Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 13.4.1964 về công tác của Báo Hà Giang và các bản tin của một số ngành trong tỉnh

12:11, 10/09/2014

Thi hành Nghị quyết số 60 ngày 8.12.1958 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết số 5 ngày 10.1.1961, Nghị quyết số 48 ngày 27.2.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định rằng:


Từ năm 1961 đến nay, hoạt động của tờ báo Hà Giang đã có nhiều cố gắng và tiến bộ, đã tập trung cố gắng vào việc tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, bám sát công tác trung tâm của Đảng. Về mặt phản ánh phong trào quần chúng; báo đã cố gắng nhiều trong việc nêu cao điển hình, nêu các người mới, việc mới. Do đó, báo ngày càng đi sâu vào các hoạt động kinh tế, văn hóa cụ thể, nhân tố mới được biểu dương, những tư tưởng và hành động xấu bị phê phán. Phương pháp tuyên truyền đã biết kết hợp hai mặt: Phổ biến kịp thời Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy xuống các cấp và quần chúng, đồng thời biết thông qua các điển hình tập trung hoặc từng mặt để cổ vũ, hướng dẫn phong trào.


Hình thức của tờ báo cũng như chữ in, trình bày mặt báo, ảnh, tranh... cũng được cải tiến rất nhiều. Báo Hà Giang đã và đang thực hiện đúng phương châm: “Chân chính, cải tiến” như Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tính tư tưởng, tính chiến đấu của báo đang được nâng cao và phát triển. Do đó Báo Hà Giang ngày càng có tác dụng cổ vũ, tuyên truyền, hướng dẫn công tác, đang được cán bộ và quần chúng tin được.


Tuy nhiên trong bước tiến lên, báo Hà Giang còn một số nhược điểm và khuyết điểm:

- Cách viết của cán bộ làm báo chưa thật giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn, xúc tích hợp với trình độ cán bộ cơ sở. Nhiều bài viết chưa sâu, chưa nêu được kinh nghiệm cụ thể của việc làm giúp cho cán bộ cơ sở học tập và làm theo.

Cách nêu điển hình của báo chưa thật tập trung cao độ, chưa có sự phối hợp đầy đủ, chặt chẽ của các ngành có liên quan và phần lớn là nêu những điển hình sau khi đã tổng kết, các điển hình mới xuất hiện, báo chưa phát hiện và nêu được nhiều. Điển hình nặng về vùng thấp, còn vùng cao chưa nêu được nhiều.

- Ảnh đăng báo nội dung chưa thật tốt; nhiều tờ báo in mờ, ra chậm và giá thành báo còn quá cao.

- Việc phát hành báo, tổ chức đọc báo, sử dụng báo làm chưa tốt.

- Trình độ cán bộ làm báo còn yếu.

Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của báo địa phương, kinh nghiệm hoạt động của Báo Hà Giang trong 2 năm qua, căn cứ vào yêu cầu công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy.


                         BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUYẾT NGHỊ:

Chính thức thành lập cơ quan báo của Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang, lấy tên là Báo Hà Giang. Tòa soạn báo là cơ quan của Đảng bộ tỉnh do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo.


Tòa soạn báo tổ chức theo chế độ thủ trưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết nghị chính thức cử đồng chí Nguyễn Thế Kỳ, Ủy viên Thường vụ, thay mặt Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm chính trị của báo, đồng chí Phạm Kim Quy làm Tổng Biên tập của báo. Định số biên chế cho báo năm 1964 là 9 người (không kể Chủ nhiệm); phân công, bố trí cán bộ trong Tòa soạn, quy định chế độ công tác cho cán bộ làm báo do Chủ nhiệm quyết định.


