Để nhân tài là “nguyên khí quốc gia”

07:55, 28/09/2011

“Chiêu hiền đãi sĩ” luôn là vấn đề của mọi thời đại. Tuy nhiên, để có được đội ngũ nhân tài phục vụ cho sự phát triển đất nước không phải là chuyện dễ. Hiện nay, chúng ta đang cần lực lượng lao động có tri thức, có năng lực và vấn đề được đặt ra là tuyển chọn và sử dụng nhân tài như thế nào? 


Nhân tài có như “lá mùa thu”?

Tại hội thảo “Công tác nhân tài ở Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học về công tác nhân tài thuộc Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo, sử dụng nhân tài ở nước ta hiện nay đang có những hạn chế, bất cập. Trong đó còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các trường phổ thông và ĐH. Trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt hạn chế… Có không ít người tài không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp…

Sinh viên Việt Nam vốn được đánh giá cao và nhanh nhạy, thông minh, cần cù, chịu khó. Đây cũng là nguồn nhân lực đồi dào và chủ yếu để cung ứng cho đất nước. Thế nhưng, có một “điệp khúc” là sinh viên học xong ra trường lại phải “chạy đôn chạy đáo” đi tìm việc làm. Đối với những tân cử nhân, kỹ sư vừa ra trường mang trong mình bầu nhiệt huyết thì hành trang đi xin việc quả là rất vất vả, có người không đủ kiên nhẫn đành phải chấp nhận làm những công việc trái nghề. Chị Nguyễn Thị Thanh, hiện đang công tác tại công ty xi măng Hà Tiên, Q. Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ với chúng tôi: “Quê tôi ở một tỉnh phía Bắc, gia đình tôi có ba chị em gái, hai chị tôi tốt nghiệp ĐH loại khá, tôi tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Vừa ra trường, chị em tôi chạy ngay về quê nộp hồ sơ khắp nơi. Đợi mãi, không nơi nào tuyển dụng nên tôi đành phải vào TP. HCM sinh sống. Nghe tỉnh có chính sách thu hút cử nhân tốt nghiệp loại giỏi về địa phương, nhưng nộp hồ sơ xong thì chờ đợi mãi, đến hỏi thăm thì họ cho biết là cứ đợi!”. 

Tân cử nhân tài năng của đất nước
Tân cử nhân tài năng của đất nước

Cần chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”

Làm thế nào để định ra một tiêu chí thống nhất về nhân tài, từ đó có chiến lược, cơ chế quy hoạch, sử dụng nhân tài đang là vấn đề được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tập trung mổ xẻ, phân tích.

Người tài cần gì? Đó là câu hỏi nhiều người, nhiều cơ quan, ban ngành đã đặt ra trong thời gian qua. Sinh viên vừa ra trường vốn cần môi trường làm việc năng động, có tính cạnh tranh và cần có sự sáng tạo, đổi mới. Trong quá trình hoạt động, sáng tạo và phấn đấu tài năng sẽ được phát hiện. Chắc chắn người có tài thật sự sẽ không ngại thử thách.

Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ, thuộc Ban Tổ chức trung ương thì một trong những lý do khiến các cơ quan ở địa phương khó thu hút người tài vì môi trường làm việc không khuyến khích sáng kiến, người tài không có điều kiện phát huy chuyên môn… Còn theo TS Nguyễn Quốc Bình- Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM thì một trong những cách chiêu hiền là nhắm vào những người đang thành công ở nước ngoài. Song, làm sao mời được họ về nước làm là một vấn đề nan giải. Trước hết phải có chính sách chiêu hiền của những người chủ chốt. Những người này sẽ tiến cử hay tìm những người tài khác. “Không giỏi làm sao biết người khác giỏi hay kém. Những khoản lương hậu hĩnh, những điều kiện làm việc tốt thường là phương pháp của nước ngoài. Việt Nam nếu muốn có được những người tài, ngoài kêu gọi lòng yêu nước chắc chắn cần phải áp dụng những phương pháp của nước ngoài vẫn đang làm để có thể bắt nhanh với nền kinh tế hội nhập” - ông Bình nói.

Các nước đào tạo, sử dụng nhân tài như thế nào?

Các công trình nghiên cứu về giáo dục sớm trên thế giới đều cho rằng, sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đời người, đặc biệt là giai đoạn từ 0- 3 tuổi là “Giai đoạn vàng”, “Cửa sổ của cơ hội” để bộ não phát triển và hoàn thiện. Quan tâm sớm nhất đến giáo dục đối với lứa tuổi trước khi đi học là nước Mỹ. Từ năm 1974, Mỹ đã thành lập Cục Giáo dục thiên tài nhi đồng thuộc Bộ Giáo dục Liên bang và xuất hiện Chương trình giáo dục 0 tuổi. Trường ĐH danh tiếng Harvard cũng bắt đầu nghiên cứu “công trình 0 tuổi”. Năm 1974, nước Anh cũng thành lập Hiệp hội Thiên tài nhi đồng quốc gia và đặt các phân hội tại 34 địa phương trên toàn lãnh thổ.         

