỉnh, sau mỗi vấp ngã “tai nạn nghề nghiệp” dù rất nhỏ; chúng tôi lại thêm vững vàng đứng dậy bằng sự đoàn kết, cầu thị trong vòng tay đùm bọc, sẻ chia của độc giả; tiếp tục làm dầy thêm, vẻ vang hơn bản thành tích chung còn khiêm tốn nhưng đầy tự hào của Phòng:

 
Tham mưu trách nhiệm và hiệu quả cho Ban biên tập tổng hợp, lựa chọn nhiều nguồn thông tin để thực hiện các ấn phẩm phù hợp tôn chỉ, mục đích tờ Báo cũng như định hướng và Kế hoạch xuất bản của Ban biên tập; trực tiếp tổ chức biên tập các tin, bài, ảnh, thiết kế ma-két, chế bản hoàn chỉnh trước khi đưa in, với các ấn phẩm báo chí: Báo Hà Giang thường kỳ (4 kỳ/tuần), Hà Giang cực Bắc (phát hành phục vụ đồng bào vùng cao 1 kỳ/tháng) cùng các phụ trương, như: Tờ tin, ảnh, đặc san, sách... phục vụ nhiệm vụ chính trị đột xuất của tỉnh; với những nỗ lực đồng thuận đổi mới nổi bật:

- Đột phá về trình bày ma-két, tạo thay đổi hợp lý, bắt mắt hơn, được lãnh đạo, đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá tốt.

- Từng bước chú trọng nâng cao chất lượng khâu rút tít, xác định là một trong những yếu tố quyết định; từng bước hạn chế sự trùng lặp, na ná, xuất hiện nhiều tít gọn, hay và có đầu tư. Cũng từ đây, các bài viết nội dung được xem xét kỹ hơn để “rút ruột”, chất lượng lại một lần có “cơ hội” nâng lên...

- Cải tiến mối liên hệ với phóng viên theo hướng 2 chiều mang tính chủ động, kịp thời và tiết kiệm thời gian, hạn chế thấp nhất lọt thông tin.

- Tăng cường chất lượng ảnh thông qua khâu chủ động kiểm soát chuyên môn đầu tiên của họa sĩ ma-két và các nhân viên vi-tính chế bản; thành công từ thực tiễn tác nghiệp, giờ đã trở thành Quy định làm việc của Phòng; góp phần bước đầu làm các bức ảnh được đăng tải ngày một đẹp hơn về hình thức, đảm bảo về nội dung...

Những phần thưởng ghi nhận của tỉnh, các ban, ngành..., của Chi bộ, Ban biên tập...; đặc biệt là niềm tin yêu, động viên và kỳ vọng của phóng viên, cộng tác viên, trên hết là độc giả gần xa luôn như “ngọn gió triền đê” mãi nuôi dưỡng “cánh diều” Thư ký sát cánh cùng các Phòng chức năng anh em bay cao, bay xa...

Năm thập kỷ - một ngày hội ngộ. Lại “cháy” vào nhau hết mình nồng ấm ánh mắt, nụ cười, cả giọt nước mắt nghẹn ngào và xiết chặt tay sau chén rượu đồng ẩm “thiên bôi thiểu”... để rồi chia xa trong sự trở về với sứ mệnh hậu trường cao cả của “những người nội trợ đảm đang”!


Hẹn gặp lại với niềm vui thành công mới trong “tổ ấm” mang tên Thưký – Xuất bản dưới “ngôi nhà” chung Tòa soạn Báo Hà Giang thân yêu!


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xứng danh “Sư đoàn thép”
HGĐT- “Sư đoàn thép, phòng chủ lực hay phòng xương sống...” - đó là những cái tên được nhiều người đặt cho phòng Phóng viên của Báo Hà Giang trong nhiều năm qua. Có thể nói, phòng Phóng viên là phòng nghiệp vụ chính của Báo Hà Giang, hoạt động chuyên môn có tính cơ động cao. Hoạt động của phóng viên mang tính đặc thù rõ rệt, thời gian tác nghiệp độc lập tại cơ sở nhiều.
10/09/2014
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 13.4.1964 về công tác của Báo Hà Giang và các bản tin của một số ngành trong tỉnh

Thi hành Nghị quyết số 60 ngày 8.12.1958 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết số 5 ngày 10.1.1961, Nghị quyết số 48 ngày 27.2.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định rằng:

10/09/2014
Cùng bạn đọc Báo Hà Giang điện tử
Báo Hà Giang điện tử chính thức khai trương và đi vào hoạt động 3/2/2007. Trong thời gian trên, do còn thiếu nhiều yếu tố để đảm bảo cho sự hoạt động ổn định nên các chuyên mục chưa nhiều, video clip chưa thật tốt, nội dung thông tin chưa phong phú, giao diện chưa thật hấp dẫn...
07/03/2008