Chấp hành đúng Nghị quyết của Ban Bí thư, Bản tin của các ngành văn hóa, trạm chè, giáo dục, thời tiết nông lịch không xuất bản nữa. Các ngành nói trên chỉ in những tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và kinh nghiệm sau khi đã đúc kết, khi nào xét thấy cần thiết. Còn tin tức, điển hình người mới, việc mới của ngành nhằm cổ vũ thúc đẩy cơ sở, các cán bộ làm bản tin trước đây có nhiệm vụ viết đều đặn, đúng yêu cầu, đăng trên báo Đảng. Các đồng chí phụ trách các ngành Văn hóa, giáo dục, trạm chè, khí tượng có trách nhiệm trước Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ này.


I-VỊ TRÍ, NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, QUYỀN HẠN CỦA BÁO HÀ GIANG.

Báo chí là người tuyên truyền cổ động tập thể, người tổ chức tập thể, là vũ khí sắc bén của Đảng để chuyên chính với kẻ địch và xây dựng đời sống mới.


Hiện nay, Đảng bộ ta đang ra sức động viên, tổ chức quần chúng để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm rất nặng nề là “Ra sức phát huy những thuận lợi sẵn có, khắc phục những khó khăn trở ngại, nâng cao năng lực tổ chức quần chúng, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mấu chốt là phát triển mạnh mẽ lương thực để tự túc và có dự trữ, đi đôi với phát triển mạnh chăn nuôi, cây công nghiệp và nghề rừng. Đẩy mạnh sự phát triển của công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp, giao thông vận tải và thương nghiệp. Trên cơ sở kinh tế phát triển, đẩy mạnh công tác giáo dục, văn hóa, y tế, nhằm khi kết thúc kế hoạch 5 năm, ở vùng thấp cũng như vùng cao, vùng hẻo lánh trong tỉnh sẽ đạt một sự chuyển biến rõ rệt, xây dựng được một bước cơ sở vật chất, kỹ thuật cho khu vực hợp tác xã và khu vực kinh tế Nhà nước, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện thêm mộtbước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện hơn, đưa mức sống quần chúng nông dân vùng thấp và đưa lên ngang mức sống trung nông trên, đưa mức sống của đồng báo rẻo cao lên đủ ăn, đủ mặc, nhằm thực hiện khẩu hiệu “Miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, an ninh biên giới và nội địa được đảm bảo vững chắc”. Tỉnh ủy coi Báo Hà Giang là một vũ khí chính trị và tư tưởng của Đảng và chính quyền để đấu tranh hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang đó.


Để kết hợp với Báo chí Trung ương và Khu thành một màng lưới báo chí, trước hết báo Đảng tỉnh phải nhận ra đặc điểm địa phương và xác định ra nội dung nhiệm vụ và đối tượng của mình.


Đặc điểm tỉnh ta là một tỉnh nông nghiệp còn lạc hậu, có nhiều vùng khác nhau, nhiều dân tộc, trình độ giác ngộ của quần chúng còn thấp và con số khá đông người chưa biết chữ. Vì vậy, đối tượng chủ yếu của báo Đảng tỉnh ta là cán bộ cơ sở gồm từ tổ trưởng Đảng, đội trưởng sản xuất, tổ trưởng đổi công, cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ các ngành, các giới xã tới Bí thư Chi bộ, Chủ tịch xã...


Nội dung của báo là những công tác của cơ sở, lấy công tác sản xuất nông nghiệp toàn diện, công tác hợp tác xã, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng và mọi hoạt động của nông thôn làm phương hướng chính. Những hoạt động của các ngành, các cấp có liên quan, ảnh hưởng tới sự phát triển của nông thôn cũng là nội dung tuyên truyền của báo. Các vấn đề nêu trên mặt báo phải thể hiện được các chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy đối với nông thôn.


Xuất phát từ đối tượng và nội dung nói trên, báo có những nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn sau đây:

1- Phổ biến kịp thời mọi nhiệm vụ công tác, tập trung vào các công tác trung tâm tới cán bộ cơ sở. Tùy theo mọi nhiệm vụ báo chí phải có những bài đại biểu được ý kiến của Tỉnh ủy và chính quyền để hướng dẫn việc thi hành ở cơ sở cho đúng.