Tại châu Á, ngay từ rất sớm, Nhật Bản đã sáng lập trường học anh tài, chuyên chiêu sinh và đào tạo nhi đồng có khả năng phi thường, thành lập Hiệp hội Khám phá tiềm năng nhi đồng và đã xuất hiện “kế hoạch 0 tuổi”. Trên tinh thần đó, phổ biến nâng cao tố chất nhi đồng, đào tạo ra số lượng lớn các trẻ thông minh sớm, nước Nhật đã cải tạo thành công chất lượng nòi giống cả về trí tuệ và thể lực, trở thành một trong những nước có tiềm lực khoa học công nghệ, kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Thời điểm hiện nay, các quốc gia như Đức, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đều trong giai đoạn triển khai những dự án, kế hoạch giáo dục sớm cho trẻ. Trung Quốc nghiên cứu, thí nghiệm và thực hiện Phương án 0 tuổi - tên gọi của “Công trình giáo dục ưu việt lứa tuổi 0 - 6 và phương án thực hiện”. Đây chính là một trong nhiều bí quyết giúp Trung Quốc đuổi kịp tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới.

Bồi dưỡng nhân tài khi tuổi còn thơ
Bồi dưỡng nhân tài khi tuổi còn thơ

Để có được nguồn nhân tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhiều quốc gia đã sử dụng các chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” và “trải thảm đỏ” nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Ở Trung Quốc, việc thu hút nhân tài được xem như là chiến lược quan trọng và lâu dài. Nhân tài cần thu hút được chia làm 2 loại, thứ nhất là các nhà khoa học nổi tiếng người gốc Hoa trên thế giới về định cư tại Trung Quốc; thứ hai là các nhà khoa học hàng đầu thế giới mỗi năm tới TQ từ vài tháng đến nửa năm để giảng dạy hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học.

Singapore có chính sách sử dụng nhân tài rất tốt, giới lãnh đạo luôn có xu hướng dùng người tài để phục vụ mục tiêu chung của dân tộc; có tiêu chí đánh giá năng lực rõ ràng; có cơ chế tốt để hấp dẫn và khuyến khích người tài. Tiêu chí đánh giá năng lực của Singapore bao gồm: những thành tựu đã được công nhận, khát vọng cống hiến và thư giới thiệu, đánh giá của những người có uy tín trong xã hội. Như một người muốn được thăng chức, ngoài những kết quả đã đạt được, phải có thư đánh giá của 6 người có uy tín ở bên ngoài cơ quan, không có họ hàng hay quyền lợi gì liên quan. Ngoài ra, cơ quan cũng tự tìm những người khác đánh giá về cá nhân này để đảm bảo tính khách quan và đúng đắn trong việc nhìn nhận một con người.    

"Tôi nghĩ một bộ phận (có thể là không nhỏ) SV ra trường làm không đúng nghề. Với các nước phát triển thì là chuyện bình thường. Ở ta, tôi nghĩ là phí phạm. Chúng ta còn nghèo mà dành tiền đào tạo nhân lực rồi không sử dụng đúng ngành nghề được đào tạo là một sự lãng phí. SV không xin được việc làm hoặc tìm kiếm việc làm khó khăn vì chúng ta chưa gắn được đào tạo với sử dụng. Phải có kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực. Chẳng hạn trong vòng vài chục năm, lao động trong các ngành kinh tế quốc dân biến động như thế nào? Bao nhiêu nhân lực được sử dụng cho ngành này, ngành kia và bao nhiêu cần phải được đào tạo, đào tạo ở cấp độ nào? Đó là việc của Nhà nước. Người học và cơ sở đào tạo chỉ căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động để tuyển người học và người học lựa chọn nghề để học thôi. Hiện nay, còn tình trạng thừa/thiếu vì chúng ta chưa có được (hay không có được) những dự báo về nhu cầu sử dụng lao động, sử dụng nhân lực trong các ngành kinh tế, trong các cơ sở nghiên cứu, trong các công sở".

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (TP.HCM)


gdtd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Iran sẽ đưa tàu chiến đến gần vùng biển của Mỹ"
Hãng tin IRNA ngày 27/9 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari, tuyên bố hải quân nước này, từ 1 năm qua đang tìm cách tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển quốc tế, sẽ đưa tàu chiến tới gần vùng biển của Mỹ. Đây sẽ là hành động làm căng thẳng gia tăng đáng kể giữa hai quốc gia thù địch này.
28/09/2011
Con trai của Gaddafi lại xuất hiện trên truyền hình
Đài truyền hình Arrai TV ngày 27/9 đã phát sóng đoạn băng ghi hình về cái mà đài này nói là người con trai Saif al-Islam của ông Gaddafi.
28/09/2011
Bộ trưởng Quốc phòng của Bolivia đệ đơn từ chức
Ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia, bà Cecilia Chacon, đã đệ đơn từ chức để phản đối vụ trấn áp của cảnh sát nước này nhằm vào một cuộc biểu tình của người thổ dân da đỏ phản đối dự án đường cao tốc chạy qua khu bảo tồn rừng nhiệt đới.
27/09/2011
Ai Cập bác bỏ tin người nhà Gaddafi sang nước này
Trang mạng Al Aram dẫn các nguồn tin an ninh Ai Cập bác bỏ tin tức ngày 26/9 nói rằng các thành viên trong gia đình của ông Muammar Gaddafi từng vượt biên giới sang Algeria sau khi Tripoli rơi vào tay lực lượng nổi dậy, đã bay sang Ai Cập.
27/09/2011