Thưởng trà Shan tuyết đầu núi mùa Xuân

11:00, 19/03/2021

BHG - Ở bản Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang có gần trăm nóc nhà với hơn 400 nhân khẩu. Nhà nào cũng có một rừng chè Shan tuyết cổ thụ, có gốc chè to bằng cả một người ôm mới xuể, cành chè xòe rộng như mái nhà sàn. Mỗi cây chè được ví như ngôi nhà sàn của người Dao áo chàm trên triền núi Tây Côn Lĩnh. Đời người Dao gắn với cây chè Shan tuyết, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế cũng từ cây chè mà ra. Ở Lùng Vài có gần 40ha chè Shan tuyết mang lại thu nhập không nhỏ. Nhờ chè và thảo quả, nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Toàn thôn đến nay không còn hộ nghèo. Đến với Lùng Vài, nếp sinh hoạt của người Dao nơi đây là mỗi sáng sớm hương chè thơm đã thơm tỏa ấm ra cả ngôi nhà rộng. Tình người Dao ấm như chén chè nóng, lời người Dao đượm như hương chè Shan cổ thụ.

Thu hái chè Shan trên dải Tây Côn Lĩnh
Thu hái chè Shan trên dải Tây Côn Lĩnh

Một năm người Dao ở Lùng Vài được hái chè 4 lần, nếu thời tiết thuận lợi. Chè Xuân là vụ chè đượm nhất của năm, bởi sau một mùa Đông dài giá buốt, sương muối phủ trắng núi rừng, cây cối cả một vùng cằn cỗi, héo khô thì cây chè cổ thụ vẫn giữ mình bằng cách mọc mốc trên thân để ủ ấm cho cả cây. Đến khi khí trời ấm lên, sương giá tan dần thì tuyết bám ở thân cây dường như tụ lên mỗi búp chè để dâng cho con người cái tinh túy của đất trời thông qua búp chè và lá non.

Nhất định hái chè phải hái buổi sớm tinh sương, khi mà mỗi búp chè còn ướp sương đêm lóng lánh trên đỉnh búp. Thiếu nữ hái chè dậy khi sương đêm còn quấn quyện ở chân cầu thang nhà sàn. Nắm cơm mang theo buộc bên eo những người con gái lên rừng chè, đến trưa cơm vẫn nóng và eo cũng ấm. Chè cổ thụ được trồng từ đời cụ, đời kỵ rồi, nó đủ sức ngấm sương gió, tích khí trời ở nơi quanh năm mây mù bao phủ. Nó đủ sức vượt qua tất cả những bất thường của khí hậu. Người Dao có câu “Một đời chè, mấy đời người” để nói lên sức sống bền bỉ, kiên cường của những cây chè cổ thụ.

Nhất định phải hái chè bằng bàn tay con gái Dao, bởi cây chè phải chèo lên mới hái được nên không thể dùng dao hay kéo để cắt. Mà mỗi người con gái cũng muốn chính bàn tay mình hái những búp chè non mơn mởn ấp đầy sương gió ấy để nâng niu, để trân trọng cây chè của cha ông đã dày công vun trồng. Buổi sớm mùa Xuân, những người con gái hái chè làm sáng cả một góc rừng. Ít khi đàn ông Dao đi hái chè, nhưng người trồng chè nhất định phải là đàn ông. Cái sự vất vả cuốc đất trồng chè là việc lớn, từ việc chọn đất, chọn giống chè phải là tay người đàn ông, để rồi sau mấy đời người, khi những búp chè như những ngón tay thon nhọn vươn lên trong sương trắng thì dành cho những người phụ nữ thu hái. Thành quả của một dòng họ thì người phụ nữ được thu hái và khi sao lên lại để dành sự thưởng trà cho những người đàn ông mình yêu quý vào những giây phút đầu tiên của ngày mới. Lịch sử của một dòng họ, một gia đình chỉ cần nhìn vào rừng chè là đoán biết được. Ở bản Lùng Vài, xã Phương Độ, chỉ có mấy gia đình người Dao có rừng chè vài người ôm. Sự cổ thụ của rừng chè còn được định rằng dòng họ ấy có lộc, có phúc nối dài dòng họ và sự thịnh vượng của dòng họ, của gia đình.

Lên Lùng Vài, nhìn thiếu nữ Dao hái chè quá trưa, đầy một sọt chè đeo bên hông mới xuống núi. Về đến nhà phải tãi ra cho chè “thở” rồi bắt đầu sao chè. Sao chè ngay khi búp chè chưa kịp héo thì mới giữ được khí chất của đất trời tích ở búp chè. Củi sao chè phải là củi tốt, than đượm thì mới đủ sức nóng làm nổi tuyết trên búp chè. Chỉ có chè cổ thụ khi sao mới nổi được tuyết trên búp chè, chứng tỏ sương gió núi cao, khí trời trên đỉnh Tây Côn Lĩnh tích được trong từng cây chè dồn lên cho búp nổi tuyết trắng. Chính vì thế từ đời cụ, đời ông mới gọi đây là chè Shan tuyết. Shan, âm Hán – Việt là núi, núi cao mây trắng; Tuyết là búp nổi trắng sau khi sao. Chè trồng ở vùng thấp không thể có đặc tính này. Ngày nay, sau bao đời người cây chè Shan tuyết trên vùng người Dao đã được gọi là “Shan tuyết cổ trà”. Cái tên chỉ riêng vùng trà Tây Côn Lĩnh sánh được với thực danh của nó.

