Tết người Tày

18:09, 29/01/2010

HGĐT- Người Tày Nùng chúng tôi hầu như tháng nào cũng có Tết. Nhưng Tết tháng Giêng là Tết to nhất. Tết anh cả. Tết khởi đầu trong năm. Các con cháu cầu chúc ông bà sống lâu, ăn ngon ngủ khỏe. Còn ông bà chúc con cái học hành điểm chín điểm mười. Láng giềng chúc nhau trong nhà đầy phè tiếng cười. Làng trên mường dưới không mắng chửi trâu bò ăn lá của nhau. Trong chuồng gà đẻ trứng hồng, vịt đẻ con bạc. Thóc lúa kìn kìn vào cửa trước. Trâu bò ngựa dê lung lúc vào cửa sau.


Bà con chuẩn bị cho Tết tháng Giêng ngay từ sau rằm tháng Bảy. Lá gói bánh gai chưa kịp héo, họ lên kế hoạch cho từng tháng phải chuẩn bị thức ăn đồ mặc cho cả nhà. Tháng chín tháng mười vào rừng kiếm củi đun nấu nồi bánh trưng, cất lô rượu gạo. Tháng Một bện rơm làm đệm lót giường, bện ghế cho khách ngồi. Tháng Chạp ủ muối cho cỏ khô, cho rơm khô dành cho trâu bò ăn. Vào dịp Tết Nguyên đán, ở miền núi thường sương muối. Thậm chí có năm tuyết rơi dày đặc cả tuần. Trâu bò thi nhau lăn quay ra chết. Thế nên người ta lo trước khỏi lo sau.


Tháng Bảy tháng Tám họ trồng nhiều dưa cải đắng với đậu đũa, đậu giây áo. Phòng khi có người cần giải ngấy, giã rượu. Bởi ngày Tết các ông bố trẻ, các chàng trai thường xơi cả mâm thịt mỡ. Vét cạn ba năm chum rượu. Thậm chí có nhà còn lo rễ cây hoàng đằng để chữa khản giọng, mất tiếng cho các mẹ say mê cưa cẩm hà lều. Chỉ bọn con gái hay lục tìm vải vụn xanh đỏ vàng để chắp mâm quả còn. Quả còn thêu đôi chim hòa bình đậu trên cành hoa bjooc tào (hoa đào). Cành hoa rủ xuống ôm lấy hình quả trám. Hình quả trám nằm lọt vào giữa ngôi sao tám cánh. Họ cho rằng đây là số mệnh của người con gái trên vuông vải đỏ. Nó sẽ đặt vào lòng bàn tay người mình ưng.


Mẹ sinh anh làm trai

Cha sinh em làm gái

Em là quà của núi

Cho không anh mang về.


Làm sao gói hết niềm vui vào trong ba tháng bận rộn lo tết. Cứ phải có cho mỗi người mời hai mẹ sức với hai mươi tư cái tay bánh tẻ, và một cái đầu nghĩ nhanh như nhện mới tạm gọi là ổn.


Cận kề ngày Tết, các phiên chợ Co Xàu, Thông Huề, Pò Tấu, Pác Gà, Tà Lịnh, Bản Ngắn đầy ắp lá dong, gạo nếp, gà thiến... Còn rượu gạo, rượu ngô dùng trâu đực bừa đi không hết. Những chum rượu phình phàng ngất ngưởng bày từ sáng sớm đến chiều tà. Lúc nào bên hàng rượu cũng có đến cả tá lão ông lão bà nhão nhoét như bùn. Nhưng không một ai lấy làm khó chịu. Trước mặt mình toàn những giọng lờ đờ nhòe nhoẹt. Ai cũng biết dây vào họ chỉ chuốc lấy sự bực mình. Thà rằng cứ nói chuyện với đầu gối, còn thấy nhẹ người hơn nghe mấy thằng say. Hễ nói xong một tràng mà không ai đáp, là nó chửi. Tiếng thằng rượu chửi nát như đậu phụ nhứ. Chẳng thấy đau, nhưng thấy ngứa trong lỗ tai.


