Gập ghềnh điểm trường Mầm non Pản Hò, Nhíu Lủng, Mỏ Nhà Cao

07:33, 07/03/2017

BHG- Nằm trên đỉnh núi đá cheo leo, hay dưới thung lũng gập ghềnh hiểm trở, những điểm trường mầm non - nơi ươm mầm khát vọng đi học từ trong núi đá, đang gặp nhiều khó khăn. Điểm trường sập xệ, không đủ che chắn cho các cháu khi đông lạnh giá rét, mưa gió, thiếu điện, nước sạch... là nơi các cô và trẻ ở điểm trường Mầm non Pản Hò, Nhíu Lủng, Mỏ Nhà Cao (Quản Bạ) vẫn tiếp tục việc giảng dạy để hoàn thành phổ cập bậc học mầm non.

Điểm trường Mầm non Mỏ Nhà Cao ở xã Lùng Tám (Quản Bạ).
Điểm trường Mầm non Mỏ Nhà Cao ở xã Lùng Tám (Quản Bạ).

Thương các con như những mầm non mới nhú lên, nhấp nhô đỉnh đầu bé xíu vượt qua núi đá, quãng đường dài và hiểm trở mà đến người lớn cũng phải đi bộ mất cả tiếng đồng hồ mới đến điểm trường, là tâm sự của các cô giáo nuôi dạy trẻ mầm non. Nằm ở thôn Pản Hò, điểm trường Mầm non Pản Hò, thuộc xã Quản Bạ được dựng bằng ván gỗ từ cách đây hơn 20 năm giờ xuống cấp chỉ còn khung nhà là vẫn chắc, những chỗ khác đã bị sửa chữa nhiều lần. Cô giáo Chu Thị Hiền, cho biết: “Do cả thôn chưa có điện, điểm trường thiếu chỗ nấu ăn cho trẻ nên các cháu thường về nhà ăn rồi chiều mới đến học tiếp. Biết là vất vả nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao để nâng cấp điều kiện học, ăn và ở của các cháu”.

Thế nhưng khó khăn nhất phải kể đến điểm trường Mầm non ở xóm Nhíu Lủng, cũng thuộc thôn Pản Hò. Là điểm trường nằm dưới thung lũng được dựng tạm tình trạng xuống cấp của nhà lớp học đã ở mức báo động. Cô giáo Dương Thị Liên, là người gắn bó lâu năm với các điểm Pản Hò, Nhíu Lủng, tâm sự: “Ở cùng một thôn nhưng xóm dưới thung lũng này còn khó khăn hơn. Do đời sống người dân khó khăn, vận chuyển vật liệu khó nên điểm trường được dựng bằng ván gỗ này xuống cấp hơn điểm trường ở trên Pản Hò. Cứ trời mưa là nhà dột, cô và trẻ không có chỗ trú chân, khổ nhất là những tháng mùa đông rét mướt. Đến tận sau Tết học sinh mới ăn trưa ở trường do phụ huynh phải đi làm nương cả ngày. Không có bếp tổ chức nấu ăn cho trẻ, bố mẹ các cháu nấu cơm đựng trong cặp lồng cho con xách đến trường ăn. Trong cặp lồng cũng chẳng có gì ngoài cơm trắng và ít rau. Có những đứa bé được bố mẹ đưa đến, còn những đứa tầm 4 – 5 tuổi thì phải tự mình đi bộ đến trường”. Do không có chỗ nghỉ cho trẻ, buổi trưa cả cô và cháu phải rải chiếu xuống nền đất lạnh để ngồi chơi đồ chơi cho qua giờ. Ở điểm trường này, ngoài một lớp mầm non có 35 trẻ từ 3 – 5 tuổi học, bên cạnh còn một lớp học cho 11 học sinh lớp 1. Gọi là lớp học nhưng thực tế là 1 gian nhà ngăn vách ra thành 2 phòng học. Thiếu ánh sáng do không có điện, không gian học tập chật chội, các thầy cô kể vui, lớp bên này học thì lớp bên kia phải im lặng thì mới nghe giảng được.

