Đổi mới toàn diện giáo dục - từ khẩu hiểu đến hành động

08:15, 09/09/2015

BHG - Năm học mới 2015-2016 đã chính thức khởi động. Trong bộn bề lo toan, trong nỗ lực khắc phục những khó khăn, thiếu trước hụt sau về cơ sở vật chất, giáo dục tỉnh nhà cũng đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa... theo Chương trình số 104-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng.

Bắt đúng... “bệnh”

Năm 2014, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 104-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4.11.2013 của BCH T.Ư Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Chương trình 104 đã bắt đúng “bệnh” của giáo dục tỉnh nhà, đồng thời đề ra những mục tiêu, hành động cụ thể và được coi như kim chỉ Nam, chìa khóa mở ra thành công.

Thi kéo co trong ngày khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Hồng Quân (TP Hà Giang).  		Ảnh: Nguyên Hạnh
Thi kéo co trong ngày khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Hồng Quân (TP Hà Giang). Ảnh: Nguyên Hạnh

Theo nhận định của giới chuyên môn, sự nghiệp giáo dục tỉnh ta thời gian gần đây có bước chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng; công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với giáo dục được quan tâm, chú trọng; các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể đã tích cực, thường xuyên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” cho giáo dục phát triển và có nhiều giải pháp phát huy nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Ngành Giáo dục luôn chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành các kế hoạch, đề án, chương trình, đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực.

Cũng theo nhận định đó, thực tế đã chứng minh, có lúc, có nơi một số cấp ủy, chính quyền chưa sát sao trong lãnh đạo, quản lý giáo dục; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập, đánh giá giáo dục chưa đúng với thực chất. Việc duy trì sĩ số của các cấp học hết sức khó khăn, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn còn ở các huyện vùng cao, vùng sâu. Hiện tại, dù đã được đầu tư, nhưng cơ sở vật chất, thiết bị, nhà công vụ, lưu trú còn thiếu, nhiều công trình chưa được xây dựng kiên cố, đang xuống cấp, khó đáp ứng được nhu cầu lưu trú, dạy học của giáo viên, học sinh; tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia chưa đáp ứng được. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ điều kiện, nhưng một bộ phận chưa đáp ứng với yêu cầu về chuyên môn, thiếu tâm huyết và trách nhiệm, chưa đủ năng lực đảm đương công việc được giao. Ngoài ra, chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành trường học của nhân dân, chưa phát huy vai trò nâng cao dân trí; giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) còn hạn chế. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa có chiều sâu, việc phối hợp giáo dục, quản lý học sinh giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn nhiều bất cập...

Ra... “đề toán” cho giáo dục

Từ thực tại đó, Chương trình 104 của BCH Đảng bộ tỉnh đặt ra... “bài toán” cho ngành giáo dục tỉnh nhà đó là phải từng bước củng cố, hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống các trường Mầm non; hoàn thành và duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm nay, nâng cao chất lượng phổ cập vào những năm tiếp theo. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung duy trì sĩ số học sinh, đảm bảo tỷ lệ huy động, đặc biệt ở các vùng khó khăn; chú trọng giáo dục toàn diện, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo, tự học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, khuyến khích học tập suốt đời; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS. Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm gắn với các ngành kinh tế công nghiệp, nông - lâm nghiệp, dịch vụ tại địa phương. “Bài toán” cho giáo dục chuyên nghiệp phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, kiến thức, năng động, sáng tạo gắn với nhu cầu xã hội; đa dạng các ngành nghề, hình thức, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng việc phát triển của tỉnh.

Với định hướng đó, ngành Giáo dục và cả hệ thống chính trị đang nỗ lực giải “đề toán”, đã có bước đi phù hợp nhằm đưa sự nghiệp trồng người phát triển toàn diện. Kết thúc năm học vừa qua, chúng ta có thể tự hào, trong điều kiện “bầu sữa” ngân sách hết sức eo hẹp, nhưng hệ thống trường lớp đã phân bố rộng trên phạm vi toàn tỉnh với 850 trường và cơ sở giáo dục. Các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú và bán trú được duy trì ổn định với 13 trường PTDT nội trú, 124 trường PTDT bán trú; 126 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Không chỉ mở rộng hệ thống hạ tầng cơ sở, ngành Giáo dục đã sớm triển khai thực hiện một loạt chương trình, đề án, kế hoạch như: Gắn giáo dục với dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên; phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; xây dựng xã hội học tập... Thực hiện các đề án trên, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 2.232 học viên học nghề, trong đó tuyển mới được 705 học viên; 193/195 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tính đến cuối tháng 5 vừa qua, đã đầu tư được 111 phòng học với kinh phí trên 47 tỷ đồng. Đề án Nâng tỷ lệ tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT trên địa bàn các huyện 30a, sau 3 năm thực hiện, tỷ lệ tuyển sinh THPT các huyện 30a tăng trên 8%. Thực hiện Đề án Liên kết đào tạo sau đại học, đến nay có 194 cán bộ công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước đạt trình độ thạc sỹ, 20 bác sỹ trình độ chuyên khoa II. Đối với kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông, toàn ngành có 554 giáo viên dạy tiếng Anh. Từ năm 2012 đến nay, ngành Giáo dục đã tổ chức bồi dưỡng năng lực, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, ngôn ngữ sư phạm tiếng Anh cho 748 lượt giáo viên; 6 giáo viên được bồi dưỡng tại Philippin, Hoa Kỳ, trang bị 32 phòng học ngoại ngữ...

Theo thầy Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT, thành công cơ bản nhất của quá trình triển khai thực hiện Chương trình 104 đã tạo ra được nhận thức toàn diện, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với giáo dục. Những người làm công tác giáo dục được tiếp thêm nguồn xung lực mới vô cùng mạnh mẽ, khơi thêm nhiệt huyết, thêm tin tưởng để tiếp tục nỗ lực với sự nghiệp trồng người.

Nông Quốc Đoàn - Trường Chính trị tỉnh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bàn giao nhà bán trú tặng Trường PTDT bán trú tiểu học Bát Đại Sơn

BHG- Ngày 28.8, tại xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) Đoàn công tác của Cục Dân vận (Bộ Quốc phòng), Quân khu 2, Bộ CHQS tỉnh, tiến hành khánh thành và bàn giao công trình nhà bán trú cho Trường PTDT bán trú Tiểu học của xã.

31/08/2015
Giao lưu hai Chi đoàn Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang

BHG- Nhằm thiết thực chào mừng 70 năm Quốc khánh 2.9, trong hai ngày 29 và 30.8, Chi đoàn Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang đã tổ chức giao lưu bóng đá và thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tuyên Quang). 

31/08/2015
Lễ hội chọi trâu xã Yên Hà lần thứ II

BHG- Trong 2 ngày 26 và 27.8 (tức ngày 13 và 14.7 Âm lịch), xã Yên Hà, huyện Quang Bình tổ chức Lễ hội chọi trâu lần thứ II, năm 2015.

28/08/2015
Hội Khuyến học tỉnh giám sát phong trào khuyến học, khuyến tài tại 4 huyện vùng cao phía Bắc

BHG- Trong 3 ngày từ 25 - 27.8, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức đợt giám sát, nắm tình hình công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đoàn công tác của Hội do đồng chí Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh làm trưởng đoàn.

28/08/2015