Hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)
Báo chí cách mạng lớn mạnh cùng đất nước
BHG - Cách đây 98 năm, ngày 21.6.1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), sau khi Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số đầu tiên cũng chính thức đặt dấu mốc hình thành nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Tháng 2.1985, Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 52, lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925). Ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đoàn công tác Báo Hà Giang học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Báo Hà Tĩnh. |
98 năm qua, báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có 808 cơ quan báo chí, gồm 138 báo và 670 tạp chí (327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); trên 42 nghìn nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí, trên 19 nghìn Nhà báo được cấp thẻ. Trong đó, có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Hoà cùng dòng chảy của sự phát triển, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, dù còn nhiều khó khăn nhưng đã từng bước vươn lên mạnh mẽ. Các cơ quan báo chí chủ lực như, Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền hình internet, triển khai phần mềm toà soạn hội tụ trong quá trình sản xuất mặt báo... nên chất lượng tác phẩm báo chí được nâng lên; nội dung tuyên truyền phong phú, hấp dẫn độc giả. Những nhà báo trên miền cực Bắc không quản gian nan, luôn bám sát cơ sở, phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Lãnh đạo Báo Nghệ An, Hà Giang, Lâm Đồng trao đổi nghiệp vụ tại trường quay Báo Nghệ An. |
Nhằm nâng cao công tác quản lý và phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong sự nghiệp phát triển đất nước, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg về việc sắp xếp các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai xong giai đoạn I, đã thực hiện với 29/29 bộ ngành, 33/33 tổ chức T.Ư, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 31/31 địa phương; hiện đang tiến hành giai đoạn II. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 1321/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Thông tin - Truyền thông đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch. Việc sắp xếp và quy hoạch nhằm hỗ trợ cơ quan báo chí, trong đó có vấn đề tài chính, nhân lực, hạ tầng, những vấn đề liên quan đến mô hình báo chí, giúp báo chí làm tốt hơn sứ mệnh, thúc đẩy phát triển những cơ quan báo chí có thương hiệu, có bề dày, có lượng bạn đọc lớn, định hướng dư luận theo mục tiêu đề ra.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Đoàn công tác Báo Hà Giang tham quan, học tập kinh nghiệm tại Báo Hà Tĩnh. Ảnh: PV |
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh. Về phát triển các sản phẩm báo chí số, chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam trải qua 98 năm hình thành và phát triển đã gặt hái được những thành tựu to lớn, khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Tại hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành T.Ư và địa phương đã khẳng định: Thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xác định năm 2023 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cả nước đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, luôn giữ vững vai trò, sứ mệnh tiên phong trong việc cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội; luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì lợi ích của quốc gia dân tộc.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc