Vị Xuyên: Huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới

17:13, 21/10/2011

HGĐT- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Nhân dịp huyện Vị Xuyên tổ chức lễ phát động toàn huyện chung sức xây dựng NTM, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí Lưu Đình Phát, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Trưởng BCĐ xây dựng NTM của huyện:


PV: Đồng chí cho biết thực trạng xây dựng NTM của huyện Vị Xuyên trong những năm qua?


 
Đồng chí Lưu Đình Phát: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư, của tỉnh, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của huyện đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực nông thôn Vị Xuyên có tới trên 90% dân số và laođộng. Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của huyện đã thu được những kết quả khá tích cực: Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2010 đạt trên 45.887 tấn, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 29,9% tổng giá trị nền kinh tế toàn huyện; bình quân lương thực đầu người đạt 479 kg góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trong lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, đặc biệt kỹ thuật thâm canh ngày càng được nâng cao; các chương trình, dự án được tập trung đầu tư vào nông, lâm nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, các làng nghề đã và đang đầu tư phát triển, chế biến vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; toàn huyện hiện có: 104 HTX, trong đó có 13 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 15 trang trại; kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhiều công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng. Các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xoá nhà tạm đạt kết quả khá; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được đảm bảo.Ngoài ra, công tác đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn được chú trọng phát triển đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn của huyện...


Tuy nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, huyện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ; quản lý, khai thác tài nguyên đạt kết quả chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt thấp (28%); kinh tế hàng hoá phát triển chưa mạnh; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao (hộ nghèo 34,56%, cận nghèo 17,64%); hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thuỷ lợi, trường học, điểm bưu điện, trạm y tế, cơ sở vật chất về văn hóa - thể thao, chợ nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa nghiêm; việc giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong các cộng đồng dân cư còn nhiều hạn chế; chất lượng làng văn hoá, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân một số mặt chưa đạt kết quả tốt. Hoạt động của hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; vai trò lãnh đạo của một số tổ chức Đảng còn hạn chế; quản lý nhà nước ở cơ sở trên một số lĩnh vực còn yếu kém; đội ngũ cán bộ ở một số xã chưa đạt chuẩn... Nguyên nhân là do nhận thức về xây dựng NTM ở một số cấp uỷ, chính quyền chưa đầy đủ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế, chưa huy động được các nguồn lực để xây dựng nông thôn; tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân...


PV: Trước những thực trạng như hiện nay, huyện Vị Xuyên đã đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ gì để đẩy mạnh xây dựng NTM?


Đồng chí Lưu Đình Phát: Xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã phải đóng vai trò chủ đạo; xác định hộ nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng, phát triển NTM. Xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, khơi dậy tính tích cực, tự chủ vươn lên của nhân dân, của các thành phần kinh tế. Đặc biệt các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xác định công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước; xây dựng đề án, quy hoạch và thực hiện quản lý quy hoạch, phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được xác định là khâu then chốt. Quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới phải đảm bảo đồng bộ, hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Gắn xây dựng NTM với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhằm đạt được mục tiêu: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hợp lý; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - thương mại - du lịch và làng nghề; gắn quy hoạch phát triển nông thôn với quy hoạch phát triển thị tứ và bố trí các điểm dân cư; xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, văn minh, hiện đại đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc; đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái; làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên... Theo đó đến năm 2012, Vị Xuyên phấn đấu có 100% xã hoàn thành quy hoạch và đến năm 2015 có 8/22 xã (đạt 36%), năm 2020 có 17/22 xã (đạt 77%) đạt tiêu chuẩn NTM (theo bộ tiêu chí về nông thôn mới của tỉnh); 22/22 xã, có đường nhựa đến trung tâm; trên 70% thôn bản có đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông; 100% hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; không còn hộ sống rải rác trên các triền núi cao và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; 100% thôn bản có điện lưới quốc gia, 70% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống thuỷ lợi được cứng hoá trên 70%; 100% thôn bản có nhà văn hoá, sân bãi thể thao phù hợp; 100% xã có chợ, điểm bưu điện văn hoá và sử dụng dịch vụ Internet. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%, tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 45%. Duy trì 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có trên 25% trường học các cấp đạt Chuẩn quốc gia; lao động nông thôn được qua đào tạo đạt trên 40% (trong đó 30% được đào tạo nghề); 80% hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có quy hoạch khu tập trung thu gom rác thải và quy hoạch nghĩa trang, đến năm 2020 tỷ lệ này là 100%; duy trì 100% thôn bản đạt tiêu chuẩn làng văn hoá, 88% hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá; 100% xã không có tảo hôn, không có gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Hệ thống chính trị đến năm 2015 có 90% cán bộ xã đạt chuẩn; hàng năm có trên 85% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế tai nạn, tệ nạn xã hội và trọng án xảy ra trên địa bàn; 100% xã không có khiếu kiện đông người, vượt cấp...


PV: Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trên, giải pháp của huyện là gì?


Đồng chí Lưu Đình Phát: Phải tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, bởi đây là chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Coi việc xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai đồng bộ các nội dung giải pháp về xây dựng nông thôn mới, tập trung vào 11 nội dung xây dựng NTM đã đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia, tạo được cơ sở, bước đi vững chắc trong việc triển khai trong từng giai đoạn phù hợp với từng vùng, từng địa bàn, từng xã trong huyện. Đối với Vị Xuyên, xây dựng NTM được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2020 và chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020. Kết thúc giai đoạn 1, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện sẽ tiến hành tổng kết giai đoạn, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua xây dựng NTM, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM để làm cơ sở triển khai tiếp giai đoạn 2 và tổng kết vào năm 2020.


PV: Xin cảm ơn đồng chí!


HỮU THỤY (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quản Bạ: Phát động phong trào xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Sáng 30.9, huyện Quản Bạ tổ chức Lễ phát động phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” huyện Quản Ba, giai đoạn 2010 - 2020.
30/09/2011
Quy định về mức hỗ trợ và thanh quyết toán các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2055/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang)
30/09/2011
Quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020
QUY ĐỊNHVề việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020.(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1747/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
29/08/2011
Đồng Văn ra quân xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Ngày 24.9, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Đồng Văn tổ chức Lễ ra quân xây dựng nông thôn mới tại thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là.
26/09/2011