2 – Phải phản ánh trung thực phong trào thi đua của quần chúng ở tất cả các vùng. Về phương pháp, phải lấy tuyên truyền điển hình, người mới, việc mới là chính. Điển hình phải thể hiện được nội dung chính sách, giải đáp được những vấn để mà phong trào yêu cầu, đại diện cho phương hướng đi lên của phong trào.

3- Báo Đảng phải giữ đúng tính chân thật của báo chí cách mạng. Phản ánh sự thật một cách chân thực, chính xác để đẩy mạnh phong trào phát triển. Sự thật bao gồm cái tốt, các xấu, nông thôn và các ngành công tác ở tỉnh ta, cái tốt là chủ yếu, là căn bản. Báo phải đứng trên lập trường của Đảng mà nói lên sự thật cần phải nói. Phải luôn luôn nhìn về phía tiến lên của phong trào. Nói cái tốt cũng như khó khăn, khuyết điểm cốt để giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng giành thắng lợi.

4- Những sự việc trái chủ trương của Tỉnh ủy và chính quyền, gây hạn chế phong trào ở cơ sở, báo cần phê bình. Bài phê bình có tính chất kiểm điểm chủ trương, đăng hay không đăng do Chủ nhiệm báo quyết định. Cá nhân hoặc tập thể nào bị phê bình không được trù người đã phê bình mình. Nếu có phần nào chưa đúng, thì tiếp thu phần đúng và viết bài trình bày phần chưa đúng theo như lời Hồ Chủ tịch đã chỉ thị.

5- Các cuộc họp Tỉnh ủy, tùy theo nội dung Tỉnh ủy quyết định thành phần của báo tới dự. Báo được cử đại diện tới dự các cuộc hội nghị cần thiết của các cấp, các ngành, các đoàn thể và khi tới các cơ quan lấy tài liệu để làm nhiệm vụ, đồng chí phụ trách cơ quan có trách nhiệm cung cấp những tài liệu cần thiết mà báo yêu cầu.


Tính chất chỉ đạo của báo thể hiện ở chỗ báo phải thấu suốt chủ trương, chính sách và mỗi nhiệm vụ công tác của Đảng ở nông thôn. Đồng thời báo phải phản ánh tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Đảng. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ cơ sở thường gặp những khó khăn, trở ngại, có kinh nghiệm tốt và cũng có cả những khuyết điểm, lệch lạc. Báo phải kịp thời phát hiện vấn đề trong bước tiến của phong trào, biểu dương những cái tốt, kinh nghiệm tốt, giúp đỡ phương hướng và biện pháp khắc phục khó khăn, sửa chữa khuyết điểm để hoàn thành nhiệm vụ.


Cán bộ làm báo phải đi sâu vào cơ sở nông thôn các vùng, đi sâu vào đời sống, công tác ở nông thôn, theo sát tình hình phong trào của từng vùng, từng nơi và sự hoạt động hàng ngày của quần chúng và cán bộ cơ sở. Phải làm tốt công tác bạn đọc, bằng mọi cách bồi dưỡng và phát huy tác dụng của thông tín viên, nhất là thông tín viên cơ sở. Các ban Huyện ủy, các ban công tác nông thôn, Ty nông nghiệp, Ty giáo dục có nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ báo phát triển lực lượng thông tín viên và các cán bộ cơ sở như Chi ủy, Ban quản trị, đối tượng sản xuất, tổ trưởng đổi công và cán bộ các ngành, các giới, giáo viên ở nông thôn.