Không chỉ thương các bé, các thầy cô dạy ở điểm trường cũng rất vất vả. Như cô giáo Liên nhà ở cách xa điểm trường hơn 10 cây số, đường đi ra trung tâm xã nhiều đá cục, trơn trợt khó đi, nhưng hàng ngày vẫn phải đi lại trên quãng đường này, kể cả khi trời mưa gió, do sợ trường sập xuống nên không dám ở lại. Cô Liên kể kỷ niệm vui, do mức lương thấp nên những lúc đi về nhà các thầy cô lại tranh thủ mua rau, gà, vịt của dân để mang ra ngoài xã bán, kiếm thêm thu nhập.

Các cháu mầm non điểm trường Nhíu Lủng, xã Quản Bạ tự đi bộ về trường sau khi được nhận quà của đoàn từ thiện.
Các cháu mầm non điểm trường Nhíu Lủng, xã Quản Bạ tự đi bộ về trường sau khi được nhận quà của đoàn từ thiện.

Không khác những điểm trường trên là mấy, điểm trường Mỏ Nhà Cao ở xã Lùng Tám nằm ở trên đỉnh núi cao cách trung tâm xã 8 cây số. Cô giáo Vùi Thị Hoàn, thật thà chia sẻ: “Điểm trường chỉ có 24 trẻ ở độ tuổi từ 3 – 5 tuổi; dù đồ dùng học tập khá đầy đủ do có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các cháu song cơ sở vật chất thì xuống cấp. Điểm trường được dựng bằng ván gỗ, vào mùa Đông mây mù nhiều nên rất ẩm ướt, nếu sương nặng thì trong nhà ướt cả, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dù các cô đã tìm thêm bạt để vây xung quanh. Thiếu bếp ăn, nước sạch các cô không tổ chức nấu ăn cho trẻ được mà chi trả lại số tiền 120 nghìn đồng/tháng cho phụ huynh tự nấu cơm trưa cho con ăn”. Dù điều kiện khắc nghiệt là vậy song tỷ lệ huy động trẻ đến trường vẫn đạt cao, hàng ngày trẻ đến trường đầy đủ.

Theo ngành chuyên môn, việc giáo dục mầm non rất quan trọng do đây là bước chuẩn bị cho trẻ lên lớp 1. Nhất là đối với những trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, càng cần học mầm non hơn để làm quen với tiếng nói và các chữ số. Thực hiện chương trình giáo dục mầm non, các cháu vẫn được học đầy đủ các kỹ năng như giáo dục phát triển hành vi, thói quen tốt cho trẻ, hình thành thói quen vệ sinh, nề nếp trong lớp học... Để giúp đỡ giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, mong rằng mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng các điểm trường.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Giang lần thứ III

BHG- Sáng 28.2, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tp. Hà Giang tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Tp. Hà Giang, Hội VHNT tỉnh và đông đảo hội viên Hội VHNT thành phố.

28/02/2017
Xây dựng Công viên Địa chất, nhiệm vụ cả hệ thống chính trị

BHG- Ngày 30.7.2013, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC)- Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 – 2020. Trên cơ sở đó, những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của CVĐCTC- Cao nguyên đá. 

28/02/2017
Lễ hội Bàn Vương xã Ngọc Đường

BHG- Ngày 27.2 (tức ngày 2.2 Âm lịch), đồng bào dân tộc Dao tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) tưng bừng tổ chức Lễ hội Bàn Vương. Tới dự có các đồng chí lãnh Tp. Hà Giang, xã Ngọc Đường, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. 

27/02/2017
Hoàng Su Phì công bố Quyết định xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa của huyện

BHG - Tối 26.2, tại sân vận động trung tâm huyện, huyện Hoàng Su Phì đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng và xếp hạng bổ sung di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang của huyện. Tới dự buổi Lễ có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao - du lịch; lãnh đạo 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và đông đảo bà con nhân dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì)…

27/02/2017