Dế mèn... “mồ côi”!

08:42, 31/07/2014

HGĐT- “Vẳng nghe từ chốn thâm sâu

Như ri tiếng Dế dãi dầu khóc than!”


Xin được mượn câu thơ của tác giả Nguyễn Xuân Huy để bày tỏ sự tiếc thương của bao thế hệ độc giả dành cho nhà văn Tô Hoài trước sự ra đi của ông về cõi vĩnh hằng... Từ đây, cuộc phiêu lưu của chú Dế mèn vòng quanh trái đất sẽ không còn sự dõi theo của “Người cha” đáng kính...


Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27.9.1920; mất ngày 6.7.2014 tại Hà Nội sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Tuổi thơ của ông đong đầy những kỷ niệm đầy màu sắc bên dòng sông Tô Lịch và nhẹ nhàng đi vào trang văn một cách rất tự nhiên. Ông bén duyên văn chương và nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký; là lớp nhà văn cách mạng đầu tiên của Việt Nam đã góp phần cho những thành công ngoạn mục của văn học thế kỷ 20. Trong kháng chiến chống Pháp, ông vừa viết văn, vừa hoạt động trong lĩnh vực báo chí.


Hơn 70 năm miệt mài lao động nghệ thuật không ngưng nghỉ, ông đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ (trên 100 tác phẩm) và nhiều giải thưởng văn học quý giá. Nhiều tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học và trở thành cuốn sách gối đầu giường của đông đảo bạn đọc. Các sáng tác của ông ở nhiều thể loại khác nhau như: Truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, phê bình, v.v... Ở thể loại nào, ông cũng mang đến cho người đọc những cái nhìn, cảm nhận mới mẻ về cuộc sống xung quanh mình. Nhưng có lẽ, với nhiều thế hệ bạn đọc thiếu nhi Việt Nam , ông sống mãi cùng tác phẩm nối tiếng viết năm 1941: “Dế mèn phiêu lưu ký”. Chú Dế mèn của ông trong hơn 70 năm qua đã có cuộc phiêu lưu vòng quanh trái đất khi được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới và đã chạm đến trái tim độc giả bằng một tình cảm chân thành nhất, cách kể chuyện hóm hỉnh, gần gũi và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tinh tế.


Nhiều đồng nghiệp, bạn bè và người thân của ông chia sẻ rằng: Tô Hoài là một cây đại thụ trong làng văn chương Việt Nam , là người anh cả, người gần gũi và thân thiết dẫn dắt thế hệ trẻ trong sự nghiệp văn chương. Ngoài đời thực, ông sống chân thành, giản dị và cũng rất hóm hỉnh. Ông viết văn bằng sự quan sát thực tế; ông bảo: Văn là cái để người ta đọc, đọc rồi thì có cái để người ta ngẫm, ngẫm rồi thì có cái để người ta nhớ...


Tô Hoài là một “chú Dế” thích lang thang, say đi và say viết. Ông đi khắp nơi, quan sát và tỷ mỉ ghi chép lại cuộc sống quanh mình. Bài học mà bao thế hệ nhà văn trẻ học được ở ông là niềm say viết, lao động miệt mài đến những giây phút cuối cùng không thể cầm bút. Với ông: Viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, chẳng phải cái gì thiêng liêng ghê gớm, cốt là anh phải tinh thông, chăm chỉ, viết là khó, là nặng nhọc... Ngày nào cũng phải ngồi vào bàn, dù bài hay, bài dở thì tôi vẫn cứ viết, hầu như lúc nào tôi cũng ở trạng thái viết, viết đủ thứ...


Với những cống hiến của ông cho nền văn học nước nhà, ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.


Chàng thanh niên chớm tuổi đôi mươi từ ngày “Dế mèn phiêu lưu ký” chào đời đến những trang viết cuối cùng của cuộc đời vẫn trẻ trung, chân thực và tinh tế trong những trang viết đầy ắp chất liệu mang hơi thở cuộc sống. Ông đã lặng lẽ rời xa cuộc đời như chiếc lá vàng nhẹ rơi trong mùa thu tĩnh lặng sau những tháng ngày xanh tốt cùng đất trời mùa xuân. Với đông đảo bạn đọc, nhà văn Tô Hoài mãi mãi là nhà văn của chú Dế mèn, chị gà mái ria, o chuột, vợ chồng A Phủ, những trang viết nặng lòng với tây Bắc và cảnhững câu chuyện cũ quan sát tinh tế về Hà Nội...


AN GIANG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổ quốc mình yêu!
(Gửi công nhân Bình Dương!)
31/07/2014
Biển và những con tàu
NhiềuCon tàuKhông có số.Vượt bao dông tốVượt trùng khơi biển ViệtDựng nên chiến công oanh liệt.Ấy là năm tháng cũ,Hào hùng đã qua.Và giờ đâyBiển Việt!
31/07/2014
Người con gái mù
Em từ sân khấu bước raMàn đêm hòa khán giả
31/07/2014
"Châu bản triều Nguyễn" đón bằng công nhận Di sản của UNESCO
Sáng 30/7, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Châu bản triều Nguyễn".
31/07/2014