Góp phần làm nên "vườn hoa" báo chí

09:50, 02/04/2019

BHG - Vậy là đã 55 năm, ngày 13.4.2019, Báo Hà Giang – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh tròn tuổi 55. Hơn nửa thế kỷ qua, Báo Hà Giang đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Lê Nin đã nói: Tờ báo là người “Tổ chức tập thể, cổ động tập thể và tuyên truyền tập thể”.

Tác giả tác nghiệp tại cơ sở.                                Ảnh: Tư liệu
Tác giả tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Tư liệu

55 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, có được như hôm nay Báo Hà Giang đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đổ mồ hôi, có khi cả máu của biết bao thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên, anh chị em hành chính phục vụ, như những mắt xích, tạo nên thắng lợi to lớn, vẻ vang, ngày càng thể hiện được bản lĩnh của tờ báo Đảng, được Đảng bộ và nhân dân tin yêu…

Cách đây 43 năm, tỉnh Hà Tuyên (gồm 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) được sáp nhập (năm 1976), lúc đầu tỉnh lỵ đóng ở thị xã Hà Giang. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, tháng 2.1979 ở biên giới Hà Tuyên, tỉnh lỵ Hà Tuyên được chuyển về đóng tại thị xã Tuyên Quang. Sau 16 năm thành lập tỉnh Hà Tuyên, ngày 12.8.1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Tuyên để tái lập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Những năm còn là tỉnh Hà Tuyên, tôi là bộ đội Trung đoàn 122, Sư đoàn 313 chuyển ngành sang làm phóng viên Báo Hà Tuyên.

Sự tái lập tỉnh Hà Giang lúc đó đã tạo ra không khí, vui, buồn xen lẫn. Bởi về công tác tổ chức bộ máy, các ngành phải chia đôi, một phần ở lại Tuyên Quang, một phần lên tỉnh Hà Giang. Những người ở Hà Giang cũ có cơ hội được quay trở lại gia đình, ngôi nhà thân yêu của mình sau nhiều năm xa cách. Những người ở tỉnh Tuyên Quang cũ thì chuẩn bị được điều động lên Hà Giang công tác, trong khi cuộc sống đang ổn định… Và một trong những cơ quan phải chia hai đó là Báo Hà Tuyên. Những người làm Báo Hà Tuyên ai cũng xác định được nhiệm vụ. Nhưng ai đi, ai ở lại là cả một sự “đấu tranh” giằng co, dằn vặt trong tư tưởng mỗi người.  Nhưng tổ chức đã giao nhiệm vụ thì người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thi hành. Với tôi, là bộ đội chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc được chuyển ngành, đã xây dựng gia đình và có nhà ở Tuyên Quang, cũng được tổ chức phân công quyết định lên làm việc tại Báo Hà Giang.

Để chuẩn bị tốt cơ sở vật chất bước vào nơi làm việc mới, tỉnh Hà Tuyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị… cử đại diện lên Hà Giang nhận địa điểm mới, chủ động tu sửa, và nếu cần thì làm mới những phần thiết yếu để khi chính thức cơ quan lên là có thể ổn định sinh hoạt, bắt tay vào làm việc.

Và cái ngày chia tay lên Hà Giang đã đến. Đúng sáng 1.10.1991, chiếc xe ca cũ kỹ đưa Đoàn cán bộ, phóng viên lên nhận nhiệm vụ xây dựng tờ Báo Hà Giang sau tái lập. Trên xe có 10 cán bộ, phóng viên từ Báo Hà Tuyên cũ tách lên, gồm: Hoàng Kiệm, phụ trách Báo Hà Giang; Đặng Quang Vượng, phụ trách Phòng Trị sự - Hành chính; Lại Cao Khải, phụ trách Phòng Thư ký – xuất bản; các phóng viên Phương Hoa, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Đức Dũng... Cuộc tiễn đưa của đồng nghiệp Báo Tuyên Quang với đoàn chúng tôi thật bịn rịn, những cái bắt tay rất chặt và lâu; những cái ôm thắm thiết tình đồng nghiệp, tình bè bạn, anh em và không thể không có những dòng nước mắt… Lúc đó tôi có cảm giác mình được vinh dự như những người lính ra tiền tuyến… Đoàn xe chúng tôi hòa vào nhiều đoàn xe của các cơ quan lên Hà Giang nhận công tác…

Báo Hà Giang được tỉnh phân ở  2 dãy nhà cấp 4, mái ngói đã cũ, mỗi dãy nhà có 5 gian, địa điểm bên bờ sông Lô, nay là vị trí của đơn vị Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh). Thiếu giường nằm, thiếu điện, thiếu nước, cỏ mọc đầy sân và quanh nhà. Mặc dù rất mệt mỏi sau hơn 150 km đường cấp phối, xóc nảy người… khi đến nơi, chúng tôi phải khẩn trương ổn định chỗ ở, tu sửa, cải tạo, làm mới những thứ thiết yếu nhất để phục vụ sinh hoạt và làm việc. Đồng thời phải bắt tay vào làm báo để kịp ra số đầu tiên. Công tác tổ chức cán bộ của Báo Hà Giang ít ngày sau đó được ổn định; các đồng chí: Nguyễn Văn Yêu, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Hà Tuyên, đang công tác tại HĐND huyện Bắc Quang, được Tỉnh ủy Hà Giang bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập; Hoàng Kiệm, được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng Biên tập; Đặng Quang Vượng, được bổ nhiệm Phó phòng Phóng viên; Lại Cao Khải, được bổ nhiệm Phó phòng Biên tập; Hoàng Thị Phong, từ Văn phòng huyện Bắc Quang, được bổ nhiệm Trưởng phòng Trị sự - Hành chính… Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, công tác phóng viên, biên tập cũng được ổn định. Đặc biệt, đội ngũ phóng viên cơ bản được đáp ứng.