Bài viết phải thích hợp với trình độ cơ sở, nghĩa là phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, xúc tích, đồng thời chống phương hướng đơn sơ làm mất tác dụng chỉ đạo của bài. Bài dài nhất không nên quá 800 chữ. Mỗi số nên có khoảng 3-4 ảnh và 2-3 bản khắc. Để đảm bảo trọng tâm chỉ đạo của mỗi số báo, bài, tin phục vụ cho trọng tâm, kể cả tranh ảnh và chiếm 60% trong mỗi số báo, tỷ lệ tin phải chiếm 70% và dành một trang tuyên truyền cho vùng cao gồm tranh liên hoàn hoặc tranh khắc minh họa, ảnh và tin tức, trang đó ít nhất có một bài bằng chữ Mèo.


II- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1-Xuất bản báo:

Do một số khó khăn hiện nay chưa khắc phục được, báo vẫn giữ xuất bản 1 tháng 4 kỳ, cố gắng vượt số 2.600 tờ mỗi số hiện nay. Khi nào báo có điều kiện xuất bản tăng kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xét quyết định sau.

Tính từ đầu quý III trở đi, báo Đảng phải bán với giá 4 xu/1tờ.

Từ nay đến khi bán, Tòa soạn báo cùng với các ngành có liên quan phối hợp mở đợt tuyên truyền cổ động giới thiệu báo. Các ban Huyện ủy, Đảng ủy Tuyên giáo các cấp, Ty văn hóa – thông tin, Ty giáo dục, ban công tác nông thôn, các giới có nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu báo, đảm bảo mỗi ban Chi ủy, tổ Đảng, Ban quản trị, đội sản xuất, tổ đổi công, các ngành, các giới, các trường học đều có báo Hà Giang. Ty Tài chính giúp đỡ Ty Bưu điện và cơ quan báo thu tiền ở các cơ sở mua báo được nhanh, gọn.

2-Phát hành báo:

Tỉnh ủy giao cho Ty Bưu điện đảm bảo hoàn toàn việc bán báo, gửi báo đến tận tay người đọc được nhanh chóng và thu đủ tiền theo số báo phát hành. Muốn vậy Ty Bưu điện cần phải:

- Giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho các cán bộ phòng bưu điện huyện và bưu chính xã.

- Ra sức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân mua báo (ty cần phải định mức để phải đạt được cho các phòng bưu điện huyện).

- Giữa Ty Bưu điện và cơ quan báo cần họp bàn cụ thể, ký hợp đồng giữa hai bên.

3- In báo:

Việc in báo vẫn còn tình trạng in chậm, in xấu và giá thành một tờ còn quá cao.

Tỉnh ủy giao cho Ty Văn hóa và quốc doanh in phấn đấu hạ giá thành một tờ bán xuống mức tối đa là 00,7 (kể cả tiền giấy in) và phải đảm bảo in nhanh, ra đẹp, ra đúng hạn vào sáng thứ 7 hàng tuần. Tổ chức cho hợp lý giữa việc in báo và in các loại tài liệu khác. Đồng thời giáo dục cho cán bộ công nhân nhà in nâng cao ý thức trách nhiệm việc in báo Đảng để không ngừng cải tiến công tác, làm cho việc in báo ngày một tốt đẹp, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm giấy, bảo vệ máy móc, hạ giá thành hơn nữa.

Cơ quan cùng Ty Văn hóa sẽ bàn bạc cụ thể và ký hợp đồng kinh tế.

4 - Sử dụng báo:

Trước đây tỉnh đã ra việc tổ chức đọc báo trong nhân dân cho Ty Văn hóa phụ trách, nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu; từ nay về sau Ty Văn hóa - Thông tin phải thường xuyên kiểm điểm rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp tích cực tổ chức chỉ đạo các tổ đọc báo ở cơ sở được tốt.