Từ hai tám hai chín Tết, người làng eng éc mổ lợn. Những chú lợn tạ bị chọc tiết, nằm chềnh ềnh trên rơm rạ. Rồi họ cho chúng vào lóong, dội nước sôi lên, kêu ằng ặc. Tôi rất khoái nhìn thấy cảnh này. Không gian rống lên những tiếng ó é sặc sụa mùi khói. Khói thoát ra từ miệng người la hét. Khói thoát ra từ miệng bẳng chứa nước sôi kêu lên xoòng xoọc. Khói từ mây trên cao tùn tụt xuống. Khói từ những căn nhà sàn bay ra. Khói đốt đồng nống lên. Khói đốt rác bên đường làng thum thủm, chua chua toàn mùi phân trâu bò. Thỉnh thoảng thấy người đẹp môi hồng, da trắng như bột nếp, tóc đen như đuôi gà. Các chị khẽ khọt quẩy thùng tôn lách qua bờ sương mà lần xuống bến nước. Họ là những nàng dâu vừa mới được em chồng đón rước về nhà lo sắm tết.


Tôi có một người chị dâu. Ngày ấy, chị đẹp ngẩn người. Đẹp từ dép đẹp lên. Đẹp từ tóc chải lệch ngôi đẹp xuống. Bây giờ xem mấy cô hoa hậu trên tivi, tôi nghĩ họ chỉ đáng lau chân cho chị tôi. Nói vậy có phần quá lời. Nhưng quả đúng như vậy. Chị tôi có một vẻ đẹp chân mộc, không son phấn. Mà nói thật, son phấn còn thua xa.


Năm đó anh tôi đi du học tận thành phố Thẩm Dương Trung Quốc, không về được. Chị chui vào trong buồng, nằm đắp chăn khóc trộm. Mùi khóc bay ra làm cho cả nhà bác tôi ngẩn ngơ hết nhìn bánh xanh, lại nhìn giấy hồng, lại nghe hoa thở, mà lòng buồn như lá chuối héo.


Sáng mùng một, nhà tôi cắm hai cành bưởi lên hai bên cánh cửa. Me tôi bảođể trừ tà. Chị tôi đun một nồi nước xông lá thơm bưng lên ban thờ. Hơi nóng bốc lên là để các bậc tiền nhân tắm gội. Cha tôi đội khăn xếp, mặc áo dài, hai tay thành kính thắp những nén hương đầu tiên trong ngày, ngày đầu tiêng trong năm.Cha trình báo lên ông bà cụ kỵ rằng mùa xuân đang đến cửa rồi. Chúng con thỉnh mời tổ tiên xuống trần ăn tết cùng nhân gian.


Mùa xuân là đứa trẻ sơ sinh. Vì thế, những ngày này người ta kiêng nói to, nói xẵng, hoặc bẳn gắt. Trong nhà không được làm ồn. Không phơi phóng. Không quét tước. Không sang nhà người khác. Ai cũng nở nụ cười vui vẻ thường trực. Ai có lỡ tay làm vỡ cốc chén, nhỡ miệng nói tục, ông bà cha mẹ cũng không được lừ roi mắng mỏ. Mùa xuân đang bừng tỉnh.


Cha tôi xem ngũ hành tương khắc tương sinh, tính tuổi cho từng người. Xem ai hợp với tuổi giời, tuổi đất cát, tuổi cỏ cây, tuổi chim muông… Định ngày giờ xuất hành cho ai được ra cửa trước. Nếu có khách là đàn bà con gái đến chúc tết đầu tiên, năm ấy nhà tôi sẽ ăn nên làm ra, mua một bán mười. Bởi đàn bà con gái là giống má. Là mùa màng. Là no ấm. Là niềm vui.


Mùa màng niềm vui no ấm ơi! Mong sao sang năm em đừng nói dai nói dài và ghen tuông linh tinh nữa. Được không. Chỉ cần thế thôi, cuộc đời này ngày nào cũng là ngày tết. Bọn anh biết rằng, nếu không có em, cánh đồng lúa vàng sẽ biến thành cánh đồng chó ngáp. Vắng em một ngày, bếp lạnh, nhà nguội. Chăn màn quần áo đấu đá với xong nồi mâm bát. Nhà cửa bừa bộn như một bãi chiến trường, chẳng còn chỗ nào để đặt chân. Không có em, xôi nếp rưới mật o­ng chỉ là cỏ rác mà thôi em ơi.