Trước thời điểm tái lập tỉnh, để có số lượng phóng viên cần thiết cho Báo Hà Giang, Tỉnh ủy Hà Tuyên đã giao nhiệm vụ cho Báo Hà Tuyên đi các huyện, thị trong tỉnh, tuyển chọn một số con em các dân tộc tốt nghiệp cấp III, yêu thích nghề và có năng khiếu viết báo về đào tạo, bồi dưỡng làm phóng viên tại địa phương từ đầu năm 1991. Trong thời gian đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ phóng viên ấy, tôi được Ban Biên tập Báo Hà Tuyên phân công giúp đỡ, theo dõi và đưa đi thực tế tại một số cơ sở. Dạo đó, tôi nghĩ việc tuyển chọn đào tạo phóng viên cho Báo là công việc bình thường của cơ quan báo chí. Bởi trong Tòa soạn Báo Hà Tuyên lúc đó, số người làm báo học qua Trường Báo chí Trung ương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần chưa được bồi dưỡng về báo chí. Các phóng viên “tạo nguồn” (chúng tôi hay gọi số phóng viên mới tuyển vào học việc) sẽ thay chỗ cho một số phóng viên cũ đi học Trường Báo chí Trung ương. Đa số các phóng viên tạo nguồn còn rất trẻ, có trình độ văn hóa, nhanh nhẹn, sáng tạo, ham học hỏi nên trưởng thành nhanh. Và họ đã đảm nhận nhiệm vụ, công việc của người phóng viên sau này khá tốt.

Bên cạnh đó, Ban Biên tập Báo Hà Tuyên phân công tôi và phóng viên Đỗ Hùng chuẩn bị Măng-sét tờ Báo Hà Giang và xin phê duyệt.

Nhiệm vụ của tờ Báo Hà Giang tháng 10.1991 là phải nhanh chóng ra được số báo đầu tiên, đáp ứng thông tin sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, các cấp, ngành… sau những ngày tái lập; biểu dương các cơ quan, đơn vị và gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua trên các lĩnh vực chính trị - đời sống, lao động, sản xuất, học tập, công tác; an ninh - quốc phòng, bảo vệ biên giới và công tác xây dựng Đảng… Báo Hà Giang lúc đó xuất bản 1 tuần một số, phát hành 1.000 tờ/số. Rồi tiếp các năm sau xuất bản 3 số /tuần; số lượng phát hành 3.000 tờ/kỳ… Để có tin tức kịp thời phục vụ xuất bản báo, anh em phóng viên lúc đó quá ít nên phải “guồng chân” chạy khắp nơi nắm tình hình, phát hiện, khai thác tài liệu. Một phóng viên phải viết nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng, kể cả công tác xây dựng Đảng; vừa viết vừa chụp ảnh… Với tinh thần yêu nghề, trách nhiệm cao và chịu khó học hỏi, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang thời gian đầu đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tờ Báo Hà Giang dần nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, chuyển tải được các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đến nhân dân; bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh trung thực, khách quan, kịp thời tình hình từ cơ sở, xây dựng được phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân… được Đảng bộ tỉnh và nhân dân đánh giá cao.

Thời gian là thước đo giá trị của công việc. Hôm nay Báo Hà Giang đã trưởng thành về mọi phương diện; trang thiết bị hiện đại, với 3 ấn phẩm báo chí, tờ báo ra hàng ngày, số lượng phát hành gần 1 vạn bản; có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân  viên trẻ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị tốt, yêu nghề, được rèn luyện qua thử thách nghề nghiệp, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng bộ giao cho. Trong số cán bộ phóng viên thời kỳ tái lập tỉnh Hà Giang, nay đã trưởng thành cán bộ lãnh đạo quản lý Báo chí ở tỉnh, như : Thạc sĩ báo chí, Nhà báo Nguyễn Trung Thu, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Hà Giang; Nhà báo Sùng Mí Chứ, Phó Tổng Biên tập, làm báo từ năm 1979; Nguyễn  Bình Minh, Phó Tổng Biên tập và nhiều phóng viên “tạo nguồn” năm xưa, nay đang giữ cương vị Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ Báo Hà Giang… Đó là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang Báo chí tỉnh nhà của cả một tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hà Giang qua các thời kỳ, đã làm nên “vườn hoa” Báo chí Hà Giang hôm nay.

ĐẶNG QUANG VƯỢNG

(Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành

BHG - Ngày 29.3, tại UBND huyện Bắc Quang, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi họp bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang, niên vụ 2018 – 2019. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình; lãnh đạo các xã, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến cam Sành của huyện Bắc Quang, Quang Bình…

30/03/2019
Quang Bình sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05

BHG - Sau 3 năm triển khai, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, làm chuyển biến rõ nét từ nhận thức tới hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình. Những tấm gương tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.

29/03/2019
Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng

BHG - Ngày 29.3, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn tỉnh học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV tỉnh ủy; các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành phố; báo cáo viên cấp tỉnh.

29/03/2019
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam

BHG - Sáng 29.3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Văn phòng Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam về tình hình sử dụng gói hỗ trợ (ODA) có ràng buộc, giá trị 440 triệu Euro của Hungary dành cho Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có ông Ory Csaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.

29/03/2019