Hết năm 1964, Ty Văn hóa - Thông tin phải tổ chức được ở mỗi thôn, mỗi đội sản xuất, mỗi hợp tác xã một tổ đọc báo hoạt động đều đặn, Ty cần có kế hoạch cho Phòng Thông tin - Văn hóa huyện cùng với Tuyên giáo huyện cổ động, giới thiệu sâu rộng ở cơ sở việc mua báo, đọc báo. Cơ quan Báo cùng Ty Văn hóa - Thông tin phối hợp việc tổ chức, hướng dẫn đọc báo ở một số cơ sơ để lấy kinh nghiệm phát động phong trào chung trong tỉnh.

Tỉnh ủy đặt việc các cấp bộ Đảng, chính quyền, các cán bộ, đảng viên của Đảng viết bài đăng báo, góp ý kiến xây dựng báo ở cơ sở, mua báo, sử dụng báo hàng ngày là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên đối với nhiệm vụ công tác tuyên truyền của Đảng.

5 - Anh và bản khắc của báo:

Dùng ảnh đẹp và bản khắc gỗ trên mặt báo là một hình thức thích hợp với trình độ cán bộ cơ sở. Tỉnh ủy quyết định chuyển họa sỹ của Ty Văn hóa - Thông tin sang làm việc ở cơ quan báo với nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo mỗi số báo đều có bản khắc gỗ hoặc tranh liên hoàn theo yêu cầu của báo. Các công việc mà họa sỹ phục vụ cho yêu cầu của báo, họa sỹ phải có trách nhiệm trước Chủ nhiệm chính trị của báo như một phóng viên của Tòa soạn báo.

Đồng chí phụ trách Văn hóa - thông tin giao ra nhiệm vụ cho quốc doanh ảnh phải cung cấp giúp đỡ cho báo có đầy đủ số ảnh cần thiết, theo nguyên tắc.

- Căn cứ vào đề cương ảnh từng số của mỗi tháng, quốc doanh ảnh bố trí người đi chụp giao ảnh cho cơ quan báo đúng hạn, đúng tiêu chuẩn.

- Giúp đỡ đầy đủ về nghiệp vụ ảnh, tráng phim, in ảnh giúp Tòa soạn báo, khi báo chụp được cung cấp phim, giấy ảnh theo yêu cầu của báo.

- Giữa hai bên sẽ thanh toán hàng tháng với nhau về tiền ảnh trên tinh thần cùng nhau phục vụ cho báo Đảng được tốt.

6- Cán bộ làm báo:

Trước hết các cán bộ làm báo phải có kế hoạch học tập chính trị, học tập các chủ trương, chính sách của Đảng để không ngừng nâng cao quan điểm lập trường, học tập nghiệp vụ cũng rất quan trọng trong mỗi kỳ họp sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm là một lớp học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành rất tốt, cơ quan báo cần thực tiễn đầy đủ.


Các cán bộ làm báo phải bố trí về cơ sở nông thôn bám sát phong trào để phản ánh kịp thời mọi hoạt động ở cơ sở. Chủ nhiệm chính trị và Tổng biên tập cần định ra chế độ công tác cho phóng viên công tác thường xuyên ở cơ sở, để một mặt đảm bảo công tác được tốt, mặtkhác đảm bảo học tập rút kinh nghiệm tốt.


Khi chính thức phát hành báo thì sẽ thi hành chế độ nhuận bút đối với thông tín viên và những chế độ của Chính phủ đã ban hành đối với cán bộ làm báo.


Các cấp, các ngành có trách nhiệm thi hành tốt Nghị quyết này.

                             T/M BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY

                                              Bí thư

                                  Đã ký: LÊ VĂN LƯƠNG  


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cùng bạn đọc Báo Hà Giang điện tử
Báo Hà Giang điện tử chính thức khai trương và đi vào hoạt động 3/2/2007. Trong thời gian trên, do còn thiếu nhiều yếu tố để đảm bảo cho sự hoạt động ổn định nên các chuyên mục chưa nhiều, video clip chưa thật tốt, nội dung thông tin chưa phong phú, giao diện chưa thật hấp dẫn...
07/03/2008