Ở đâu đó, có ai nói rằng, đàn bà con gái là một nửa thế giới. Với người Tày chúng tôi, đàn bà con gái đẻ ra thế giới. Họ nghĩ và nói như thế từ lâu rồi.


Ngày mùng hai, bầu đàn vợ chồng con cái sang chúc tết ông bà nội ngoại. Lúc này, trông gia đình chúng nó như một giây hoa thơm ngát. Giây hoa líu tíu năm mới chúng con xin kính chúc ông bà mạnh khỏe sống lâu trăm tuổi. Tuy chẳng được quý hóa như lời chúc, nhưng ông bà vui như hồi cưới, trẻ lại vài chục. Ông bà móc túi mừng cho mỗi đứa một bao lì xì. Lì xì hiểu theo tiếng người Quảng Đông Trung Quốc là lợi thị. Lợi thị lợi tức, đó là tư duy của những người chuyên kinh doanh buôn bán. Một vốn bốn năm lời. Lì xì ngày nay được hiểu là lời chúc của ông bà. Lì Xì đem lại cái may mắn cho các con các cháu. Ai cũng mạnh khỏe. Ai cũng phát lộc phát tài. Ai cũng sinh sôi nảy nở như hoa lá mùa xuân.


Lì xì với số tiền chục ngàn, hai chục ngàn. Đây là đồng tiền lấy hên làm chính. Không ai dùng số tiền này tiêu pha mua sắm. Các cháu cho hết vào con lợn nhựa. Con lợn nhựa cười lạch sạch lạch sạch trong những ngày đầu năm. Nó báo hiệu cho năm mới sẽ có nhiều đồng tiền sạch.


Ngày mùng ba Tết, mọi người ra khỏi làng. Họ tham gia các trò chơi đấu vật, kéo co, đua ngựa, múa chim nộc niệc, chơi cờ tướng. Ném còn, chơi cầu lông gà, thêu thùa, may vá, gấp chim, tỉa hoa, cắt xén lông mày dành cho đàn bà con gái. Đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, chơi trận giả dành cho các em các cháu thiếu niên nhi đồng. Còn các vị bô lão thì ra đường sưởi nắng. Người ta bảo chơi nắng xuân dễ làm cho người ốm. Đấy là câu nói ngược. Nắng xuân chính là tia hồng ngoại có sẵn trong tự nhiên. Nó sẽ ngấm vào làm cho da thịt săn chắc. Nắng xuân làm cho khỏe râu đen tóc. Sưởi nắng xuân, đêm về trẻ con không tè dầm, quấy khóc.Cây cỏ xanh tươi lên là nhờ nắng ấm nó nuôi .


Đã tròn bốn mươi năm nay tôi không có Tết. Bạn có tin không? Cho dù tôi cũng đã có khá nhiều cái Tết sang trọng và tinh tươm ở những thành phố lớn. Đâu đâu cũng thơm phức mùi quà bánh đắt tiền, mùi rượu Tây. Nhưng làm sao gọi là Tết được. ở đó thiếu không gian đọng đính và bầu trời ngợp khói chua chua thum thủm. Sạch sẽ thơm tho quá, làm cho Tết người Tày co cẳng chạy lên núi mất rồi.


Y Phương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Ông Ké” Tân Trào
Tháng Năm, những ngày ở Tân TràoCó một người dáng gầy, cao caoThường mặc áo chàm, chân đi dép lốpVầng trán cao, đôi mắt sáng như sao
29/01/2010
Những chàng trai quê tôi
Những chàng trai quê tôigầy đen mà rắn rỏihay làm nhưng ít nóiHễ gặp nhau là cười
29/01/2010
Trên đỉnh mốc o
Cứ theo hình sông dáng núiĐi qua trăm núi ngàn đèoSơn Vĩ giữa trời thăm thẳmTràng Hương mơ mộng bắc cầu.
29/01/2010
Mùa xuân
Mùa xuânMây khẽ trao mìnhRung rinh cánh énDòng sông mềm mạitrong xanhNhư mái tóc emtuổi trăng tròn.
29/01/2010