Chè Shan tuyết ở Lùng Vài  pha nước suối của dãy Tây Côn Lĩnh vào mỗi sớm. Việc đầu tiên của người con gái, con dâu người Dao là dậy sớm đun nước pha trà cho ông, cho bố. Bếp ấm, nước nóng và hương chè Xuân ngào ngạt khắp gian nhà sàn. Khi gói chè mở ra, hương chè đã tỏa khắp không gian nhà sàn, mái cọ. Nước chè Shan vàng xanh óng ánh trong làn hương chè Xuân lan tỏa khắp không gian nhà sàn, lan ra cả nguồn nước, cả triền ruộng trước nhà mới thấy đời người Dao gắn với dãy Tây Côn Lĩnh, gắn với rừng chè, với những triền ruộng và khí chất người Dao đã được hun đúc từ bao đời nay đã lên hương, đã cất cánh bay lên giữa đất trời, để những người dân tộc anh em bạn bè biết đến một vùng người Dao trên dải Tây Côn Lĩnh với những nét đặc biệt riêng có, không thể lẫn với vùng nào khác.

Người đàn ông uống trà Shan tuyết là uống cả khí trời, là để ngẫm cuộc đời và làm việc lớn. Những việc người đàn ông làm là phải đạt, phải có kết quả, giống như chè shan tuyết uống vào phải vừa chát, vừa đắng, để rồi ngọt hậu, đó là quá trình hành việc của người đàn ông, phải trải qua những vất vả, gian lao của đắng chát thì mới có thành công của ngọt hậu. Chè trồng uống chỉ có hương thơm, vị chát. Nhưng chè Shan tuyết cổ thụ hơn nhau ở chỗ không chỉ có hương thơm ngạt ngào, vị chát thanh mà còn có vị ngọt hậu trong khoang miệng.

Ở Lùng Vài, không người đàn ông Dao nào không biết uống chè. Chính vì thế, việc của người đàn ông là phải tiếp tục trồng chè, để cho đời con, đời cháu chắt mình được sở hữu rừng chè cổ thụ như một vài nhà trong bản. Trong quy trình sản xuất ra chè Shan tuyết, người phụ nữ đi hái chè thì người đàn ông đi lấy củi. Củi ở rừng già, là cây đượm than để dùng sao chè. Khi người phụ nữ sao chè, thì người đàn ông chụm củi. Sự hun đúc ấy kết hợp thành một quy tắc tự nhiên tự khắc có được những mẻ chè đẳng cấp. Nó tự lên hương, tự lên sắc khi được tích tụ khí đất hương trời với tấm lòng và công sức của người làm chè. Những mẻ chè một tôm một lá lên hương mà không cần đánh hương, lên tuyết mà không cần đánh tuyết như chè trồng mới.

Quan sát những cách làm, cách giữ chè của những người Dao ở thôn Lùng Vài, mới thấy chè đã thành "Shan tuyết cổ trà" thì bảo quản là công việc của người phụ nữ. Giữ chè cho được hương, giữ chè cho được mã là cả một sự khéo léo như vun vén gia đình cho tròn vẹn, giữ gìn gia đình cho hạnh phúc. Trà shan phải để trên nhà sàn, ở chỗ khô thoáng, cao ráo để giữ được khí chất, giữ được quyền lực trong gia đình. Nhưng lại phải được ủ bằng bàn tay của người phụ nữ thì mới giữ được chất chè được lâu, hương chè được đượm. Thưởng trà Shan ở đầu núi là thưởng cả bề dày về văn hóa, thưởng cả quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan để chiêm nghiệm, để sống như những cây chè cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngấm sương gió quanh năm mà vững vàng trước bão giông cuộc đời. Nếu ai chưa được uống chén chè Shan tuyết cổ thụ thì coi như cuộc đời còn đang thiếu một phần rất quan trọng. Hãy lên với Lùng Vài mùa Xuân này, để cùng thưởng thức những chén chè Shan thơm nồng đầu vụ, của những tình người đầy ắp dải Tây Côn Lĩnh – Hà Giang.

                                      Tản văn: Chu Thị Minh Huệ (Hội VHNT tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở

BHG - Năm 2020 vừa tròn 20 năm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào thực tiễn, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh. Tại huyện Hoàng Su Phì, phong trào nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đều tự giác, tích cực và đoàn kết xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi từ cơ sở. 

17/03/2021
Những kỳ quan thiên nhiên bí ẩn trên Trái Đất

Trái Đất có rất nhiều điểm du lịch đẹp và kỳ lạ. Đôi khi chúng mang theo hiện tượng tự nhiên mà khoa học vẫn đang đau đầu đi tìm lời giải đáp.

16/03/2021
Quyến rũ sắc Xuân miền cực Bắc

BHG - Mỗi mùa Xuân đến, mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang lại khoác lên mình vẻ đẹp làm đắm say lòng người. Giữa rừng núi mênh mông, nơi đất trời giao hòa cùng cỏ cây, hoa lá, sắc thắm của những cành đào phai hòa trong sắc trắng của hoa mận, hoa lê. Những bước chân trẩy hội của các chàng trai, cô gái người Tày, Dao, Mông… 

15/03/2021
Người lưu giữ làn điệu dân ca dân tộc Tày

BHG - Về thôn Nà Nèn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Hương (sinh 1989); anh là một trong số ít người trẻ tuổi có niềm đam mê và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, trên tay cầm chiếc đàn Tính đi đến các trường học trên địa bàn huyện là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân. 

15/03/2021