Đường về nhà chồng của phụ nữ Dao áo dài

13:18, 29/11/2014

HGĐT- Trong cuộc đời mỗi người, hôn nhân là một bước ngoặt quan trọng, là nền tảng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, cũng giống như đồng bào các dân tộc khác, tục cưới hỏi luôn được người Dao áo dài coi trọng, giữ gìn như một nét đẹp văn hóa.


Người Dao hiện chiếm khoảng trên 15% dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống rải rác ở 11 huyện, thành phố. Ở Hà Giang hiện nay có 4 nhóm là: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu Bản), Dao quần trắng, Dao áo dài tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa người Dao. Có dịp được tham dự lễ cưới của người Dao áo dài thuộc xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, ấn tượng đối với chúng tôi là những lời hát đối đáp dao duyên của hai bên gia đình trong nghi lễ đón dâu.


Được biết, trước đây, người Dao áo dài từng tồn tại chế độ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo sự sắp đặt của người lớn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, nhận thức của người dân dần thay đổi; trai, gái được tự do tìm hiểu và thực hiện các quy định về Luật Hôn nhân và gia đình. Lễ cưới của người Dao áo dài được tiến hành qua nghi thức: Lễ so tuổi, lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt.



Cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ tại nhà chồng.

Trong lễ cưới, nhà cửa của người Dao áo dài được trang hoàng đẹp đẽ, có dán các miếng giấy đỏ ghi những dòng chữ chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Đoàn đón dâu của nhà trai gồm các ông quan làng, phù rể, bà đón dâu... là những người am hiểu phong tục tập quán, nghi thức cúng, ứng xử giỏi, gia đình hạnh phúc, thuộc các bài hát trong đám cưới. Chú rể, đầu đội khăn xếp bằng mảnh vải đen, gấp dọc nhiều lớp quấn quanh đầu thành vành to, trùm khăn (hoặc áo). Cô dâu mặc áo dài truyền thống của dân tộc, thắt dây bạc ngang lưng, đầu trùm khăn (hoặc áo), tay đeo nhiều vòng, nhẫn bạc. Lễ vật dẫn cưới tuân theo các điều khoản đã được quy định ở lễ ăn hỏi. Thời gian tiến hành lễ cưới bắt đầu từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Nhà trai muốn đến được nhà gái đón dâu, phải qua các “cửa ải” bằng những lời hát dao duyên và uống rượu. Người Dao áo dài quan niệm, khi vượt qua được những cửa ải này là họ đã khắc phục được những tai ương và đôi vợ chồng sau này sẽ may mắn và sống hạnh phúc. Sau khi vào trình lễ, hai gia đình cùng ăn cơm, hát đối đáp chúc mừng hạnh phúc đôi lứa. Đến sáng hôm sau, cô dâu được mẹ dẫn ra khỏi phòng đến trước bàn thờ tổ tiên làm lễ bái tổ, cô dâu, chú rể ra mắt mọi người trong lễ cưới. Cả hai cùng bước đến mâm thầy cúng, lạy tổ tiên sau, từng người trong gia đình để trả ơn công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo khôn lớn. Đoàn người đón dâu đưa cô dâu, chú rể ra cửa. Trên đường về, đoàn đưa dâu phải tuân theo những kiêng kị nhất định như phải đi thẳng, không được lên nhà, đi qua dưới máng nước hay đi qua phía sau nhà người khác. Về đến nhà trai, phải chờ thầy cúng làm phép giải hạn, đuổi tà ma và đợi đến giờ tốt mới được lên nhà. Họ đến bàn thờ tổ tiên vái lạy, uống chén rượu và nghe chủ hôn căn dặn, dạy bảo những điều tốt đẹp, sau đó đến mâm thầy cúng để lạy ông bà nội, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng thân thích theo từng thứ bậc. Cưới xong trong 3 ngày, cô dâu kiêng không được về thăm bố mẹ đẻ, các gia đình trong bản. Sau đó, trong khoảng thời gian nhất định đã được hai bên gia đình thỏa thuận, đôi vợ chồng mới được về nhà ngoại để chào bố mẹ, anh em, họ hàng bên ngoại và nghỉ lại tại đây. Đến ngày hẹn, ông bà thông gia nhà gái cùng con gái và con rể về nhà trai làm lễ lại mặt.

Những nghi lễ trong đám cưới của người Dao áo dài đã phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào, trong đó chứa đựng tình cảm, tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục đạo đức, lối sống; các cặp vợ chồng người Dao áo dài sống với nhau chung thủy dựa trên nền tảng gia đình bền chặt.


Hiện nay, do có sự giao thoa văn hóa nên thanh niên nam nữ người Dao áo dài có thể tìm hiểu và kết hôn bình đẳng với các dân tộc khác, nên nhiều tập tục trong lễ cưới của người Dao có sự thay đổi, phù hợp điều kiện từng gia đình, địa phương những vẫn giữ được những nét truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.


AN GIANG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người nhạc sĩ của quê hương đá núi
HGĐT- Ông sinh tháng 5.1938 tại Hà Giang. Quê cha đất Tổ lại ở huyện Kiến Xương (Thái Bình). Năm 1924 cha ông rời quê lên non nước Cao Bằng. Năm 1932 cha ông di cư sang vùng cực Bắc đá núi Hà Giang lập nghiệp đến giờ.
30/10/2014
Dấu ấn Đoàn nghệ thuật “Cổng trời xanh”
HGĐT- Được thành lập cùng với 10 Đoàn nghệ thuật (ĐNT) bán chuyên nghiệp trong toàn tỉnh, thời gian qua, ĐNT “Cổng trời xanh” huyện Quản Bạ đã khẳng định được vị trí trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ và nhân dân các dân tộc, với rất nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài huyện. Đồng thời, giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan
30/10/2014
Chạm bạc ở Cao Bồ, nghề truyền thống có sức sống bền bỉ
HGĐT- Chạm bạc là một nghề thủ công đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Những đường nét trạm trổ hình vảy cá, hoa, chim... và cách tết sợi công phu của người Dao ở Cao Bồ đã tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc vô cùng độc đáo, mang đậm nét văn hóa.
30/10/2014
Thực trạng và giải pháp
HGĐT- Đến nay, toàn tỉnh ta có 52 di tích lịch sử - văn hóa (LS,VH), danh thắng được xếp hạng (trong đó 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật và 8 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
29/11/2014